Công viên Thống Nhất phải là một trung tâm văn hóa xứng tầm của Thủ đô
(ANTĐ) - Nhiều ngày qua, vấn đề đầu tư, cải tạo công viên Thống Nhất được rất nhiều người quan tâm. Thành phố Hà Nội cũng đã có thông tin chính thức khẳng định công viên Thống Nhất phải được bảo tồn là công viên văn hóa, nghỉ ngơi, thư giãn, môi trường sinh thái; bảo tồn các vườn hoa, cây xanh, đảo hồ. Báo ANTĐ xin giới thiệu bài viết của KTS Ngô Huy Giao về vấn đề này.
>>>Cải tạo Công viên Thống Nhất như thế nào?
>>>Công viên luôn thuộc về người dân
>>>Cải tạo công viên Thống Nhất - Mới chỉ là ý tưởng!
>>>Công viên nội thành phải được xem là di sản đô thị
Công viên Thống Nhất (ảnh chụp từ vệ tinh) |
Nằm ở phía Nam thành phố, chủ yếu là đất trống làng Vân Hồ xưa, Công viên Thống Nhất đã mang những dấu ấn lịch sử.
Hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, “Thống Nhất” là nguyện vọng da diết của mỗi người dân miền Bắc lúc đó. Giải phóng nửa đất nước phía Bắc, đâu đã có quỹ nọ, quỹ kia, người lao động Thủ đô tình nguyện đào đất đắp nền xây dựng công viên. Phong trào lao động Xã hội Chủ nghĩa (không có tiền công) vào cả những ngày nghỉ rất đáng quý lúc ấy, bắt đầu từ đây.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi: “Cải tạo công viên, không thể chỉ trông chờ ngân sách”
- Ông Nguyễn Văn Khôi: Theo Tờ trình, Công viên Thống Nhất nằm trên địa bàn hai phường Lê Đại Hành và Nguyễn Du thuộc quận Hai Bà Trưng. Sau khi cải tạo, công viên được chia thành 3 vùng: vùng động, vùng đệm và vùng tĩnh. Vùng động (phía Bắc công viên) chủ yếu phục vụ vui chơi giải trí, thể thao, rèn luyện thân thể và các vùng không gian lớn phục vụ lễ hội, mít-tinh, khu dành cho thiếu nhi... Trong vùng này dự kiến bố trí khu đỗ xe ngầm và dịch vụ công cộng ngầm. Vùng đệm gồm bán đảo Phong Lan, khu vực Đông hồ Bảy Mẫu dọc trục đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ bố trí các khu chức năng như vườn hoa chuyên đề, hội hoa cây cảnh, bến thuyền. Vùng tĩnh sẽ là khu vực không gian xanh phục vụ nhân dân dạo bộ, ngắm cảnh, tập thể dục, dưỡng sinh... Hồ Bảy Mẫu sẽ được giữ nguyên. Nước hồ sẽ được làm sạch để tổ chức một số hoạt động vui chơi trên mặt nước hoặc tạo không gian thủy cung, nhạc nước... Những ý tưởng đó về nguyên tắc tôi cho là hợp lý. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan sẽ phải khảo sát, đánh giá một cách toàn diện thực trạng công viên, kể cả hệ thống công trình ngầm và sớm thống nhất phương thức, mô hình đầu tư dự án. - PV: Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về chủ trương dùng nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện dự án này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? - Ông Nguyễn Văn Khôi: Thực tế cho thấy, nếu cứ trông chờ vốn ngân sách thì công viên khó thoát khỏi cảnh xập xệ, không thu hút được người dân. Như tôi đã nói, phương án cân đối lợi ích cộng đồng – Nhà nước – nhà đầu tư phải được tính toán rất kỹ. Anh Phương thực hiện |
Tin vui, thành phố đã “chọn mặt gửi vàng”, trao nhiệm vụ xây dựng cho các nhà đầu tư có uy tín.
