Còng lưng "cõng phí"

ANTĐ - Trong tình cảnh ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, “giật gấu vá vai”, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông BOT đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các dự án BOT cũng đang phơi lộ những mặt trái. Nguyên nhân là do thực hiện ồ ạt, nhiều nơi thiếu công bằng, minh bạch, dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải còng lưng “cõng phí” cầu đường, còn nhà đầu tư ung dung thu tiền tỷ.

Chia sẻ vấn đề bức xúc về phí BOT giao thông, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẳng thắn chỉ rõ, ngoài tiền vốn thì số người sử dụng dịch vụ, lưu lượng xe lưu thông cần phải được giám sát, công khai bởi đây là loại phí ảnh hưởng đến từng mớ rau, miếng thịt, cân gạo của mỗi gia đình.

Đơn cử củ đậu ở quê chỉ có 5.000 đồng/kg, vậy mà khi đi 120km lên Hà Nội giá đã gấp 10 lần.

Tất nhiên, không phải tất cả đều là chi phí giao thông, song không thể phủ nhận phí này tác động không nhỏ tới đời sống người dân. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn câu chuyện nghi vấn sự khuất tất trong việc thu phí tại một số tuyến đường BOT.

Nhà đầu tư khẳng định mỗi ngày chỉ thu phí được 1 tỷ đồng, nhưng dư luận lại tỏ ra nghi ngờ số tiền đó hoàn toàn có thể chênh lệch tới 3-4 tỷ đồng.

Nếu sử dụng phần mềm thu phí không dừng, được xây dựng độc lập thì sẽ cho số liệu chính xác. Khi đó, nhà đầu tư BOT không dễ “ăn gian”, còn người dân có cơ sở để biết rõ doanh nghiệp được thu bao lâu là hợp lý.

Có một thực tế hết sức vô lý là, chỉ cần bỏ vốn để cải tạo lại những tuyến đường do Nhà nước đầu tư xây dựng từ tiền thuế của người dân, doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư nghiễm nhiên trở thành ông chủ của những trạm thu phí mà thời gian thu kéo dài từ 15-20 năm.

Chính vì sự hấp dẫn, béo bở này mà những năm gần đây, các dự án tân trang, nâng cấp, cải tạo biến đường sá của Nhà nước, của dân thành những tuyến đường mang vỏ bọc BOT mọc lên như nấm.

BOT không chỉ cuốn hút các “đại gia” giao thông mà nhiều doanh nghiệp “trái tay”, tổ chức tín dụng cũng lao vào “cơn lốc” BOT. Chỉ riêng tuyến Quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam hiện nay như một đại dự án BOT với hàng chục nhà đầu tư; đồng thời cũng “đẻ” ra hàng chục trạm BOT, cứ đều đặn 3-5 năm lại tăng phí một lần.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, do lưu lượng phương tiện giao thông quá đông, chính sách đầu tư, thời gian thu phí lại được cơ quan chức năng ưu ái nên BOT trở thành “chiếc bánh ngọt”. .

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu không tăng phí BOT, giao Bộ Giao thông vận tải sớm tổng kết và báo cáo Thủ tướng về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự án BOT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hy vọng với chỉ đạo kịp thời này của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp vận tải sẽ bớt đi nỗi lo phải còng lưng “cõng phí” phi lý.