Công nghệ xác định nghi phạm khủng bố

ANTĐ - “Bạn có thể làm thẻ căn cước giả, có thể cạo râu, nhưng không thể thay đổi nhân trắc của mình” - Thiếu tá Robert Haemmerle thuộc lực lượng đặc nhiệm 435 quân đội Mỹ cho biết. Nhờ hồ sơ nhân trắc, việc xác định danh tính nghi phạm khủng bố diễn ra nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vài giây.

Binh sĩ Mỹ thu thập dữ liệu sinh trắc học của một người người dân Afghanistan

Kế hoạch đầy tham vọng

Chỉ vài tháng trước khi Taliban đào một đường hầm dài hơn 300m bên dưới một nhà tù ở Kandahar, nam Afghanistan để giải cứu 475 tù nhân, các viên chức Afghanistan đã sử dụng một số công nghệ do Mỹ cung cấp để ghi hình võng mạc, lấy dấu vân tay và chân dung của mỗi tù nhân bị giam trong nhà tù Sarposa. Vài ngày sau vụ vượt ngục, khoảng 35 tù nhân bị bắt lại tại các trạm kiểm soát nội thị và các cửa khẩu biên giới nhờ dữ liệu về chúng khớp với hồ sơ “nhân trắc” lưu trữ. Trong số 35 tù nhân bị bắt lại, 1 tên bị bắt tại một trạm kiểm soát giao thông cách nơi hắn trú ẩn chưa đầy 2 dặm. Còn 1 tên khác bị bắt lại tại một trạm tuyển quân địa phương khi hắn cố gắng xâm nhập vào lực lượng an ninh Afghanistan.

Quân đội Mỹ và nhà chức trách Afghanistan đang thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng ghi lại thông tin nhận dạng sinh trắc học về số lượng những đối tượng đáng ngờ ở Afghanistan và Iraq, đặc biệt là nam giới. Hiện đã có hơn 1,5 triệu công dân Afghanistan có tên trong hồ sơ nhân trắc do Mỹ, NATO và lực lượng an ninh địa phương quản lý. Như vậy, cứ 6 đàn ông Afghanistan tuổi từ 15-64 thì có một người có tên trong cơ sở dữ liệu nhân trắc. Tính chung dân số thì tỷ lệ này là 1/20. Tại Iraq, con số này là 2,2 triệu người, chiếm tỉ lệ 1/14 tổng dân số và 1/4 đàn ông ở độ tuổi trên.

Kiểm tra nhanh chóng

Để có được thông tin sinh trắc học, các binh sĩ và nhân viên cảnh sát sử dụng máy quét kỹ thuật số ghi hình võng mạc, chụp ảnh khuôn mặt và dấu vân tay. Ở Iraq và Afghanistan, tất cả người bị tạm giữ và tù nhân đều phải chịu sự kiểm tra như vậy. Công việc này cũng được áp dụng với các công dân địa phương nộp đơn xin việc trong chính quyền, đặc biệt là những công việc liên quan đến lực lượng an ninh, cảnh sát và tại các căn cứ quân sự Mỹ.

Afghanistan là đất nước không buộc phải có giấy khai sinh, bằng lái xe hay số an sinh xã hội. “Thị trường đen” giấy căn cước cũng rất phổ biến. Vì vậy, ghi lý lịch bằng nhân trắc là giải pháp tốt nhất để nhận diện một cá nhân. “Bạn có thể làm thẻ căn cước giả, có thể cạo râu, nhưng không thể thay đổi nhân trắc của mình” - Thiếu tá Robert Haemmerle thuộc lực lượng đặc nhiệm 435 nói.

Nhờ hồ sơ nhân trắc, chính phủ có thể kiểm tra hàng triệu người trong vòng vài giây, thậm chí được thực hiện ngay tại các trạm kiểm soát từ xa thông qua các thiết bị cầm tay được phân phát rộng rãi trong lực lượng an ninh. Ông Mark S. Martins, một quan chức thuộc quân đội Mỹ cho biết, hệ thống sinh trắc học có thể giúp chống gian lận, tham nhũng và cải thiện tình trạng an ninh.

Quyết định dùng lý lịch nhân trắc được đưa ra sau khi một dân quân được phép vào một căn cứ Mỹ ở Mosul Iraq đã tự kích nổ áo khoác cài bom giết chết 22 người. Từ 2007-2015, Bộ Quốc phòng Mỹ chi 3,5 tỉ USD cho chương trình nhân trắc sau khi các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ thử nghiệm thành công tại thành phố Falluja, hang ổ của phe nổi dậy thuộc tỉnh Anbar của Iraq vào năm 2004. Chỉ có những người có tên trong cơ sở dữ liệu nhân trắc mới được xuất, nhập thành phố nên phe nổi dậy mất hẳn một nơi trú ẩn an toàn.

Định vị bằng điện thoại thông minh

Không chỉ vậy, binh sĩ Mỹ giờ đây còn nhận được trợ giúp hữu hiệu từ một phần mềm ứng dụng điện thoại thông minh. Mang tên Tactical Nav (dẫn đường chiến thuật), ứng dụng này giúp phát hiện vị trí bắn của phiến quân và tự động gọi một chiếc máy bay không kích đến để yểm trợ. Tactical Nav ra đời sau khi Đại úy Jonathan Springer thuộc quân đội Mỹ chứng kiến 2 đồng đội của anh thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng rocket tại chiến trường Afghanistan. Springer khẳng định ứng dụng này đạt độ chính xác như các công nghệ tương tự nhưng chi phí lại rẻ hơn.

Về mặt kỹ thuật, Tactical Nav sử dụng một chiếc la bàn, tấm bản đồ và camera của điện thoại để cung cấp cho binh sĩ các tọa độ chính xác về vị trí quân địch đang bắn trả. Thông tin này sau đó được tổng hợp lại và gửi về trung tâm chỉ huy chiến dịch để các sĩ quan chỉ huy quyết định ra phương án hợp lý: hoặc gọi máy bay tấn công yểm trợ hoặc cử máy bay trực thăng đến sơ tán các thương binh. Để phát triển ứng dụng thông minh này, Đại úy Jonathan Springer đã phải tiêu tốn hơn 30.000 USD.