Công tác tổ chức cán bộ - những đóng góp quan trọng

(ANTĐ) - Trong truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô Anh hùng có sự đóng góp quan trọng của công tác tổ chức-cán bộ (TCCB). Ngày  19-10-1972 thành lập Phòng TCCB đã được CATP Hà Nội chọn là Ngày truyền thống TCCB.

Kỷ niệm Ngày truyền thống tổ chức cán bộ Công an Thủ đô (19-10-1972/19-10-2010):

Công tác tổ chức cán bộ - những đóng góp quan trọng

(ANTĐ) - Trong truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô Anh hùng có sự đóng góp quan trọng của công tác tổ chức-cán bộ (TCCB). Ngày  19-10-1972 thành lập Phòng TCCB đã được CATP Hà Nội chọn là Ngày truyền thống TCCB.

Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô tình nguyện đi chiến đấu ở tiền tuyến lớn (năm 1973)

Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô tình nguyện đi chiến đấu ở tiền tuyến lớn (năm 1973)

Những dấu mốc lịch sử

Ra đời và trưởng thành trong bão táp cách mạng, vào cuối năm 1946, Ty Công an Hà Nội được thành lập. Lúc này, nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng trên địa bàn Hà Nội chủ yếu vẫn do Sở Công an Bắc bộ đảm nhiệm, Ty Công an Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức và huấn luyện lực lượng công an xung vũ trang để chuẩn bị kháng chiến.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Hà Nội nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, tổ chức Ty Công an Hà Nội khi đó đã hình thành một số đơn vị chuyên trách như văn phòng, phòng chính trị (làm nhiệm vụ điệp báo, phản gián), giao thông liên lạc, bộ phận quản trị, trại giam; trong đó bộ phận làm công tác TCCB nằm trong văn phòng. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và sự chỉ đạo của công an cấp trên, qua từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, lãnh đạo Ty Công an Hà Nội đã chỉ đạo công tác TCCB điều chỉnh tổ chức linh hoạt theo tình hình thực tiễn của cuộc chiến đấu, do đó đã góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh cho lực lượng Công an Hà Nội công tác, chiến đấu đạt nhiều kết quả. Hoà bình lập lại, ngày 6-9-1954, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an làm Bí thư. Ngày 17-9-1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội được thành lập do đồng chí Vương Thừa Vũ làm chủ tịch. Để phục vụ công tác tiếp quản, bộ máy tổ chức của Công an Hà Nội được tăng cường. Công an khu đặc biệt (Hà Nội) đổi thành Sở Công an Hà Nội.

Đầu năm 1956, theo tổ chức mới của hệ thống chính quyền, Sở Công an Hà Nội giải thể Ty Công an ngoại thành, lập các quận công an ngoại thành và quận công an trên sông. Năm 1958, UBND thành phố quyết định thay đổi về cơ cấu và địa bàn hành chính, cấp quận đổi thành khu. Bốn quận nội thành chia làm 12 khu, theo đó công an cấp quận cũng phải thay đổi theo, gọi là khu công an. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Công an, chỉ trong một thời gian ngắn, Phòng Hành chính và TCCB đã làm việc tích cực, giúp lãnh đạo phân công, bổ nhiệm, điều động CBCS để ổn định bộ máy, tổ chức các khu công an.

Tháng 7-1961, thực hiện quyết định của Hội đồng Chính phủ, UBHC thành phố đã điều chỉnh lại địa giới hành chính, nội thành chia làm 4 khu (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); ngoại thành chia làm 4 huyện (Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm). Theo đó, tổ chức công an cũng phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Từ những bước xây dựng, kiện toàn tiếp đó về tổ chức, nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ cho CBCS, nên các binh chủng, các cấp công an của Sở Công an Hà Nội đã lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc, đóng góp nhiều chiến công vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô của miền Bắc XHCN.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một trong những mặt công tác quan trọng của Công an Hà Nội là công tác chi viện nhân lực cho chiến trường miền Nam. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Công an, Phòng Công tác Chính trị (có bộ phận TCCB) đã lựa chọn những CBCS đủ tiêu chuẩn chính trị, sức khoẻ để chuẩn bị cho các đợt chi viện. Công an Hà Nội đã tham gia chi viện cho chiến trường B gồm 4 đợt vào các năm: 1962, 1965, 1967 và đợt tổng tấn công năm 1975 với tổng số 815 CBCS, trong số này, gần một trăm đồng chí đã mãi mãi nằm lại chiến trường.

Để công tác TCCB đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lãnh đạo Sở Công an Hà Nội thấy cần thiết phải lập Phòng TCCB, sau khi báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an và kiến nghị xin chỉ thị bằng văn bản đối với UBHC thành phố, UBHC TP Hà Nội có Quyết định số 1985, ngày 19-10-1972, đồng ý cho Sở Công an Hà Nội tách Phòng Chính trị thành 2 phòng: Phòng TCCB và Phòng Công tác Chính trị. Đây là bước phát triển mới, đánh dấu vai trò hết sức quan trọng của công tác TCCB Công an Hà Nội với chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Giám đốc những công việc về TCCB. Sau này, ngày 19-10-1972 được lực lượng Công an Hà Nội lấy làm Ngày truyền thống Phòng TCCB.

Tháng 8-2008, Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình). Bộ máy CATP Hà Nội mới được hợp nhất trên cơ sở  CATP Hà Nội (cũ) và Công an tỉnh Hà Tây.

3 bài học kinh nghiệm quý

38 năm, một chặng đường lịch sử, Phòng TCCB, CATP Hà Nội đã lớn mạnh từ những tổ chức tiền thân là các ban và bộ phận trực thuộc, đến Phòng TCCB với các bộ phận chuyên sâu, chuyên trách. Cùng với quá trình công tác, chiến đấu vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô, đội ngũ CBCS làm nhiệm vụ TCCB đã lập nhiều thành tích xuất sắc, được các cấp khen thưởng: Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất về thành tích BVANQP; Bộ Công an 2 lần tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì ANTQ” cấp cơ sở; UBND TP Hà Nội tặng cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua”; Giám đốc CATP Hà Nội tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác.

Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của các thế hệ CBCS làm công tác TCCB, đồng chí Thiếu tướng Trần Long Xuyên-Phó Bí thư Đảng uỷ-Phó giám đốc CATP  cho rằng bài học kinh nghiệm đầu tiên là công tác TCCB phải đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện của Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám đốc CATP, nhằm định hướng cho công tác TCCB được triển khai thực hiện có hiệu quả và thống nhất, điều hành công tác TCCB trong mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng trong và ngoài ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử.

Thiếu tướng Trần Long Xuyên khẳng định, công tác TCCB phải gắn với phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước; xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng phù hợp với chuyển biến tình hình cách mạng của cả nước nói chung và tình hình chiến đấu, XDLL của CATP Hà Nội nói riêng.

Thiếu tướng Trần Long Xuyên cũng chỉ rõ việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng chuyên sâu, đi đôi với sắp xếp biên chế hợp lý, đảm bảo quân số làm việc cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

P.V