Công tác cứu hộ, cứu nạn: Thiếu thốn đủ bề

ANTĐ - Công tác tìm kiếm nạn nhân vụ chết đuối dưới hố ga thoát nước công trường xảy ra ở Long Biên gặp nhiều khó khăn lại một lần nữa chỉ ra thực trạng đáng lo ngại về việc thiếu kỹ năng và phương tiện thiết bị cứu hộ, cứu nạn (CHCN).

Công tác CHCN  luôn gặp nhiều khó khăn do phương tiện thiết bị đơn giản,

không đảm bảo yêu cầu

Đơn sơ phương tiện

Cách đây gần 1 năm, khi vụ sập nhà ở ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) xảy ra, rất nhiều người cho rằng lực lượng tìm kiếm đã quá chậm trễ khi mất gần 6 giờ mới đưa 2 cháu nhỏ ra khỏi đống đổ nát. Nhưng không phải ai cũng biết được rằng, với điều kiện thiếu thốn như hiện tại, bản thân lực lượng làm công tác CHCN cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo thống kế của Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, toàn lực lượng CHCN Thủ đô chỉ có 2 xe thang 52m (trong đó 1 xe hư hỏng), 7 xe thang 32m, 8 xe cứu hộ và các phương tiện thiết bị theo kèm như đệm hơi, thang dây, bộ phá dỡ thủy lực, máy hút - thổi khói… Tuy nhiên, số phương tiện thiết bị nhập khẩu này thường xuyên gặp sự cố khi hoạt động (do có “tuổi thọ” cao và phải linh hoạt biến đổi công năng) lại đòi hỏi phải có chuyên gia nước ngoài sửa chữa.

 

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho rằng, với chức năng và trang thiết bị như hiện nay, lực lượng CHCN chỉ giải quyết được các tình huống nhỏ, chủ yếu có liên quan đến hỏa hoạn. Dù có trong tay một số thiết bị hiện đại như xe thang, xe cứu hộ nhưng nhiều khi không thể huy động để làm nhiệm vụ do điều kiện hạ tầng, đường sá không đồng bộ.

 Đó là chưa kể đến các phương tiện cứu hộ đi kèm theo xe như đệm hơi, ống tụt, máy khoan - cắt, bộ phá dỡ thủy lực… hoặc có công suất nhỏ, sử dụng mất nhiều thời gian hoặc có độ rủi ro cao, chỉ hiệu quả ở một số trường hợp. Đơn cử như đệm hơi, phương tiện này chỉ đảm bảo an toàn khi nhảy từ độ cao tối đa tương đương ngôi nhà 2 tầng. Song ngay cả ở những trường hợp cho phép, nếu không được hướng dẫn để tiếp xúc với đệm hơi đúng cách thì người nhảy vẫn có thể đối mặt với chấn thương.

Hiện nay, lực lượng CHCN vẫn chưa được trang bị các phương tiện dụng cụ phục vụ công tác cứu hộ trên sông, trong điều kiện có hóa chất độc hại. Ngay cả trong lĩnh vực được tập huấn nhiều như CHCN trong các vụ hỏa hoạn, lực lượng làm làm nhiệm vụ vẫn phải huy động, trưng dụng các phương tiện khoan cắt, phá dỡ của các doanh nghiệp xây dựng, vận tải. “Điều này khiến lực lượng tham gia CHCN luôn ở tình thế bị động, không thể tự triển khai đội hình, mất nhiều thời gian chờ đợi và quan trọng hơn là phải sử dụng các loại phương tiện không đảm bảo yêu cầu ” - một cán bộ Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội lo ngại.

Dựa vào kinh nghiệm là chính

Đó là thực tế của công tác CHCN hiện nay. Bắt đầu từ tháng 9 - 2012, 2 khóa đào tạo đầu tiên về CHCN tại Việt Nam mới bắt đầu khai giảng. Từ trước đến nay, ngoài một số cán bộ, chiến sỹ được đưa sang nước ngoài học tập, nghiên cứu về lĩnh vực này thì toàn bộ lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn chỉ được đào tạo chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy. Điều này giải thích vì sao việc đánh giá tình hình, triển khai công tác CHCN vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc những bài học rút ra từ thực tiễn. Còn khi đối mặt với những tình huống đòi hỏi sự chuyên nghiệp, cần hội tụ một số kỹ năng về tâm lý học, sơ cứu, cấp cứu nạn nhân thì phần lớn cán bộ, chiến sỹ đều lúng túng. 

Trở lại vụ chết đuối dưới mương thoát nước công trường xảy ra ở quận Long Biên ngày 13-7, dù triển khai nhiều lực lượng, phương án tìm kiếm nhưng phải mất gần 12 giờ, xác cháu bé mới được tìm thấy. Ban đầu, do hệ thống cống ngầm chìm dưới lòng đất, trong khi thiếu các thiết bị lặn tìm chuyên nghiệp nên giải pháp tình thế là hút nước tạo áp lực, kéo xác nạn nhân về miệng hố ga đã không có tác dụng. Sau đó, thợ lặn với sự hỗ trợ máy nén khí được huy động nhưng chỉ có thể tìm kiếm trong phạm vi hẹp do thiếu ánh sáng. Trong hoàn cảnh cấp bách, hàng loạt phương án bao gồm việc tát cạn cả đoạn cống ngầm khổng lồ dài hàng nghìn mét đã được nhiều người nghĩ đến. Sự việc chỉ được giải quyết khi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp trên biển huy động người nhái cùng trang thiết bị hiện đại vào công tác tìm kiếm.

Để từng bước cải thiện, đáp ứng nhu cầu CHCN trên địa bàn Thủ đô, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ghi vốn, lập dự án bổ sung trang thiết bị PCCC và CHCN. Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cũng đã lên kế hoạch để đến năm 2015 sẽ thành lập một phòng chuyên trách có chức năng nghiên cứu, huấn luyện riêng về công tác CHCN. “Tuy nhiên trước mắt, ngoài việc trang bị cơ sở vật chất thì cần Luật Hóa công tác CHCN, giao chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ rõ rang trong hoạt động này cho lực lượng cảnh sát PCCC. Có như vậy thì trong các trường hợp khẩn cấp, các đơn vị làm nhiệm vụ mới có quyền huy động mọi tổ chức, đơn vị, cá nhân cùng tham gia” - Đại diện Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết.