Cộng đồng quốc tế phản đối hành động sai trái áp đặt yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếp sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tập trận từ ngày 1 đến 5-7-2020 tại khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều tiếng nói phản đối hành động gây căng thẳng của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. 

Cộng đồng quốc tế phản đối hành động sai trái áp đặt yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan xuất hiện ở Biển Đông

Cùng lên tiếng phản đối các hành động sai trái ở Biển Đông

Mới đây, trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Nước Mỹ đồng ý với các người bạn Đông Nam Á của mình, rằng tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông là có mức độ khiêu khích cao”. Ông Mike Pompeo khẳng định: “Chúng tôi phản đối các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh”. Cùng thời điểm trên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định: “Cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông vi phạm cam kết của họ theo Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002”. Ông Morgan Ortagus cho biết Mỹ sát cánh cùng những người bạn ở Đông Nam Á và phản đối những tuyên bố phi pháp của Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc thông báo tiến hành tập trận từ ngày 1 đến 5-7 tại khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng, dư luận thế giới và khu vực liên tục có phản ứng mạnh. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố những cuộc tập trận là sự tiếp nối những động thái của Trung Quốc nhằm áp đặt yêu sách phi pháp của nước này, gây ra đe dọa đối với các quốc gia Đông Nam Á láng giềng trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cảnh báo: “Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Chúng tôi rất cảnh giác về vấn đề này”. Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì khẳng định: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

 Theo dõi những diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông thời gian gần đây, có thể thấy một xu hướng đang nổi lên. Đó là các nước có liên quan ngày càng tỏ ra thống nhất trong các tuyên bố phản đối các hành động sai trái của Trung Quốc tại vùng biển này. Điều này có thể thấy qua một loạt công hàm/công thư mới đây của Malaysia, sau đó là Philippines, Việt Nam, Indonesia gửi Liên hợp quốc phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.

Đặc biệt, Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra tại Hà Nội ngày 26-6 vừa rồi cho thấy những bước tiến mới trong sự đoàn kết của khu vực trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Đây là tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ, thể hiện sự đồng thuận của ASEAN trong việc mong muốn và hành động nhằm giải quyết các vấn đề Biển Đông dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Những điều chỉnh để đối phó với tham vọng của Trung Quốc

Dư luận quốc tế ngày càng quan tâm và có phản ứng mạnh bởi sự gia tăng đáng kể các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay. Sau khi cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, Trung Quốc tiến hành một loạt những hành động khiêu khích như hướng radar điều khiển vũ khí vào tàu chiến của Philippines, đặt tên 80 thực thể ngầm trên thềm lục địa Việt Nam, cản trở hoạt động tàu khảo sát địa chấn của Malaysia, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, tiến hành tập trận trong vùng biển nước khác…

Tình hình an ninh Biển Đông liên tục xấu đi do Trung Quốc điều tàu hải quân, tàu hải cảnh, tàu dân binh, các tàu nghiên cứu địa chất ra Biển Đông ở diện rộng, gây sức ép trên thực địa với các nước trong khu vực. Tần suất bay trên Biển Đông của các loại máy bay quân sự Trung Quốc cũng dày đặc hơn, và không loại trừ khả năng tàu ngầm Trung Quốc đang di chuyển ở Biển Đông và vùng nước lân cận.

Thách thức đó buộc các nước phải điều chỉnh trong thái độ. Trước đây, Indonesia thường không tỏ thái độ trong các tranh cãi liên quan đến Biển Đông. Nhưng trước việc Trung Quốc điều tàu đánh cá có tàu hải cảnh đi cùng vào vùng biển Natuna của Indonesia đã khiến nước này phải lên tiếng một cách rõ ràng. 

Philippines thì rút lại quyết định hủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ bởi lo ngại trước những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc. 

Không chỉ tuyên bố phản đối, các nước cũng ngày càng có hành động cụ thể trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trong lúc Trung Quốc tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Mỹ đã đưa hai đội tàu sân bay vào Biển Đông diễn tập. Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy một đội tàu tác chiến đi cùng tàu sân bay, khẳng định: “Mục tiêu của đợt diễn tập này là gửi đi một tín hiệu rõ ràng đến các đối tác và đồng minh của chúng ta là Mỹ cam kết bảo đảm an toàn và ổn định của khu vực”.

Mặc dù hải quân Mỹ vẫn thường có những hoạt động tự do hàng hải trong khu vực, tuy nhiên việc điều động hai tàu sân bay hoạt động bằng năng lượng hạt nhân là USS Nimitz và USS Ronald Reagan đến Biển Đông là một động thái biểu dương sức mạnh của Washington ở thời điểm căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông. 

Không chỉ Mỹ, tháng 4 vừa rồi, Australia cũng cử tàu tuần dương HMAS Parramatta tham gia cuộc tập trận với các tàu của Mỹ, gồm tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry, tại khu vực phía nam Biển Đông, cách không xa nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia.

Hai nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) là Pháp và Anh cũng gia tăng hoạt động trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON). Tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục đã từng tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong động thái bày tỏ sự phản đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Anh cũng đã đưa tàu đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia di chuyển gần những cấu trúc đá ngầm mà Trung Quốc bồi đắp và chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm thực hiện hoạt động tự do hàng hải. Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho rằng nhiệm vụ hoạt động đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ bao gồm khu vực Thái Bình Dương.