Công nhân "sống thử", phạm pháp vì túng thiếu

(ANTĐ) - Sự ra đời và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội đã tạo một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, đời sống của lực lượng lao động trong các khu công nghiệp lại đang tiềm ẩn nhiều tệ nạn.

Công nhân "sống thử", phạm pháp vì túng thiếu

(ANTĐ) - Sự ra đời và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội đã tạo một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, đời sống của lực lượng lao động trong các khu công nghiệp lại đang tiềm ẩn nhiều tệ nạn.

Tiết kiệm tiền bằng cách… sống thử

Bữa ăn đạm bạc của công nhân

Bữa ăn đạm bạc của  công nhân

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long có gần 60 nghìn công nhân lao động, trong đó chiếm đến hơn 60% là nữ giới. Xa gia đình, thiếu vốn sống, thiếu thốn tình cảm và khó khăn về vật chất là nguyên nhân hình thành ngày càng nhiều các xóm sống thử bao quanh khu công nghiệp. Nguyễn Thị Minh, quê ở Phú Thọ vào làm công nhân Công ty Canon được 1 năm với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Số tiền đó Minh phải “thắt lưng, buộc bụng” mới đủ trả tiền nhà trọ, ăn uống và các sinh hoạt hàng ngày. Nỗi buồn, sự cô đơn khiến Minh nhanh chóng nhận lời yêu một công nhân làm cùng công ty. Các chị có nhiều “kinh nghiệm” cùng xóm trọ đã khuyên cô “góp gạo thổi cơm chung” với bạn trai để tiết kiệm tiền sinh hoạt. Nhưng trái với tính toán của Minh, sống thử không giúp tiết kiệm trong chi tiêu mà cô còn phải cáng đáng cả tiền nhà trọ, sinh hoạt cho bạn trai của mình. “Mỗi tháng anh ấy góp 100 nghìn, nếu em có hỏi thêm anh bảo là chi li, thế rồi đòi chia tay. Em sợ anh ấy bỏ nên đành chịu, có tháng còn phải về xin thêm tiền của gia đình”.

Một số cô gái trẻ lại chọn cách sống thử để thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình. Mục tiêu mà họ hướng tới là những anh chàng sẵn sàng đưa đi mua sắm quần áo, phấn son, nước hoa và chu cấp ít tiền hàng tháng... Người trong xóm trọ không ai còn lạ cảnh Nguyễn Thị Hằng, SN 1991, trong bộ đồ ngủ mỏng tanh tươi cười chạy ra đón người đàn ông trạc tuổi tứ tuần. Hằng quê ở Cao Bằng xuống Hà Nội làm công nhân với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng. Số tiền đó không đủ trang trải cho thú vui chơi, mua sắm của Hằng. Với dáng người cao ráo, khuôn mặt xinh xắn, cô lọt vào mắt xanh của người quản lý trong công ty. Cuộc trao đổi “tình-tiền” nhanh chóng diễn ra, Hằng như con thiêu thân lao vào vùng ánh sáng ảo của ma lực đồng tiền, bất chấp danh dự và bán rẻ tương lai của mình.

Nhàn cư vi bất thiện

Giờ tan tầm, nam công nhân tập trung đông đúc tại quán nước bao quanh khu công nghiệp. Ngồi uống chén trà, tay phì phèo điếu thuốc, chủ đề câu chuyện các nam công nhân chỉ xoay quanh “hôm nay bạch thủ con gì?”. Anh Minh, chủ hàng nước nói vui: “Nghiện đề không khác gì nghiện ma túy, nhiều thằng va chạm giao thông, lồm cồm bò dậy là chạy ngay lại đọc BSK để chiều đi ghi đề”. Anh Minh cho biết, muốn thấy rõ chuyện công nhân chơi cờ bạc cứ ra đây lúc 19-20h, không chỉ con trai mà gần đây số lượng các “nữ lô đề” đang tăng nhanh về số lượng. Đồng lương ít ỏi đổ hết vào trò đỏ đen khiến cho nhiều công nhân lao đao khốn khó. Tình trạng công nhân nợ nần chồng chất dẫn đến túng quẫn mượn điện thoại, xe máy của bạn đi cắm là chuyện diễn ra thường xuyên.

Theo quan sát của chúng tôi, các khu nhà trọ thường thuê chung 3-4 người một phòng chừng 15m2, không ti vi, báo, Internet. Nguyễn Thanh Bình, công nhân công ty chia sẻ: “Năm nay em 20 tuổi, đi làm được hai năm. Công nhân như chúng em lúc nào cũng lâm vào tình trạng cháy túi. Buồn, vui gì cũng uống rượu, ngày nào không uống em thèm không làm được việc”. Ở nơi nông thôn hóa đô thị không có khu vui chơi, giải trí mà chỉ mọc lên ngày càng nhiều quán rượu, karaoke, cắt tóc thư giãn.

Ngày phát lương vừa qua, có cô công nhân khóc nức nở vì bị mất toàn bộ số tiền lương gần 4 triệu đồng, “Tôi đi ăn cơm trưa về thì thấy tủ bật khóa, số tiền cùng cái áo mới mua biến mất”. Đây chỉ là một ví dụ trong hàng trăm mánh khóe trộm, cắp lẫn nhau của công nhân. Trong các dãy nhà trọ, từ cái khăn mặt, đến đôi dép sơ ý quên ngoài cửa cũng mất. Nhiều phòng trọ có người làm ca khác nhau, cửa không khóa đã tạo cơ hội cho kẻ gian vờ sang chơi rồi thường “cầm nhầm” thứ gì đó.

Nhà dân xung quanh KCN từ lâu đã bỏ quan niệm “đất quê toàn người nhà”. Sau hàng loạt vụ mất trộm xe máy, tài sản có giá trị, người dân đã làm cổng, xây tường bao, khóa cổ xe cẩn thận nhưng vẫn bị trộm đột nhập. Từ đầu năm đến nay, Đồn Công an Bắc Thăng Long đã điều tra khám phá 33 vụ trộm cắp, chủ yếu là trộm xe máy mà đối tượng hầu hết là những nam công nhân còn rất trẻ.

(Còn nữa)

Thanh Hương