Dạy con từ thuở còn thơ    

(ANTĐ) - Thấy nhà cô Hoa bên cạnh ồn ào, tiếng quát thét, tiếng roi đánh vun vút, tiếng trẻ con khóc mếu làm náo loạn cả khu nhà, tôi vội sang xem thế nào. Cô Hoa vẫn phừng phừng giận dữ, chỉ cây thước vào mặt thằng Minh, con cô:

Dạy con từ thuở còn thơ    

(ANTĐ) - Thấy nhà cô Hoa bên cạnh ồn ào, tiếng quát thét, tiếng roi đánh vun vút, tiếng trẻ con khóc mếu làm náo loạn cả khu nhà, tôi vội sang xem thế nào. Cô Hoa vẫn phừng phừng giận dữ, chỉ cây thước vào mặt thằng Minh, con cô:

- Bác xem, nó mới học lớp 3 mà đã như thế rồi, hư quá, hư quá!

- Sao, hư thế nào? Mà sao cứ đánh đập nó thế nó làm sao khá lên được? - Tôi can.

Hỏi ra mới biết chuyện thế này:

Khi chị Hoa đến đón con ở cổng trường thì có một phụ nữ trung tuổi tiến đến... đòi tiền. Vô cùng ngạc nhiên, tưởng nhầm nhưng bà nọ cho biết con cô “nợ” quá nhiều, lại mất tăm mấy hôm nên bà chủ quán mới phải tóm ngay lấy phụ huynh để “giải quyết”.

Thế là cực chẳng đã, chị Hoa phải đứng đôi co với bà chủ quán nước ở cổng trường, dù bao nhiêu con mắt nhìn vào. Chỉ vì chị không thể tin nổi là con mình lại dám “cắm quán” tới gần 100.000 đồng. Tất nhiên không phải chị không có số tiền đó, nhưng cái bất ngờ và uất ức khiến chị không dễ chấp nhận sự thật.

Nhìn sổ nợ, chị Hoa bực lắm, nhất quyết không trả và nói thẳng:

- Nó còn nhỏ biết gì mà bác bán hàng cho nó, lại còn cho nó nợ nần.

- Ơ kìa, tôi bán hàng, nó mua! Tôi bán hàng ở cổng trường tôi không bán cho trẻ con thì bán cho ai?

- Nó là trẻ con lấy đâu từng đấy tiền mà trả? Sao bác lại cho nó nợ? Mà ai chứng thực số nợ này?

- Nó chứ ai?! Này, cháu nợ bác bao nhiêu? Nói đi!

Nhìn mặt con, chị Hoa biết thế là đúng rồi, chẳng oan đâu. Nhưng chị vẫn cố cãi:

- Ai lại đi cãi nhau với đứa trẻ con làm chứng như thế? Hay bà xui nó nợ và xui nó về nhà lấy tiền mua hàng?

Chuyện càng lúc càng căng. Bà kia cũng không vừa, cứ to tiếng, cuối cùng bà dọa sẽ báo cô giáo chủ nhiệm, báo Ban giám hiệu nhà trường. Đến nước này thì thua rồi. Một trăm nghìn chứ có nhiều hơn chị cũng phải móc hầu bao trả thôi.

Tất nhiên về nhà, “con nợ” được một trận no đòn. Nó còn bị chị Hoa ra điều kiện không được chơi gì nữa, đặc biệt là điện tử. Cũng không còn khoản tiền cho ăn sáng nào nữa.

Qua câu chuyện nhà chị Hoa, tôi mới biết không ít học sinh ngay từ nhỏ đã được bố mẹ cho tiền, cầm tiền để mua thứ nọ thứ kia, đến lúc đi học các em lại không “cầm lòng” nổi trước sự cám dỗ của những thứ đồ chơi và đồ ăn xanh đỏ bắt mắt nhưng ẩn chứa nhiều nguy hại mà cái nguy thấy ngay là các cháu trở nên trí trá, làm liều …

Có tiền, các em trở thành “khách quen” sẵn sàng được “ưu đãi” mua chịu lúc nào trả cũng được. Ung dung ăn uống không phải trả tiền, đến lúc bị chủ quán đòi các em mới đánh liều một quả. Đa số các em dạng này đều sống trong gia đình khá giả như nhà chị Hoa, bố mẹ để tiền hớ hênh nên vô tình tạo điều kiện cho con hình thành thói quen xấu vô ý thức.

Tưởng chuyện đã yên, nhưng mấy hôm sau, chị Hoa mặt tái mét sang gặp tôi, vừa gặp chị đã ròng ròng nước mắt: “Bác ơi, thằng Minh hư quá rồi, mới tí tuổi đầu đã dám lấy của em đến mấy trăm nghìn đồng. Em nghĩ là chồng tiện thì lấy chứ không dám nghi cho nó, nhưng hôm qua em vô tình thấy trong vở con kẹp 2 tờ 100 nghìn...”.

Nhìn chị rối lên như thế, đau lòng vì con hư, lo lắng không biết con lấy tiền làm gì, tôi phải an ủi. Sau tôi tư vấn chị phải gặp cô giáo chủ nhiệm để làm rõ, và cùng với nhà trường kèm cặp cháu mới ổn. Chứ chị cứ giấu như vậy không thể giáo dục được con. Tôi cũng phải nhắc chị đừng đánh con nữa, đánh lúc này không có tác dụng, đồng thời sẽ không thể nói chuyện được với con nữa... Chị phân vân nhưng rồi cũng nghe tôi.

Rất may, cu Minh đã vào nền nếp, vợ chồng chị Hoa cũng được một bài học về việc quản lý tiền bạc với con cái. Cô giáo chủ nhiệm khi biết chuyện còn cảm ơn gia đình chị vì qua đó, cô phát hiện ra mấy trường hợp ăn tiêu nợ nần trong lớp nữa và đã sớm cùng với gia đình các cháu ngăn chặn...

Mai Lâm