Có nhiều hình loại công viên: Công viên vui chơi giải trí, công viên nước, công viên thú, công viên thiếu nhi. Thống Nhất nằm trong lòng thành phố, nên chăng chú trọng chức năng văn hoá, nghỉ ngơi nhất.
Đời sống hiện đại, văn hoá tĩnh lặng là cần thiết. Khu tĩnh lặng giữa đô thị, là tĩnh lặng hiện đại, văn hoá, nhiều sức hấp dẫn, cao sang.
Sẽ là sai lầm nếu phá đi mầm xanh để đưa nhiều xi măng, kính vào công viên, biến thành trung tâm du hý.
Cần xác định đất xây dựng công viên - nghe có vẻ kỳ lạ! Nó rành rành ra đấy. Vâng, tôi nói thế vì từ ngày đổi mới, công viên bị thu hẹp diện tích do 2 công trình đồ sộ: Văn phòng Công ty Công viên (sau khi nhượng quyền sử dụng đất ở Thụy Khuê để xây dựng làng Việt Nhật). Phía đường Đại Cồ Việt (đoạn giáp Vân Hồ 3) phải xây ngăn cách cho vững chắc đừng để cư dân cứ đục tường chui rào vào, biến một dải xanh thành sân sau. Thực ra, lúc đầu là dự kiến đất công viên, nhưng chẳng giải phóng được.
Vì là nâng cấp, cải tạo, nên cần thiết giữ lại những chủ thể, những bền vững: Cây đa Bác Hồ, tượng Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, quán Gió, nhà gương (quà tặng của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc trước đây), các tượng nhỏ (“Thiếu nhi đọc sách”, “Kéo co”...). Cổng vào phía đường Trần Nhân Tông hoành tráng, đẹp tương xứng với không gian quảng trường. Cổng vào phía đường Nguyễn Đình Chiểu nhẹ nhàng, mộc mạc. Còn cổng vào phía đường Lê Duẩn và Đại Cồ Việt không biết có nên hạ nét bút gạch xoá vì mang tính bản năng hơn là trí tuệ kiến trúc?
Văn hoá, nghỉ ngơi giữa lòng phố, nên xin đừng vì doanh thu mà đưa nhiều đồ điện tử, cơ khí vào.
Đu quay chạy ầm ầm ngay ngọn cây, đoàn tàu rít bánh sắt khắp vòng công viên... là cần thận trọng, nhưng một khu vui chơi với các trang thiết bị điện tử nhỏ là có thể chấp nhận. Cũng chẳng nên đưa nhiều trò chơi kiểu “đánh bạc điện tử”, nhưng nếu là rèn luyện óc phán đoán, khéo tay, tinh mắt thì cũng chẳng nên quá khe khắt. Cái hàng rào được xây dựng lần thứ 3 từ ngày có công viên, sao lại phá bỏ? Sáng, chiều, trong những giờ nhất định có thể mở cửa tự do cho bà con vào tập thể dục. Cũng nên có một khu ẩm thực, nhưng chủ yếu là đồ uống, ẩm thực nhẹ nhàng và truyền thống, ví như bánh xèo bà Xiêm, Cần Thơ, (từng đi “kinh doanh” tại Mỹ về). ẩm thực càng dân dã càng tốt, nhưng nên tránh những dân dã giả vờ, kiểu bánh cuốn “Thanh Trì” ở khắp các chợ hiện nay!
Tất cả xây dựng trong công viên đều phải là “tử tế”, không chấp nhận các thứ “tạm”, chỉ dựng vội để thu tiền, nước thải đổ tràn ra bãi cỏ. Nhà vệ sinh đẹp và nếu làm ngầm thì rất tốt, tuy nhiên cần kín đáo, không phô trương như nhiều nhà vệ sinh đường phố hiện nay.
