“Công xưởng” gia công hàng

ANTĐ - Nỗi lo nhập siêu từ Trung Quốc mỗi năm mỗi tăng; hàng hóa “made in China” lấn át hàng nội không có xu hướng giảm, chưa kể hàng tiểu ngạch, nhập lậu “không rõ nguồn gốc” vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn. Trong khi đó, không chỉ có thương nhân Trung Quốc thâm nhập sâu, luồn lách vào thị trường thu mua ồ ạt hàng nông sản, phá giá, lũng đoạn thương trường, doanh nghiệp Trung Quốc âm thầm thực thi nhiều chính sách ưu đãi với một chiến lược hết sức bài bản dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, họ còn đổ tiền vào liên kết, hợp tác hoặc mua lại doanh nghiệp trong nước.

Theo một số chuyên gia, gần một năm nay, giới doanh nghiệp Trung Quốc đã thay đổi chiến lược làm ăn, tiếp cận thị trường Việt Nam một cách bài bản, lâu dài hơn thông qua liên doanh, hợp tác mở rộng đầu tư kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổ tiền đầu tư gây dựng mô hình trồng cây dược liệu tỏ ra thất vọng vì không thể đương đầu trong cạnh tranh với hàng Trung Quốc cả về giá cả lẫn chất lượng. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp và trang trại, hiện doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm trong tay 90% thị trường cây dược liệu ở Việt Nam, 10% thị phần còn lại đang phải cạnh tranh quyết liệt ngay từ khâu thu mua, thậm chí có những vùng nguyên liệu buộc phải bán cho Trung Quốc. 

Chưa hết, 50% diện tích trồng cây dược liệu ở vùng núi phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc đều nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư chính thức hoặc phi chính thức. Có dự án họ ném tiền vào vùng nguyên liệu, có dự án họ núp sau lưng doanh nghiệp trong nước để thu mua dược liệu. Không chỉ phá giá thu mua như đã làm với một số nông sản, hải sản Việt Nam, họ còn tung tin đồn thất thiệt về chất lượng dược liệu do doanh nghiệp trong nước sản xuất, do đó đã đẩy không ít doanh nghiệp phá sản hoặc đường cùng phải bán lại vùng cây nguyên liệu cho họ. Một ngành thuộc thế mạnh của nước ta là dệt may cũng nằm trong “tầm ngắm” của doanh nghiệp Trung Quốc. Một số công ty dệt lớn của nước họ đã đầu tư xây nhà máy sợi ở Việt Nam. Hai doanh nghiệp dệt may thuộc hai tập đoàn dệt may nổi tiếng từ Trung Quốc đang gấp rút đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm may mặc, dệt và nguyên phụ liệu. Họ nhanh chân chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Ngay cả ngành sản xuất nữ trang cũng để phía Trung Quốc “để mắt” tới như ưu đãi nhập khẩu vàng nữ trang, cung cấp vốn và nguyên liệu để mở công ty sản xuất hàng nữ trang tiêu thụ ngay tại Việt Nam và xuất khẩu. 

Liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với nước ngoài là một chính sách được Nhà nước khuyến khích, ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ nước ta trở thành “công xưởng” sản xuất, gia công hàng Trung Quốc là khó tránh khỏi, nếu không có chính sách điều tiết vĩ mô hợp lý.