Công trường lò gạch, ngói trong khu dân cư

(ANTĐ) - Hàng trăm năm nay, người dân xã Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội vốn có nghề đun đốt gạch, ngói thủ công, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Những cũng bằng đó năm, người dân Kim Quan phải sống chung với ô nhiễm, khói bụi, bởi tất cả các lò gạch đều nằm ngay tại khu dân cư.

Công trường lò gạch, ngói trong khu dân cư

(ANTĐ) - Hàng trăm năm nay, người dân xã Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội vốn có nghề đun đốt gạch, ngói thủ công, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Những cũng bằng đó năm, người dân Kim Quan phải sống chung với ô nhiễm, khói bụi, bởi tất cả các lò gạch đều nằm ngay tại khu dân cư.

Những lò gạch, ngói thủ công tồn tại ngay trong khu dân cư
Những lò gạch, ngói thủ công tồn tại ngay trong khu dân cư

Cả làng đốt gạch, ngói tại vườn nhà

Người dân Kim Quan vẫn cho rằng, nghề đun đốt, gạch ngói thủ công ở đây có thể coi là nghề truyền thống, bởi nó hình thành có đến hàng trăm năm nay. Song, có tận mắt chứng kiến cảnh 21 lò gạch mọc chen lẫn trong các thôn, xóm cùng nhả khói mới thấy được, môi trường, sức khỏe của người dân nơi đây đang bị đe dọa từng ngày. Đặc biệt, 21 lò lại chủ yếu tập trung ở thôn 2 và thôn 5 trên địa bàn xã. Từng con đường trong thôn, xóm đều quẩn quanh một thứ mùi hăng hăng của khói lò gạch, ngói quện vào với sự ồn ào ra vào của xe tải về chở gạch, ngói. 

Ô nhiễm là vậy, song, theo ghi nhận thì dường như, người dân Kim Quan lại có tâm lý chấp nhận sống chung với khói, bụi và ô nhiễm tiếng ồn. Thậm chí, khi được hỏi, các chủ lò đun đốt gạch, ngói thủ công đều cho rằng, khói, bụi lò gạch không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có chăng chỉ gây khó chịu một chút khi đun đốt, thải ra thứ mùi hăng hăng.  Anh Cấn Văn Thiều, chủ 1 lò gạch thuộc thôn 5, xã Kim Quan cho biết, để đốt một lò gạch, ngói (gồm 2,5 vạn viên ngói; 2.200 viên gạch) chỉ sử dụng hết 3 tạ than, còn lại chủ yếu là củi và rơm rạ nên không ảnh hưởng gì đến môi trường, cũng như sức khỏe con người vì không có hóa chất độc hại!

Trong khi đó, ông Khuất Khắc Sơn - Trưởng Phòng TN&MT huyện Thạch Thất cho rằng, chắc chắn việc đun đốt gạch, ngói thủ công có gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, ô nhiễm ở mức độ và ảnh hưởng thế nào đến đời sống, sức khoẻ người dân thì chưa khẳng định được bởi từ trước đến nay, huyện chưa có điều kiện tổ chức lấy mẫu không khí để xét nghiệm. “Ai cũng biết đốt lò gạch, ngói ngay trong khu dân cư là ô nhiễm môi trường, nhưng đây là nghề truyền thống của địa phương có hàng trăm năm nay; đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”, một người dân trong thôn cho biết.

Tìm hiểu được biết, do thiếu mặt bằng sản xuất nên hầu hết các hộ  dân ở Kim Quan đều sử dụng diện tích đất của gia đình làm nơi sản xuất, phơi ngói, xây dựng lò đốt. Một số hộ thì lấn chiếm mặt đê, cơ đê tả Tích (đoạn chạy qua thôn) làm nơi tập kết nguyên vật liệu, phơi gạch, ngói, thậm chí xây dựng lò nung ngay trên triền đê gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sự an toàn của đê điều.

Việc làm và ô nhiễm: Khó quyết định

Theo ông Cấn Văn Thuỷ, thôn 2, cách đây 30 năm gia đình ông đã có lò nung gạch, ngói thủ công được xây dựng trong khuôn viên đất ở của gia đình và đến nay, nó vẫn tồn tại. “Đốt gạch, ngói sát nhà ở không ai muốn nhưng chúng tôi không thể làm khác được, nhiều hộ muốn di chuyển lò ra xa khu dân cư nhưng không có đất để chuyển”, ông Thuỷ  nói.

Hơn nữa, hầu hết người dân ở Kim Quan đều chấp nhận ô nhiễm để có công ăn, việc làm, tạo thu nhập. Bởi, Kim Quan là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào nông nghiệp, trong khi đó, đất trồng trọt trung bình chưa tới 300m2/khẩu. Bởi vậy, ngoài những lúc mùa vụ, thì phần lớn người dân trên địa bàn xã đều tham gia vào sản xuất gạch, ngói, với ngày công 50.000 đồng/người/ngày, đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Chủ lò ngói Cấn Văn Thiều lo lắng: “Nếu tới đây, Nhà nước có chủ trương nghiêm cấm việc đốt gạch, ngói thủ công thì hàng nghìn lao động trong xã rơi vào tình cảnh thiếu việc làm. Hơn nữa, nhiều chủ lò đã ký hợp đồng cung ứng ngói cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cả nước với số lượng lên tới trăm vạn viên. Nếu phải đóng cửa lò thì việc bồi thường cho khách hàng một khoản tiền khá lớn là rất khó khăn”. Như lò của gia đình anh, chỉ tính đến hết tháng 4-2010 đã ký hợp đồng cung ứng 7 vạn viên (ngói và gạch) với khách hàng.

Bên cạnh đó, báo cáo của UBND huyện Thạch Thất cho thấy, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn gần 90 lò nung gạch, ngói với công suất khoảng 2 triệu viên/năm. Qua kiểm tra về trình tự, thủ tục, hầu hết các lò gạch, ngói không có giấy phép khai thác khoáng sản, cam kết bảo vệ môi trường. Đặc biệt, một số lò gạch, ngói nằm sát khu dân cư gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn.

Giải quyết, chuyển đổi việc làm cho người lao động đang sống “nhờ” lò gạch là bài toán khó đặt ra không chỉ với xã Kim Quan mà còn là tình trạng chung trên địa bàn cả nước. Và trong khi vẫn còn loay hoay với vấn đề giải tỏa lò gạch và việc làm, thu nhập, thì người dân xã Kim Quan vẫn ngày ngày phải sống chung với những công trường lò gạch.

Hạ Quỳnh