Công nghệ hậu iPad

ANTĐ - Máy tính bảng iPad đang “làm mưa làm gió” trên thị trường công nghệ thế giới. Chưa thể nhận định đây là máy tính cá nhân của tương lai nhưng rõ ràng các ứng dụng được thực hiện trên màn hình cảm ứng khiến cho máy tính ngày càng trở nên thông dụng hơn.

Ảnh minh hoạ

Màn hình cảm ứng và bàn phím đơn giản có lẽ là điều hấp dẫn nhất ở iPad. Cũng với tiêu chí này, máy tính kết hợp máy chiếu có tên B-Membrane còn vượt xa điều đó. Được nhà thiết kế người Hàn Quốc Won-Seok Lee hoàn thành năm 2008, B-Membrane không cần màn hình, nó sẽ tự hiện lên qua máy chiếu. Bàn phím và ổ đĩa quang cũng chỉ xuất hiện khi cần thiết. Khi không bật chế độ máy tính, máy chiếu đơn giản là chiếc đèn bàn chiếu sáng xung quanh.

Thế hệ máy tính cá nhân của năm 2015 nổi lên HOLO, dòng máy tính do Elodie Delassus, người Pháp sáng chế. Cải tiến từ máy tính xách tay, Elodie Delassus đã tạo ra máy tính lưu động vừa cho phép truy cập

Internet, vừa là món phụ kiện thời trang. Giống như chiếc vòng đeo tay, HOLO 2.0 có thể sạc pin từ nguồn điện được tạo ra từ chuyển động của tay. Nó có một màn hình tương tác ba chiều để thiết lập kết nối giữa người sử dụng và thiết bị. Để biến thành máy tính để bàn, thiết bị này đi kèm với một trạm lắp ghép. Hãy hình dung nó là máy tính xách tay đầy đủ tính năng nhưng kích thước thì vô cùng hấp dẫn: dài 14cm, rộng 2cm, độ dày tối thiểu 2,5mm và tối đa 10mm. Thiết bị này sẽ được làm từ vật liệu không dẫn điện và chịu nhiệt nên an toàn và dễ dàng khi sử dụng.

Trở lại năm 2002, Công ty thiết kế ở Tokyo, Nhật Bản đã công bố hàng loạt ý tưởng mới. Khi đó, nhiều người nghĩ rằng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới về dòng máy tính cá nhân. Đến nay, một số sản phẩm đã ra đời nhưng chưa được phổ biến, có lẽ vẫn còn đang chờ được người tiêu dùng kiểm nghiệm và góp ý kiến.

Đáng chú ý phải kể đến máy tính cá nhân dạng bút. Sản phẩm thử nghiệm này được gọi là P-ISM, theo các nhà thiết kế NEC thì “máy tính bút” này chỉ riêng chi phí nghiên cứu nguyên mẫu đầu tiên đã mất 30.000 USD (điều này được tiết lộ tại Triển lãm ITU Telecom World năm 2003). Trong cây bút nhỏ nhưng tích hợp 5 chức năng: máy tính có đầu vào dữ liệu dạng chữ viết tay, bàn phím ảo, máy chiếu rất nhỏ, máy quét ảnh và chìa khóa ID cá nhân. Dòng sản phẩm này nối với nhau bằng công nghệ không dây. Theo đánh giá, máy tính bút sẽ là hậu duệ của iPad bởi con người cần có thời gian để rời bỏ dần công nghệ cảm ứng hay bàn phím, giống như trước đây người ta phải đọc sách, sau đó mới dần chuyển sang màn hình máy tính.

Một số ý tưởng thú vị khác của “NEC Design” bao gồm: Điện thoại làm bằng vật liệu rất mềm, có thể đeo hông hay vòng qua cổ tay hay thay đổi thành nhiều hình dạng khác. “Flacon” - chai dữ liệu: Hãy hình dung lượng thông tin lưu trữ khổng lồ trong bộ nhớ sẽ hiện rõ bằng hình ảnh trong chiếc chai “Flacon”, chúng xuất hiện trên một màn hình hiển thị điện phát quang vô cơ. Hình ảnh thích hợp được lựa chọn theo ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm, và thậm chí phù hợp với tâm trạng của người dùng.

Nếu xét tổng quan một bộ máy tính cá nhân “khủng” trong tương lai có lẽ không thể không nhắc đến trạm làm việc có tên “Đế chế” do NovelQuest - công ty có trụ sở tại Canada chào bán năm 2009 với giá 40.000 USD. Toàn bộ ghế, bàn, máy tính phục vụ cho công việc đã được tính toán sao cho con người cảm nhận được không gian làm việc thoải mái nhất, thậm chí nhiệt độ của ghế cũng tự biết điều chỉnh. Bên cạnh đó, “WalkStation” cũng được nhiều người “nhòm ngó” do tiện ích của nó là vừa làm việc, vừa có thể tập thể dục mà không phải gắn chặt với chiếc ghế làm việc thông thường.