“Công lý không gục ngã” - câu chuyện lịch sử đậm hơi thở thời đại

ANTĐ -Khí phách của danh sỹ Ngô Thì Nhậm đã được thể hiện đậm nét trong vở kịch “Công lý không gục ngã”. Với lời bộc bạch “Kẻ sỹ mà cúi đầu trước cường quyền, sao còn gọi là kẻ sỹ. Dân chúng trông cậy vào pháp luật và công lý. Vậy mà công lý cúi đầu thì dân lành biết trông cậy vào đâu”, ông đã quyết thực thi pháp luật bất chấp mọi nguy hiểm. Tác phẩm vừa được các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt vào ngày 17-5.
“Công lý không gục ngã” - câu chuyện lịch sử đậm hơi thở thời đại ảnh 1

Công lý không khuất phục trước cường quyền, người gây ra tội đã phải đền tội 

Thể hiện đậm nét khí phách Ngô Thì Nhậm

Được dàn dựng bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, vở kịch “Công lý không gục ngã” tập trung xây dựng hai hình ảnh đối lập. Đó là nhân vật “cậu trời” Đặng Mậu Lân dâm đãng, coi thường kỷ cương phép nước và danh sỹ Ngô Thì Nhậm khẳng khái, không chịu nhún mình trước cường quyền, quyết thực thi luật pháp để đem lại sự công bằng cho người dân.

Sử dụng dàn diễn viên tài năng đảm nhận các vai diễn chính, NSND Doãn Hoàng Giang tin tưởng giao vai Ngô Thì Nhậm cho nghệ sỹ Bùi Như Lai. Gương mặt, vóc dáng của anh khi hóa thân vào vai diễn thật đến nỗi sau đêm diễn, nhiều khán giả gặp anh vẫn gọi Như Lai bằng cái tên “Ngô Thì Nhậm”. Anh đã thể hiện nỗi niềm đầy ưu tư của vị quan thanh liêm Ngô Thì Nhậm trong giai đoạn lịch sử suy thoái của phủ chúa Trịnh với lời tâm sự: “Công lý nằm trong tay kẻ mạnh, nằm ở trong tay những kẻ có quyền và công lý ngự trên ngôi cao”.

Trong khi đó, nghệ sỹ Quang Ánh lại hóa thân vào vai “cậu trời” Đặng Mậu Lân, em trai của Tuyên phi Đặng Thị Huệ - người được chúa Trịnh Sâm yêu đầy xuất sắc. Lối diễn nhập thần, diễn mà như không diễn của Quang Ánh khiến khán giả ghét cay ghét đắng tên “cậu trời” ngang nhiên căng màn hãm hiếp đàn bà, mưu mô cướp nhà, cướp đất của dân khiến cả kinh thành Thăng Long loạn lạc, ngập tràn oan ức.

Người dân kêu than, kỷ cương phép nước trong triều chao đảo, nhiễu nhương. Hình ảnh chiếc trống kêu oan xuất hiện ngay từ cảnh mở màn đến cảnh cuối của vở diễn. Nhưng không có một tiếng trống nào được vang lên giữa kinh thành Thăng Long vì nỗi lo sợ của người dân.

 Chỉ đến khi hay tin Ngô Thì Nhậm là người sẽ xét xử Đặng Mậu Lân, tiếng trống kêu oan mới dồn dập liên hồi. Tiếng trống ấy là nỗi đau xé lòng của người chồng có vợ bị Đặng Mậu Lân hãm hiếp, là nỗi oan ức của người dân bị “cậu trời” cướp đất, cướp nhà… Tiếng trống nối nhau vang lên đã tố thêm nhiều tội ác của Đặng Mậu Lân và hối thúc pháp luật cần được thực thi. 

Đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả

Vở diễn phản ánh giai đoạn lịch sử thoái trào của phủ chúa Trịnh. Chúa Trịnh Sâm (NSƯT Sỹ Tiến) đã giao toàn bộ quyền lực cho Tuyên phi Đặng Thị Huệ - người đàn bà đầy tham vọng. Thậm chí Trịnh Sâm còn ép gả công chúa Ngọc Lan, con gái mình cho Đặng Mậu Lân, em trai Tuyên phi. Gã “cậu trời” ỷ thế chị đã gây ra nhiều tội ác.

Vụ án xét xử Đặng Mậu Lân bị trì hoãn và có nguy cơ “xóa trắng”. Công lý bị lung lay trước cường quyền và đúng như lời tâm sự của danh sỹ Ngô Thì Nhậm “Dân chúng trông cậy vào pháp luật và công lý. Vậy mà công lý cúi đầu thì dân lành biết trông cậy vào đâu”. Ông đã lắng nghe nỗi oan khuất của dân lành, cương quyết xử tử “cậu trời” Đặng Mậu Lân bất chấp mọi áp lực, hiểm nguy nhằm giữ kỷ cương phép nước. 

Vở diễn là một tác phẩm hấp dẫn với mạch truyện và chủ đề rõ ràng, gửi gắm những bài học đáng suy ngẫm rút ra từ quá khứ và còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Đồng thời, vở diễn khẳng định một thông điệp lịch sử còn lưu lại cho hậu thế về niềm tin vào lẽ phải, vào chiến thắng của công lý.

Một điều nữa cần nói thêm, vở kịch “Công lý không gục ngã” tưởng như sẽ nặng nề nhưng lối dàn dựng đầy tính nghệ thuật của đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đối với người xem. Điều đó được minh chứng bằng những tràng pháo tay không ngớt của khán giả sau đêm diễn. Vở diễn sẽ tham dự Hội diễn sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng 6-2015.