Công thức vaccine Covid-19 và câu chuyện lợi thế của nước giàu, cửa hẹp cho người nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những ngày sắp tới, một bằng sáng chế sẽ được cấp cho một phát minh 5 năm tuổi - một kỳ công của kỹ thuật phân tử được áp dụng để chế tạo ra ít nhất là 5 loại vaccine Covid-19 chính hiện nay. Chính phủ Mỹ là quốc gia kiểm soát bằng sáng chế đó.
Nhiều nhà khoa học trên thế giới đều đồng quan điểm, việc đối phó đại dịch và phát triển vacine Covid-19 nên là sự hợp tác quốc tế, không phải cuộc cạnh tranh

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đều đồng quan điểm, việc đối phó đại dịch và phát triển vacine Covid-19 nên là sự hợp tác quốc tế, không phải cuộc cạnh tranh

Bằng sáng chế này được coi là cơ hội - thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là cơ hội tốt nhất để tạo ra đòn bẩy chính xác cho các công ty dược sản xuất vaccine, gây áp lực buộc họ phải mở rộng khả năng tiếp cận tới các nước kém giàu có hơn. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Chính phủ Mỹ có làm bất kỳ điều gì hay không và các quốc gia giàu có sẽ cư xử thế nào đối với vaccine Covid-19.

Quê nhà là trọng tâm

Sự phát triển nhanh chóng của vaccine Covid-19 đạt tới tốc độ kỷ lục và được cung ứng bởi nguồn tài trợ công cộng khổng lồ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh - thể hiện một chiến thắng vĩ đại trước đại dịch. Các mắt xích này đã hợp tác với các nhà sản xuất thuốc, rót hàng tỷ USD để mua nguyên liệu thô, tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng và trang bị thêm các nhà máy. Chưa kể việc bổ sung thêm hàng tỷ USD được cam kết dùng để mua thành phẩm.

Nhưng sự thành công này của phương Tây đã tạo ra sự bất bình đẳng rõ rệt. Người dân ở các quốc gia giàu có đã nhận được khoảng 90% trong số 400 triệu liều vaccine Covid-19 được cung cấp cho toàn thế giới tính tới thời điểm này. Theo dự đoán hiện tại, người dân phần còn lại thế giới sẽ còn phải đợi nhiều năm nữa mới có vaccine để tiêm.

Ngày càng nhiều quan chức y tế và các tổ chức vận động trên toàn thế giới kêu gọi các Chính phủ phương Tây sử dụng “quyền lực áp chế” - hầu như hiếm khi hoặc chưa từng được sử dụng trong lịch sử - để buộc các công ty công bố công thức vaccine, chia sẻ bí quyết và tăng cường sản xuất. Những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng đã vận động sự giúp đỡ, bao gồm cả việc yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng bằng sáng chế của quốc gia mình để thúc đẩy việc tiếp cận vaccine rộng rãi hơn. Nhưng các Chính phủ phương Tây dường như phớt lờ những lời cảnh báo về đại dịch trên thế giới, những lời kêu gọi rõ ràng từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc đảm bảo vaccine cho các quốc gia nghèo hoặc khuyến khích các công ty dược chia sẻ kiến thức của họ.

Các quan chức phương Tây cho biết không bao giờ có ý định loại trừ người dân nước khác. Nhưng với việc các quốc gia của họ phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao do đại dịch, trọng tâm của họ vẫn phải là quê nhà. Vì vậy, việc chia sẻ bằng sáng chế vaccine chưa bao giờ được đưa ra. “Chỉ là tập trung vào Mỹ, không phải toàn cầu. Mọi người đều đồng ý rằng vaccine, một khi Mỹ đã được cung cấp, sẽ chuyển đi nơi khác” - ông Moncef Slaoui, cố vấn khoa học chính cho Chiến dịch Warp Speed - chương trình được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tài trợ cho việc tìm kiếm vaccine ở Mỹ.

Đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã miễn cưỡng thay đổi quan điểm này. Ông Joe Biden hứa sẽ hỗ trợ một công ty Ấn Độ sản xuất khoảng 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2022, và chính quyền Mỹ sẽ tặng vaccine cho Mexico và Canada. Tuy nhiên, ông Joe Biden vẫn khẳng định chú trọng nhất tới quốc gia của mình. “Chúng tôi phải bảo đảm rằng người Mỹ được quan tâm trước tiên. Nhưng sau đó, chúng tôi cố gắng và giúp đỡ phần còn lại của thế giới” - ông Joe Biden phát biểu.

Theo Viện Y tế Toàn cầu của trường Đại học Duke (Mỹ), các quốc gia giàu có (chiếm 16% dân số thế giới) bao gồm Canada, Mỹ và Anh đang tích trữ 60% nguồn cung vaccine toàn cầu để sử dụng cho người dân nước mình. Số vaccine những nước này đặt mua cao gấp nhiều lần dân số của họ.

“Nhẹ tay” với các công ty dược

Theo lý lẽ của Mỹ và EU, việc ép buộc các công ty chia sẻ bằng sáng chế có thể bị coi là phá hoại sự đổi mới, phá hoại các nhà sản xuất thuốc hoặc gây ra những cuộc chiến khó khăn và tốn kém cho chính những công ty đang tìm cách thoát khỏi đại dịch. Bản thân bằng sáng chế sẽ không giải quyết được tình trạng mất cân bằng vaccine. Việc trang bị thêm hoặc xây dựng các nhà máy sẽ mất nhiều thời gian. Sẽ cần nhiều nguyên liệu thô hơn để sản xuất. Các cơ quan quản lý sẽ phải phê duyệt các dây chuyền lắp ráp mới và phải chỉ cách bào chế vaccine.

