“Công thức” giữ bình yên: Thành công nhờ liên kết

ANTĐ - Một khảo sát cho thấy, từ cấp tỉnh, thành phố đến xã, phường, những khu vực giáp ranh giữa tỉnh - tỉnh, xã - xã thường là những “điểm nóng” về tội phạm và tệ nạn xã hội. Với Hà Nội, giữ gìn sự bình yên ở các địa bàn giáp ranh luôn là yêu cầu, mệnh lệnh được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đề ra.

Công an xã Văn Đức tuần tra tuyến đường liên thôn

25 năm - 1 điểm sáng

Thông tin: “xã Văn Đức không có tụ điểm ma túy, không có người nghiện ma túy lâu năm, chuyên nghiệp” nghe được ở bến đò Văn Đức, chúng tôi mang đến hỏi Thượng tá An Thanh Bình – Trưởng CAH Gia Lâm (Hà Nội). “Hoàn toàn chính xác. Hội nghị tổng kết mô hình liên kết đảm bảo ANTT cụm Gia Lâm (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên) diễn ra trung tuần tháng 9 vừa rồi, chúng tôi đã rà soát, đánh giá lại các tiêu chí ANTT. Nhiều năm nay, xã Văn Đức giữ được kết quả “2 không” rất ấn tượng ấy”, đồng chí Trưởng CAH Gia Lâm chia sẻ.

Văn Đức là một trong những “cực đầu” của Hà Nội, nằm bên mỏm sông Hồng; khoảng cách sang các xã Xuân Quang, Phụng Công và thị trấn Văn Giang của tỉnh Hưng Yên gần hơn rất nhiều so với về hồ Hoàn Kiếm! Văn Đức có thể coi là điển hình về giáp ranh địa bàn. Xuôi dọc tuyến đê sông Hồng sẽ sang đất Hưng Yên; ngược trở lại giáp 4, 5 xã thuộc cụm Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Còn bên kia bờ sông Hồng là phường Trần Phú (quận Hoàng Mai), xuôi nữa xuống Thường Tín. Trưởng Công an xã Văn Đức, anh Khúc Văn Thưởng ví von: “Vít tay ga xe máy, hoặc thêm một nhịp mái chèo là hết đất Văn Đức”. Chúng tôi đã có một chuyến đi hết địa bàn, bằng xe máy, cùng mấy đồng chí Công an viên của Văn Đức; chòm chèm không dưới 45 phút. Hạ tầng cơ sở tốt, nhưng vẫn nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã chưa có điện chiếu sáng công cộng. 

Nghề chính của Văn Đức là trồng rau sạch, và như Chủ tịch xã Nguyễn Đức Hùng, thu nhập của dân Văn Đức thuộc hạng trung bình thấp so với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm. Thế nhưng rất mừng là, kinh tế còn khó khăn ấy lại không ảnh hưởng đến ANTT của xã. Chủ tịch Hùng quả quyết, 3 năm trước Văn Đức tuyệt nhiên không có người nghiện ma túy. Đầu năm vừa rồi, qua nghi vấn kiểm tra đột xuất mới phát hiện 3 trường hợp dương tính với heroin. Mời lên xã gọi hỏi, các trường hợp này khai nhận được bạn bè rủ đi chơi và dùng thử. “Sau lần đó, xã đưa vào diện quản lý. Đột xuất và thường xuyên, cán bộ xã mời ra trụ sở ủy ban để “test” (kiểm tra); cam kết rồi, nếu còn dương tính sẽ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Từ ấy đến giờ 3 lần “test” nhưng chưa thấy tái dương tính”, Chủ tịch Hùng kể. Hỏi số vụ phạm pháp hình sự gần đây nhất, 10 tháng đầu năm 2013; duy nhất xảy ra 1 vụ. “Văn Đức của chúng tôi, có người dân buổi đêm đi ngủ để quên xe máy trước cửa nhà, sáng ra vẫn còn nguyên”, Trưởng Công an xã Khúc Văn Thưởng thông tin.

“Bí quyết” riêng 

Về Văn Đức, ấn tượng nhất là sự “say nghề” của anh em Công an xã. Chủ tịch Nguyễn Đức Hùng trưởng thành từ Công an xã; người tiền nhiệm của Trưởng Công an xã Khúc Văn Thưởng bây giờ, hiện đang là cán bộ bộ phận một cửa của xã. Còn anh Thưởng, thuộc thế hệ 8X nhưng đã gần 10 năm gắn bó với đồng phục màu cỏ úa. Anh Thưởng khoe, đang đi học lớp đào tạo Trưởng Công an xã do CATP Hà Nội tổ chức. Phấn khởi lắm. 

Sự “say  nghề” của 12 cán bộ, chiến sỹ Công an xã Văn Đức, có lẽ bắt nguồn từ sức trẻ. Lớn tuổi nhất hơn 40, còn lại đều 8X, và 1 người trẻ nhất là 9X. Sức trẻ giúp Công an Văn Đức nhiệt tình, và rất “chín” trong suy nghĩ: “Bình yên cho xã cũng chính là cho gia đình mình. Cách làm của Văn Đức rất khác. 23h, tiếng kẻng được gõ một hồi vang khắp 3 thôn Trung Quan, Chử Xá, Sơn Hô. Đội ngũ Công an viên từ sau thời điểm đó tổ chức tuần tra bằng xe máy, tập trung những khu vực thiếu ánh sáng công cộng, thưa thớt  nhà dân. Các tuyến ngõ trong diện “đặc biệt”, tổ tuần tra sẽ đi bộ kiểm soát. Để tránh tình trạng trùng lặp hoặc bỏ trống địa bàn, nguyên tắc tuần tra được thống nhất: Công an viên thôn nào phụ trách thôn đó. Ngoài ra, chỉ huy Công an xã phụ trách ca trực sẽ điều hành tổ tuần tra tổng thể. “Có thể không phát hiện được kẻ gian, nhưng việc các tổ tuần tra làm nhiệm vụ thường xuyên chắc chắn sẽ khiến kẻ gian không dám công khai hoạt động, phải dạt đi nơi khác”, Trưởng Công an xã Khúc Văn Thưởng nhìn nhận.

Từ “hạt nhân” Văn Đức, huyện Gia Lâm đã nhân rộng thêm 4 xã giáp ranh, phát triển thành cụm liên kết Gia Lâm gắn bó với cụm Văn Giang gồm 7 xã, thị trấn, doanh nghiệp của tỉnh Hưng Yên. Mọi thông tin liên quan đến ANTT giữa hai cụm đều được trao đổi định kỳ hàng tháng, hàng quý. Một vấn đề phức tạp nảy sinh ở địa bàn này, thì địa bàn giáp ranh và toàn cụm không đứng ngoài cuộc. 25 năm xây dựng mô hình liên kết, Văn Giang và Gia Lâm đã trao đổi hơn 62.000 tin liên quan đến ANTT; đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp đảm bảo ANCT, đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý hành chính Nhà nước về ANTT… 

 (Còn tiếp)