Công viên miền ký ức

ANTĐ - Không cần phải đến tận dãy núi Alps mới có thể leo núi, những ai sống ở Đức chỉ cần ghé qua khu vực các nhà máy than và thép ở vùng công nghiệp Ruhr,  ở miền Trung là có thể thỏa mãn sở thích chinh phục độ cao của họ. Ở đây, những nhà máy cũ còn được biến thành khu công viên văn hóa đầy ý nghĩa.

Leo núi giữa những lò thép cũ

Một ngày cuối tuần, 7 nhà leo núi nghiệp dư của Câu lạc bộ Alpine nước Đức, thuộc hiệp hội những người leo núi lớn nhất thế giới tìm đến Landschaftspark, một công viên cảnh quan ở Duisburg- Nord, thực chất là một nhà máy thép cũ nay đã được chuyển đổi thành một khu vui chơi giải trí. Bức tường mà họ leo lên là thành của những thùng chứa bê tông rất lớn, dài khoảng 40m, rộng 15m, cao 12m, từng được sử dụng để lưu trữ than đá và quặng sắt. Nhà leo núi Horst Neuendorf xây dựng khu leo núi này từ những ngày đầu nói: “Khi chúng tôi nhận đất ở đây hồi những năm 90, các nhà máy thép đã đóng cửa được vài năm. Mọi thứ gần như hoang hóa. Rất nhiều việc phải làm”. 

Mỗi người trong đoàn chuẩn bị đủ thiết bị gồm mũ bảo hiểm, quần chuyên dùng, dây cáp an toàn… rồi từ từ leo lên. Hiện khu vực leo núi này có hơn 450 tuyến đường với 9 cấp độ khó khác nhau. Nhìn từ dưới, bức tường không quá chót vót nhưng từ trên cao nhìn xuống, thì khá nguy hiểm. Giờ thì họ đang trên đỉnh bức tường 12 m. Với chiều rộng khoảng nửa mét, họ đi bộ chầm chậm và cảnh tượng thật đáng kinh ngạc, cả khu vực Ruhr trải ngút tầm mắt, bên dòng sông Rhine – con sông lớn nhất nước Đức. Một màu xanh thẫm mượt mà bao quanh khu công nghiệp toàn lò cũ và ống khói vươn lên bầu trời. 

Hồi sinh trong những ứng dụng mới

Landschaftspark là công trình làm theo bản thiết kế đạt giải năm 1991, với mục tiêu giúp những thế hệ sau hiểu được ngành công nghiệp trong quá khứ hơn là phủ nhận và triệt tiêu nó. Vùng đất này đến giữa thế kỷ 19 vẫn là đất nông nghiệp và đến năm 1985 thì các nhà máy bị giải thể vì ô nhiễm. Không giống như các bản thiết kế cạnh tranh khác, tác giả Peter Latz nhận ra giá trị khu vực này, ông đã đề ra giải pháp lọc đất ô nhiễm, xử lý phần đất có độc tính cao. Công viên gần như giữ lại được bộ khung của nhà máy than và thép xưa kia, đồng thời có những ứng dụng mới cho nhiều cấu trúc cũ, ví dụ các kênh dẫn nước giờ làm nơi chứa nước sạch để rửa sạch khu vui chơi, những bồn chứa gas trước kia nay chứa đầy nước để mọi người thỏa thích bơi lặn, hay xen kẽ với những tuyến đường mới, hệ thống cây xanh mới trồng là những đoạn đường sắt và hệ thống thoát nước cũ. 

Mỗi không gian đều giữ lại được phần đặc trưng của nó, và nơi trung tâm nhất, nhà máy sản xuất thép xưa kia đã biến thành khu quảng trường rộng lớn. Bởi vậy, Landschaftspark là ví dụ sinh động về sự đổi thay ở vùng Ruhr, trung tâm của ngành công nghiệp nặng nước Đức. Ngày nay, đây là nơi tổ chức hòa nhạc, các sự kiện thể thao, triển lãm, giải trí… 

Đến với Landschaftspark, du khách có cảm nhận rất rõ công trình được thiết kế với ý tưởng rằng vào ngày đẹp trời, một người ông vốn cả thời trai trẻ gắn bó với các nhà máy này thong dong dạo bộ với các cháu của mình, giải thích cho bọn trẻ thế hệ ông đã dùng máy móc, thiết bị đó như thế nào. Tại đây, ký ức là phần trung tâm của bản thiết kế. Vì thế, nhiều người ca ngợi đây là khu công viên văn hóa thành công.