Để giải quyết những vấn đề trên, năm ngoái, WHO đã lập ra một nhóm công nghệ để khuyến khích các công ty chia sẻ bí quyết bào chế vaccine cho các nhà sản xuất ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, không một công ty sản xuất vaccine nào ký kết đồng ý. “Vấn đề là các công ty không muốn làm điều đó. Và các Chính phủ cũng không cứng rắn với các công ty của họ” - ông James Love, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Knowledge Ecology International cho biết.

Giám đốc điều hành các công ty dược gần đây nói với các nhà lập pháp châu Âu rằng họ đang xin cấp phép cho vaccine của họ càng nhanh càng tốt nhưng việc tìm kiếm đối tác có công nghệ phù hợp lại là một thách thức. “Họ không có thiết bị, không có khả năng” - Giám đốc Điều hành của Moderna, ông Stéphane Bancel cho biết. Nhưng các nhà sản xuất từ Canada đến Bangladesh đều nói rằng họ có thể sản xuất vaccine, chỉ thiếu hợp đồng cấp phép bằng sáng chế. Khi giá cả phù hợp, các công ty chia sẻ bí mật với các nhà sản xuất mới chỉ trong vòng vài tháng, sản xuất và trang bị thêm nhà máy.

Bất chấp sự tài trợ kinh phí khổng lồ của Chính phủ, các công ty dược phẩm vẫn kiểm soát gần như tất cả tài sản trí tuệ và cơ hội kiếm tiền từ vaccine. Một ngoại lệ quan trọng là bằng sáng chế dự kiến sẽ sớm được phê duyệt - đây được coi là một cách để Chính phủ quản lý được vaccine Covid-19. Chính xác công ty nào sẽ được nắm giữ bằng sáng chế cho vaccine sẽ không được phân loại trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới. Nhưng rõ ràng một số loại vaccine hiện nay, bao gồm cả vaccine của Moderna, Johnson & Johnson, Novavax, CureVac và Pfizer-BioNTech dựa trên bằng sáng chế năm 2016. Trong số đó, chỉ có BioNTech đã trả tiền cho Chính phủ Mỹ để cấp phép cho công nghệ này. Bằng sáng chế công nghệ mới dự kiến được cấp ngày 30-3.

Các luật sư về bằng sáng chế và những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng cho biết có khả năng các công ty dược sẽ phải đàm phán thỏa thuận cấp phép với Chính phủ Mỹ hoặc đối mặt với viễn cảnh một vụ kiện trị giá hàng tỷ USD. Như vậy, chính quyền ông Joe Biden hoàn toàn có đòn bẩy để buộc các công ty chia sẻ công nghệ và mở rộng sản xuất vaccine trên toàn thế giới.

Đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã buộc thành công “gã khổng lồ” dược phẩm Merck phải giúp sản xuất vaccine cho đối thủ của họ là Johnson&Johnson. Chính phủ đã gây áp lực buộc Johnson&Johnson phải chấp nhận sự giúp đỡ và sử dụng quyền hạn mua sắm thời chiến để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vaccine. Johnson&Johnson cũng sẽ phải trả tiền để trang bị thêm dây chuyền sản xuất cho Merck, nhằm hướng tới việc cung cấp vaccine cho những người trưởng thành ở Mỹ vào tháng 5 tới.

Đối phó đại dịch: Hợp tác quốc tế, không phải cạnh tranh

Khi các quốc gia giàu có cố gắng giữ được vaccine, những nước khác như Nam Phi và Ấn Độ vẫn tiếp tục đấu tranh với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để tìm kiếm sự miễn trừ đối với các hạn chế bằng vaccine Covid-19. Còn Nga và Trung Quốc hứa sẽ lấp đầy khoảng trống như một phần của chính sách ngoại giao vaccine của họ. Đơn cử, Viên Gamaleya của Mátxcơva đã ký kết hợp tác với các nhà sản xuất từ Kazakhstan đến Hàn Quốc. Còn các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc đã đạt thỏa thuận tương tự ở Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Brazil và Indonesia.

Nhà khoa học Graham, tham gia vào nhóm bẻ khóa mã vaccine Coronavirus cho Moderna phát biểu rằng việc đối phó đại dịch và phát triển vaccine nên là sự hợp tác quốc tế, không phải sự cạnh tranh. Nhưng các Chính phủ không thể đủ khả năng kiểm soát các công ty dược cần lợi nhuận để tồn tại. Trong khi đó, viễn cảnh hàng tỷ người đang phải chờ đợi nhiều năm để được tiêm chủng lại đang gây ra mối đe dọa sức khỏe cho ngay cả những quốc gia giàu nhất.

Đơn cử, hiện tại, các quan chức y tế tại Anh - nơi đang triển khai tiêm chủng vaccine rất mạnh mẽ - đang phải căng mình theo dõi một biến thể virus SARS-nCOV-2 xuất hiện tại Nam Phi, nơi mức độ bao phủ tiêm chủng vaccine còn yếu kém. Biến thể virus này có thể làm giảm tác dụng của vaccine, có nghĩa là ngay cả những người được tiêm chủng cũng bị nhiễm lại.