Công ty Nước sạch Sông Đà chưa thể xin lỗi hàng chục vạn hộ dân Hà Nội

ANTD.VN -Lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà cho biết, việc xin lỗi hàng chục nghìn hộ dân đang sử dụng nước sạch Sông Đà ở Hà Nội sẽ được Công ty ngồi lại xem xét trách nhiệm cụ thể.

Nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải gì vẫn chưa rõ

Thông tin tại cuộc họp báo của Tỉnh Hòa Bình vào chiều nay, 17/10, ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Hòa Bình cho biết, trách nhiệm kiểm tra nước thô (nước đầu vào) trước khi đưa vào nhà máy xử lý, sản xuất cho người dân theo quy định thuộc về Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).

Cũng theo ông Long, ngày 16/10, Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị xuống khu vực suối Bằng, huyện Kỳ Sơn để lấy mẫu nước mặt, nước suối, nước ngầm, trầm tích, mẫu dầu thải tại đây để kiểm tra. Bởi, trên thị trường có nhiều loại dầu thải nên chưa biết loại dầu bị đổ trộm ra đầu nguồn khu vực dẫn vào nhà máy nướ Sông Đà là loại gì. Nhưng hiện tại chưa có kết quả phân tích các mẫu này.

Ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hòa Bình

“Về cảm quan, khu vực này váng dầu không còn nhiều, dưới suối vẫn còn mùi khét, còn váng dầu bám vào. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nguồn nước ô nhiễm ở suối sẽ còn kéo dài, vì ngoài váng dầu nổi thu gom được có thể còn một số loại hợp chất lơ lửng trong nước, bám dính vào cây cỏ, đất đá ở suối, vì vậy phải xử lý triệt để nguồn nước ô nhiễm dính dầu. Khi đó mới đảm bảo nguồn nước đầu vào”- ông Long nói.

Viwasupco là nạn nhân lớn nhất!?

Tại buổi họp báo chiều nay, đơn vị nhận được nhiều câu hỏi nhất vẫn là Công ty Viwasupco. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty cho biết, Công ty đã thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, đơn vị đủ năng lực xử lý sự cố, để nạo vét tất cả váng dầu đầu vào.

“Ngày 16/10, Công ty đã súc xả hệ thống và cấp nước lại, Trung tâm bệnh tật Hà Nội có đến lấy mẫu ngày 16/10 nhưng chưa có kết quả. UBND TP Hà Nội chưa cho phép công ty công bố nước đủ tiêu chuẩn ăn uống, mà chỉ cho phép dùng để tắm rửa. Khi nào có kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy ngày 16/10 sẽ công bố”, ông Khoa cho biết.

Ông Nguyễn  Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty Viwasupco cho biết, việc xin lỗi người dân còn phải chờ họp kiểm điểm và kết luận của cơ quan chức năng

Đặc biệt, nhiều lần báo chí hỏi về trách nhiệm của Công ty Viwasupco cũng như sự im lặng đến vô cảm trước hàng chục nghìn hộ dân sử dụng nước nhiễm dầu của Viwasupco nhưng phía Công ty không có một lời xin lỗi, ông Khoa cho hay, việc này sẽ ngồi lại xem xét trách nhiệm cụ thể, tất cả sẽ phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

“Nếu nói đến thiệt hại thì chúng tôi là nạn nhân lớn nhất nên mong muốn Công an tỉnh Hòa Bình sớm tìm ra sự việc”- ông Khoa trả lời.

Theo Công ty Viwasupco, về chất lượng nước đầu vào (nước thô), có 3 có chỉ tiêu A,B, C. Trong đó, chỉ tiêu A xét nghiệm 1 tuần/lần; chỉ tiêu B 6 tháng/lần và chỉ tiêu C là 2 năm/ lần. Tất cả kết quả xét nghiệm của Công ty về chất lượng nước nguồn đều đạt chỉ tiêu theo quy định của Bộ Y tế.

Trả lời về việc, bao giờ Công ty Viwasupco sẽ cấp nước sạch sinh hoạt trở lại cho người dân, ông Khoa cho hay, ngày 16/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Hà Nội đã lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng hiện chưa có kết quả. Việc cấp nước trở lại phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm này.

Người dân không thể chờ được nhà máy Sông Đà đầu tư bài bản

Về vấn đề nhà máy nước Sông Đà không lấy nước trực tiếp từ sông Đà mà phải bơm dẫn vào kênh, qua suối Trầu, suối Bằng, ông Khoa lý giải, việc lấy nước trực tiếp từ Sông Đà là phương án lâu dài, đòi hỏi mất nhiều thời gian để đầu tư, xây dựng, trong khi người dân Thủ đô không thể chờ đợi thời gian đầu tư dài như vậy.

“Chúng tôi sẽ phối hợp vơi cơ quan chức năng đảm bảo tối đa an toàn nước đầu vào”- ông Khoa khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình

Thông tin thêm về việc đảm bảo an ninh nguồn nước sông Đà, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình cho hay, từ năm 2018 tỉnh Hòa Bình có Quyết định phê duyệt vùng bảo vệ vùng nước cung cấp nước sạch cho Hòa Bình, trong đó có đoạn sông Đà và kênh dẫn nước vào hồ Đầm Bài; Tháng 11/2018 tỉnh tiếp tục có quyết định phê duyệt nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trong đó có sông Đà chảy qua TP Hòa Bình, khoanh vùng bảo vệ vùng nước sạch sông Đà nói chung và cho nhà máy nước sạch Sông Đà nói riêng.

Tại buổi họp báo, Công an tỉnh Hòa Bình khẳng định, sẽ điều tra, làm rõ những người vi phạm, trách nhiệm đến đâu, sai phạm đến đâu xử lý đến đó và xử lý nghiêm theo quy định.

Thông tin tại cuộc họp báo chiều nay, 17/10, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự.