Công tác xét xử án hành chính: Dân luôn bị thiệt

ANTĐ - Khi Luật Tố tụng hành chính (TTHC) có hiệu lực từ 1-7-2011 và được xem là “nút gỡ” cho người khởi kiện, tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết các các vụ án hành chính (VAHC) còn nhiều vướng mắc, khiến việc khiếu kiện ngày càng có xu hướng gia tăng, chất lượng xét xử không đảm bảo…

Minh hoạ: Internet

Sợ “quan bà, quan ông”

Trong vụ án của ông Đoàn Văn Vươn (SN 1963, trú tại thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đối với Quyết định thu hồi 19,3ha đất nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Trước đó vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao cho 21ha đất bãi bồi ven biển để sử dụng vào việc nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình khai thác sử dụng, ông Vươn lấn biển thêm 19,3ha và sau đó đã được chính quyền hợp pháp hóa, đồng ý cho sử dụng với thời hạn 14 năm. 

Từ năm 2008 và 2009, chính quyền huyện Tiên Lãng lần lượt ra quyết định thu hồi các diện tích đất trên. Cho rằng, việc làm của chính quyền huyện Tiên Lãng trái với quy định của pháp luật nên ông Vươn đã khởi kiện vụ việc hành chính ra TAND huyện Tiên Lãng. Sau khi thụ lý vụ án, HĐXX sơ thẩm đã bác đơn của ông Vươn khiến bên nguyên đơn tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm (TAND TP Hải Phòng). Thế nhưng, cấp tòa phúc thẩm này cũng lặp lại những sai lầm như cấp sơ thẩm và có những quyết định trái luật khiến cho vụ án đi chệch “bánh xe công lý”.

Có lẽ, đây chỉ là một vụ án điển hình trong nhiều VAHC khác khi “dân kiện quan” ra tòa và phần thua luôn thuộc về người dân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những bất cập này? Theo nhận xét của một Chánh án TAND cấp quận (thuộc TAND TP Hà Nội), nếu người dân muốn kiện một chủ tịch hay phó chủ tịch UBND ra tòa và được tòa xem xét thụ lý, việc đầu tiên là phải chờ thủ tục ủy quyền của người bị kiện (chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND), ủy quyền cho một trưởng, phó phòng nào đó. Thế nhưng, ngay chuyện này, chờ được ủy ban ra quyết định ủy quyền là rất lâu (có thể mất vài tháng). Bởi không có văn bản nào quy định thời hạn ủy quyền. Bên cạnh đó, các vấn đề cần giải quyết mặc dù đã được ủy quyền cho người đại diện thế nhưng họ không dám quyết thay. Do vậy, người được ủy quyền làm việc gì lại phải về xin ý kiến lãnh đạo như: cung cấp tài liệu, chứng cứ hay là việc phối hợp với tòa án. Chính vì thế, án hành chính không bao giờ đảm bảo được thời hạn. Một vấn đề quan trọng khác là hành vi hành chính của chủ tịch hoặc phó chủ tịch có sai trong các quyết định hành chính về nội dung, hay trình tự thủ tục không đảm bảo thì chẳng mấy thẩm phán Tòa Hành chính dám tuyên hủy. Không ít thẩm phán vẫn cho rằng, nếu dám tuyên một quyết định của chính quyền sai thì quả là một “phán quyết động trời”.

Cùng quan điểm trên, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố (LSTP) Hà Nội cũng chỉ ra những bất cập đối với những VAHC khi mà “dân kiện quan”: Thực tiễn hiện nay, đối với các VAHC đa số người dân khởi kiện đều bị thua. Chỉ trừ trường hợp các quyết định về thuế, hải quan hay xây dựng… không liên quan đến chính quyền thì việc xét xử còn thể hiện được tính khách quan. Tại sao như vậy? Đó chính là căn nguyên liên quan đến công tác tổ chức cán bộ. Ví dụ: đối với một thẩm phán cấp huyện, sau một nhiệm kỳ (4 năm) phải bổ nhiệm lại. Mà anh muốn được bổ nhiệm lại thì phải qua nhận xét cơ bản của cấp ủy đảng và tổ chức chính quyền mới được tái bổ nhiệm. Còn nếu như trường hợp, một thẩm phán cấp huyện xử bác một quyết định của chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND huyện thì đến thời kỳ tái bổ nhiệm liệu họ có nhận được sự ủng hộ đó không? Chính vì vậy mà thẩm phán tham gia xét xử các VAHC liên quan đến các cấp chính quyền như: UBND quận, huyện hay tỉnh, thành phố hầu như tuyên người dân thua.

Cần xem lại những bất cập

Luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng văn phòng luật sư Trịnh (thuộc Đoàn LSTP Hà Nội) lại cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Quốc hội đã ban hành Luật TTHC (quy định cụ thể các nguyên tắc cơ bản trong TTHC, trong đó có nguyên tắc Pháp chế XHCN, nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật). Tuy nhiên, thực trạng nêu trên vẫn chưa được giải quyết? Câu trả lời ở đây là thực tế các nguyên tắc nêu trên rất khó được tuân thủ. Bởi lẽ, giữa hệ thống các cơ quan hành pháp (ủy ban), hệ thống các cơ quan tư pháp (tòa án) và hệ thống các cơ quan lập pháp (Quốc hội và Hội đồng nhân dân) hiện nay chưa đảm bảo được tính độc lập trong hoạt động. Xin đơn cử, thẩm phán và lãnh đạo của tòa án đều phải là Đảng viên, tòa án cấp nào thì chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan Đảng của cấp đó. Thông thường, Chủ tịch UBND thường là phó bí thư hoặc bí thư cấp đó. Tức là về mặt Đảng, người bị khiếu kiện lại thường có chức vụ trong Đảng cao hơn người xét xử. Để có thể giải quyết được vấn đề này, cần triển khai nghiêm túc, triệt để Nghị quyết số 49/NQ-TW về cải cách tư pháp, kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc Đảng lãnh đạo và nguyên tắc tam quyền phân lập trong công tác xây dựng pháp luật, sao cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân và lãnh đạo của tòa án tuy là Đảng viên, nhưng vẫn không bị chi phối về mặt Đảng của các cấp chính quyền. 

Chia sẻ những khó khăn hiện nay đối với số lượng VAHC tăng nhưng chất lượng vẫn còn là vấn đề cần phải xem xét, Thẩm phán Nguyễn Châu Hoan cũng cho biết, căn cứ vào sự tác động của Luật TTHC do các quy định về khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là sẽ tăng lên. Do vậy, cần phải nghiên cứu, phân tích và tổng hợp để từ đó có những giải pháp thích hợp. Mặc khác, tỷ lệ án hành chính vì sao hiện nay vẫn bị cấp trên hủy, chỉnh sửa nhiều cũng vì những thẩm phán Tòa Hành chính phải chịu sức ép, lệ thuộc quá lớn đối với việc tái bổ nhiệm. 

Một luật sư thuộc Đoàn LSTP Hà Nội thẳng thắn cho rằng, chất lượng xử án hành chính muốn nâng lên thì phải thay đổi tính nguyên tắc trong công tác tổ chức cán bộ, cần phải nâng cao vai trò cho đội ngũ thẩm phán Tòa Hành chính. Vai trò của luật sư, viện kiểm sát và thẩm phán cũng cần nói rõ hơn, sắc sảo hơn! Nếu thẩm phán đưa ra phán quyết, xử sai thì phải lấy đó làm căn cứ xem xét không tái bổ nhiệm, hoặc xem xét họ có những hành vi vi phạm pháp luật nên không bổ nhiệm.