Công Phượng bị thổi giá và nỗi đau "xuất khẩu cầu thủ"

ANTD.VN - Tuấn Anh, Công Phượng và giờ là Xuân Trường lần lượt phải về nước có thể là cách kéo nhiều người thoát khỏi ngộ nhận về năng lực cầu thủ Việt.

Công Phượng có giá 3 triệu USD?

Sau trận đầu tiên lứa U19 Học viện HAGL Arsenal JMG đá V-League 2015 và thắng Khánh Hòa 4-2 nhờ cú đúp của Công Phượng, xuất hiện thông tin có đội bóng muốn bỏ 3 triệu USD (khoảng 67 tỷ đồng) để mua Công Phượng. Còn bầu Đức (Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức) tuyên bố: "Đừng hòng mua Công Phượng với giá 3 triệu USD, với tôi Công Phượng là vô giá".

Thông tin gây xôn xao làng bóng khi đó, bởi cùng thời điểm đó, "Messi của Croatia", Halilovic đến Barcelona với giá chuyển nhượng 2,6 triệu USD cho một bản hợp đồng thời hạn 5 năm; tài năng trẻ James Wilson của Manchester United chỉ được chuyên trang chuyển nhượng Transfermakt định giá ở mức 336.000 USD. Cả hai đều cùng tuổi Công Phượng song môi trường đào tạo và đẳng cấp ở mức cao hơn tiền đạo HAGL rất nhiều.

Bầu Đức: "Đừng hòng mua Công Phượng với giá 3 triệu USD"

Từ so sánh trên, người ta đặt câu hỏi: Liệu thực chất có đội bóng dám bỏ số tiền 3 triệu USD để mua Công Phượng hay không? Phải chăng đó là "chiêu PR", thay vì định giá cầu thủ bằng năng lực thực sự?

Hai năm sau thông tin đó, Công Phượng đã có thêm nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn, tuy nhiên giá trị của anh hiện chỉ còn... 1% con số 3 triệu USD. Cùng với đó, việc Công Phượng sau một năm thi đấu dạng cho mượn ở CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản) vì không đủ sức trụ lại giải chuyên nghiệp hạng 2 Nhật Bản, đã phần nào trả lời cho những thắc mắc đó.

Công Phượng về nước sau một năm chật vật không trụ lại được tại giải hạng 2 Nhật Bản

Năng lực cầu thủ Việt tới đâu?

Qua phương tiện truyền tải là truyền thông, người hâm mộ Việt thường thích thú với những lời khen dành cho cầu thủ nước nhà. Điều đó là chính đáng, tuy nhiên cũng cần tỉnh táo trước những lời khen xã giao, thậm chí là "viên đạn bọc đường".

Giấc mơ xuất khẩu cầu thủ được ông chủ HAGL Đoàn Nguyên Đức ấp ủ, đầu tư tâm huyết hơn chục năm qua, với sản phẩm đầu tiên là lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh. Ba cầu thủ này đã sang các nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu Á theo dạng cho mượn, song cơ hội chơi bóng quá ít và lần lượt phải về nước do không đáp ứng được đòi hỏi chuyên môn khắt khe.

Những thông tin kiểu như "Công Phượng trị giá 3 triệu USD" hay "Mito Hollyhock muốn mua đứt Công Phượng"... cũng tan theo bản hợp đồng hết hạn.

Từ thực tế này, những lãnh đạo "lò" HAGL cũng phải cân nhắc, hướng mũi "xuất khẩu" sang các đội bóng V-League. Trong khi đó, những lò đào tạo trẻ khác của Việt Nam cũng chưa dám đặt tham vọng xuất khẩu cầu thủ sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, bởi năng lực có hạn.

Chanathip sang J-League 2 thi đấu từ tháng 7-2017 song đã có 16 lần ra sân

Giữa bối cảnh đó, các quốc gia bóng đá láng giềng vẫn có sự tiến bộ nhất định trong việc xuất khẩu cầu thủ. Điển hình nhất là Thái Lan, với 2 cái tên đang rất được chú ý.

Tiền vệ Chanathip Songkrasin mới chuyển sang thi đấu cho CLB Sapporo của Nhật Bản từ tháng 7-2017 song đã ra sân 16 trận, trong đó có 15 trận đá chính. Cũng là CLB này, Công Vinh của Việt Nam từng thi đấu 4 tháng song cơ hội ra sân đếm trên đầu ngón tay.

Người còn lại là tiền đạo Teerasil Dangda vừa chuyển sang chơi cho CLB Sanfrecce Hiroshima. Đội bóng đang chơi ở J-League 1 (Nhật Bản) muốn mua đứt Dangda với giá 2,5 triệu USD nhưng CLB Muangthong United (Thái Lan) không đồng ý bán mà chỉ cho mượn.

Trong khi một số cầu thủ xuất sắc của Thái Lan sang Nhật thi đấu và dần tìm được chỗ đứng thì ở Đông Nam Á, phong trào "nhập cư" vào Thai-League đang nở rộ bởi từ mùa 2018, giải đấu lớn nhất Thái Lan cho phép các CLB đăng ký 1 cầu thủ Đông Nam Á dưới dạng nội binh. 

Sự thất bại trong xuất khẩu cầu thủ đặt ra câu hỏi về năng lực thực sự của cầu thủ Việt

Singapore có tiền vệ Zulfahmi Arifin (sinh năm 1991, 33 lần khoác áo ĐTQG, từng chơi giải Malaysia Super League) đầu quân cho CLB Chonburi. Tiền vệ Aung Thu và tiền đạo Kyaw Ko Ko của Myanmar cũng lần lượt sang Thai-League phát triển sự nghiệp.

Bóng đá Việt Nam cũng có đại diện chuyển sang chơi cho CLB Buriram là Hoàng Vũ Samson - chân sút xuất sắc nhất V-League, nhưng cầu thủ này gốc Nigeria nhập quốc tịch Việt Nam. Những thông tin Văn Quyết, Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường... sang Thai-League chỉ dừng ở mức đồn đoán, dù mong muốn sang chơi giải cao nhất Thái Lan là có thật, như chia sẻ của Công Phượng với báo giới xứ Chùa Vàng tại M-150 Cup vừa qua.