Công ty Miwon xả thẳng nước thải ra sông Hồng

(ANTĐ) - Từ nhiều năm nay, sau khi người dân bức xúc, phản đối Công ty Miwon xả nước thải từ nhà máy ra những hồ đấu xung quanh khu dân cư thì họ lại ngang nhiên xả ồ ạt xuống sông Hồng.

Công ty Miwon xả thẳng nước thải ra sông Hồng

(ANTĐ) - Từ nhiều năm nay, sau khi người dân bức xúc, phản đối Công ty Miwon xả nước thải từ nhà máy ra những hồ đấu xung quanh khu dân cư thì họ lại ngang nhiên xả ồ ạt xuống sông Hồng.

“Lợi ích kinh tế trước tiên phải đảm bảo môi trường”

Toàn bộ các khu dân cư sống xung quanh Công ty Miwon đã phải hứng chịu cảnh ô nhiễm nhiều năm nay. Riêng hai phường Thọ Sơn, Tiên Cát thuộc thành phố Việt Trì chịu ảnh hưởng nặng nhất. Các bể nước thải nổi và hệ thống cống xả nước thải nằm gần kề khu dân cư 2 phường này. 

Cống xả nước thải của Công ty Miwon ra sông Hồng
Cống xả nước thải của Công ty Miwon ra sông Hồng

Công ty Miwon hiện nay được tiếp quản từ Nhà máy Miến, Mì chính Việt Trì cách đây khoảng hơn chục năm. Sau khi tiếp nhận, Công ty Miwon tiếp tục sản xuất các sản phẩm bột canh, mì chính, tương ớt… Do công suất của nhà máy ngày càng lớn, hệ thống xử lý nước thải không thể xử lý được hết lượng chất thải dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm kéo dài. Điển hình, năm 2007, đường ống dẫn nước thải bị quá tải đã vỡ khiến cho toàn bộ khu dân cư “ngập chìm” trong ô nhiễm. Từ đó đến nay, bà con khu dân cư xung quanh Công ty Miwon đã không dưới 10 lần gửi đơn thư kêu cứu lên cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, Công ty Miwon, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

“Tôi thừa nhận việc công ty gây ô nhiễm môi trường và xả nước thải ra sông Hồng là vi phạm".

Thừa nhận của ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Công ty Miwon

Ngày 30-9, phóng viên Báo An ninh Thủ đô có mặt tại 2 phường Tiên Cát, Thọ Sơn, nhận thấy sự ô nhiễm do Công ty Miwon gây ra đã đến mức báo động. Từ bờ sông Hồng vào đến khu dân cư quyện trong mùi đặc quánh, ngột ngạt đến tức ngực. Mùi xú uế, hóa chất… làm cho cây cối khu vực này “cháy” khô lá. Lần theo cống xả nước thải từ phía trong Công ty Miwon, phát hiện đường xả thải đổ thẳng xuống sông Hồng. Chị Thủy, người bán hàng tại bến đò Gát thuộc phường Thọ Sơn bức xúc: “Tôi lúc nào cũng phải dùng khẩu trang bịt mũi. Nước thải xả ra sông Hồng đen ngòm, hôi thối. Ruộng rau trên bờ gần đó đã chết và đến nay không thể trồng cây gì được”.

Ngay sau khi chúng tôi có mặt, người dân thuộc các phường Tiên Cát, Thọ Sơn đã kéo đến rất đông, tỏ thái độ bức xúc trước việc làm thiếu trách nhiệm của Công ty Miwon đối với môi trường. Ông Trần Xuân Bản - Chi hội trưởng Chi hội CCB phường Tiên Cát, bức xúc: “Không thể chấp nhận được, làm gì cũng phải vì môi trường, vì người dân. Chúng tôi phản đối việc vì lợi ích kinh tế mà phá hủy môi trường. Việc xả nước ra sông Hồng thì không chỉ riêng chúng tôi bị ảnh hưởng mà còn nguy ngại đến môi trường chung”.

Bà Hoàng Thị Hà - Tổ trưởng tổ 1 phường Tiên Cát, cho biết: “Sáng sớm nay biết có đoàn kiểm tra về làm việc, họ đã “qua mặt” bằng cách ngừng xả, mùi ô nhiễm có đỡ hơn mọi khi. Tôi biết, 6h sáng nay đã thấy người ta vẫn xả nước thải ồ ạt ra sông Hồng trước khi có đoàn kiểm tra về”. Theo nguồn tin nội bộ từ Công ty Miwon, nếu hoạt động hệ thống xử lý nước thải thì sẽ tốn kém cho nên hệ thống đó chỉ để làm vì, đối phó khi cần thiết. Quả thật, chỉ có người dân khu vực mới có thể biết được đã qua bao nhiêu năm tháng sông Hồng phải hứng chịu nước thải ô nhiễm từ Công ty Miwon xả ra.

Sống trong ô nhiễm

Hệ thống xử lý nước thải đã không hoạt động được
Hệ thống xử lý nước thải đã không hoạt động được

Hầu hết trẻ nhỏ ở khu vực đều bị mắc bệnh đường hô hấp. Nhiều cháu đã không phát triển được do sự tác động của ô nhiễm môi trường. Con chị Nguyễn Thị Dung là ví dụ. Chị đã nhiều lần phải đưa con mình đi bệnh viện do viêm đường hô hấp. Ngày qua ngày triệu chứng nôn ọe, viêm đường hô hấp được phát hiện. Và đó cũng là thực trạng chung mà các trẻ nhỏ, người dân nơi đây đang phải gánh chịu.

Phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiếng ồn những người dân nơi đây chỉ còn cách ngày đêm bịt khẩu trang. Hầu hết giếng nước sinh hoạt của người dân đã phải bỏ vì ngả màu, bốc mùi khó chịu. Để “sống chung” với ô nhiễm môi trường, người dân đã có giải pháp tình thế bằng cách bịt khẩu trang ngay cả khi đi ngủ.

Theo quan sát của chúng tôi, những mái tôn của các gia đình mới lợp được chưa đầy 2 năm đã bị ăn mòn, ruỗng lỗ chỗ. Nguyên nhân do lò nấu hóa chất để phục vụ việc sản xuất của công ty. Người dân cho biết, sau khi phản ánh nhiều lần, để “che mắt” Công ty Miwon đã dùng bèo phủ lên bề mặt những hố nước thải, tuy nhiên chỉ vài ngày sau, đám bèo tây thả trên mặt nước đó đã vàng úa dần và chết. Sau nhiều lần phản đối, đề nghị lên cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm, đề nghị Công ty Miwon không được thải nước ra sông Hồng nhưng không được giải quyết, người dân đã kéo lên cổng công ty đề nghị gặp trực tiếp người quản lý công ty để yêu cầu chấm dứt việc gây ô nhiễm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Gần đây nhất, ngày 22-9 bà con thuộc khu vực xung quanh đã kéo lên cổng công ty phản đối việc làm gây ô nhiễm của Công ty Miwon. Tiếp đến ngày 24 và 27-9 người dân không thể chịu nổi mùi hôi thối đã kéo lên phản đối thì được ông Bình - Phó Giám đốc Công ty Miwon đã hứa sẽ khắc phục, tuy nhiên đến nay ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Một điều khó chấp nhận, trước đó, ngày 10-7-2007, trong buổi làm việc có ghi văn bản giữa người dân với đại diện Công ty Miwon là bà Phạm Thu Hiền - cán bộ phụ trách môi trường và ông Vũ Đình Hường, cán bộ Phòng Kỹ thuật đã thừa nhận việc Công ty Miwon gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải bừa bãi là có và cũng đã hứa và đến nay vẫn thất hứa.

Trong biên bản làm việc ngày 10-7-2007, về phía đại diên Công ty Miwon thừa nhận: “Cửa xả ống nước thải bị vỡ gây ô nhiễm là đúng với những gì bà con phản ánh, sẽ khắc phục và không gây ô nhiễm môi trường”.

Ông Trương Quang Bình - Phó Giám đốc Công ty Miwon, thừa nhận: “Tôi thừa nhận việc công ty gây ô nhiễm môi trường và xả nước thải ra sông Hồng là vi phạm. Nguyên nhân do chúng tôi kế thừa từ nhà máy trước đây, nên hệ thống xử lý nước thải đã quá tải. Từ tháng 5-2007, chúng tôi đã khắc phục bằng cách ký hợp đồng với “Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ nước sạch môi trường” để xử lý hệ thống nước thải bớt ô nhiễm nhưng do máy móc hoạt động trục trặc không hoạt động được. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Trung tâm để sửa chữa nhưng do năng lực của họ không có, họ đã không thể sửa chữa được. Chúng tôi vẫn đang tìm cách khắc phục”.

Cũng theo ông Bình, hệ thống xử lý nước thải của công ty không hoạt động được sau khi đưa vào sử dụng được ít hôm.  Mặc dù vậy nhưng từ năm 2007 đến nay công ty vẫn sản xuất cũng như xả nước thải không qua xử lý ra sông Hồng một cách ngang nhiên.

Đức Tuấn - Minh Quân