Sân khấu ngoài trời, không còn thích hợp. Nên xây dựng lại thành tụ điểm ca nhạc cho tuổi trẻ có thể có sức hút khách. Sân quần vợt, sân cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ... có lưới mắt cáo bao quanh, rất thích hợp lại có doanh thu.
Đảo nhỏ Hoà Bình giữa hồ nước cần được coi là một không gian chủ thể văn hoá, doanh thu. Dựng vài ngôi nhà chính gốc Mường, Thái, Tây Nguyên, có trang phục, có tiện nghi dân tộc. Du khách có thể thuê trang phục và dự một vài sinh hoạt dân tộc, để chụp ảnh, ghi hình, sau khi đi chuyến “đò ngang” từ “đất liền” ra đảo. Vật thể kiến trúc sẽ sống động, đi vào lòng người.
Hồ nước ở đây không lớn, chỉ cho phép các thuyền có mái chèo và đạp chân. Sinh hoạt này có thể tính giá cao để bù những chi phí khác. Cây xanh, thảm cỏ vẫn nên được coi là thành phần chính. Có thể làm 1 thảm cỏ tuyệt đẹp, kết hợp với trượt cỏ ngắn (vì đất không rộng). Thuê 1 chỗ ngồi, kể cả “nằm” trên thảm cỏ như cái thú “đạp thanh” thuở xưa. Từ lối vào cổng chính đường Trần Nhân Tông, dẫn tới đảo hoa lớn, rồi toả đi mọi hướng. Giải pháp ấy hơi khô cứng. Thử thay bằng gốc đa lớn do chính tay các nguyên thủ quốc gia trồng thì hay biết mấy. Chiếu sáng là nghệ thuật, là khoa học, cần có các chuyên gia, các KTS thiết kế, vùng tối, vùng sáng, kiểu dáng cột đèn... xin đừng tùy tiện.
Đừng quên một điều rất cơ bản là xử lý nước thải. Tất cả không cho chảy xuống hồ. Hồ này chỉ chứa nước mưa, có vớt rác, vớt lá cây úa rụng. Tác giả “Con đường gốm sứ” có thể tìm ở đây người bạn đồng hành hơn là ở đê sông Hồng.
Những công trình lớn và phục vụ trực tiếp đời sống dân cư nên có tổ chức phản biện xã hội theo Chỉ thị số 22/2002/QĐ-TTG ngày 30/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ; được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhắc đến đầu năm 2007 trong buổi làm việc tại Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Trong trường hợp này nên là Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hội Xây dựng Hà Nội và Trung tâm Kiến trúc phong cảnh Việt Nam. Hiện vẫn còn nhiều người là tác giả, mà KTS Lê Lân là người góp phần hoàn thiện tổng thể và trực tiếp thiết kế nhiều công trình.
KTS Ngô Huy Giao
Thông tin tới người dân phải chuẩn xác
"Doanh nghiệp, nhà đầu tư có vốn nhưng thành phố có “cây gậy” quy hoạch trong tay. Cứ cho là doanh nghiệp muốn làm này làm nọ nhưng bàn tay quản lý của thành phố còn đó, cộng thêm giám sát của cộng đồng thì liệu họ có làm bậy được không? Quan trọng là bàn tay quản lý phải chặt chẽ, sát sao trong khi việc triển khai dự án phải công khai, minh bạch. "Thậm chí, phải ra được “đầu bài” rõ ràng với nhà đầu tư để chính họ yên tâm bỏ tiền vào dự án. Đặc biệt, vấn đề thông tin tới dư luận cũng cần phải được xem xét nghiêm túc, tránh để xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc về một chủ trương đúng đắn. "Ngoài ra, việc lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết. Lẽ đơn giản bởi công viên sinh ra là để phục vụ người dân, nếu chủ thể được phục vụ không được tham góp vào việc cải tạo, nâng cấp công viên thì ý nghĩa thực sự của việc này sẽ giảm đi rất nhiều.” Nguyễn Trung Công (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) |