Công dân hỏi - Bộ Công an trả lời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -

Thời hạn bao nhiêu ngày sẽ có quyết định ân giảm hoặc bác đơn ân giảm án tử hình?

Cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Để thực hiện tốt và có hiệu quả Luật Thi hành án hình sự, đề nghị các cơ quan tư pháp Trung ương có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp chấp hành xong án phạt nhưng không đến nhận giấy chứng nhận chấp hành xong án hoặc bỏ đi khỏi địa phương. Đề nghị quy định rõ ràng về thời hạn khi Chủ tịch nước nhận đơn xin ân giảm trong thời hạn bao nhiêu ngày sẽ có quyết định ân giảm hoặc bác đơn ân giảm đối với các trường hợp bị kết án tử hình. Đồng thời, đề nghị cần nghiên cứu có giải pháp bố trí kinh phí xây dựng và nâng cấp nhà tạm giữ, tạm giam của Công an cấp huyện, tránh tình trạng cơ sở giam, giữ không đủ điều kiện làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án hoặc bị can bỏ trốn.

Bộ Công an trả lời:

- Về những trường hợp chấp hành xong án phạt nhưng không đến nhận giấy chứng nhận chấp hành xong án hoặc bỏ đi khỏi địa phương: Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định bắt buộc người chấp hành xong án phạt đến nhận giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt. Đối với thi hành án phạt tại xã, phường, thị trấn (án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định), Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án và gửi giấy đó cho người chấp hành án và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Theo quy định, trường hợp người chấp hành xong án phạt bỏ đi khỏi địa phương trong thời gian chấp hành án, phải tiến hành xác minh và xử lý theo các hình thức, như: lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, kiểm điểm (án treo, cải tạo không giam giữ, người được tha tù trước hạn có điều kiện), xử phạt vi phạm hành chính, buộc chấp hành án phạt tù (đối với án treo, tha tù trước hạn có điều kiện), xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Về thời hạn khi Chủ tịch nước nhận đơn xin ân giảm trong thời hạn bao nhiêu ngày sẽ có quyết định ân giảm hoặc bác đơn ân giảm đối với các trường hợp bị kết án tử hình: Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, không có quy định về thời gian Chủ tịch nước có quyết định ân giảm hoặc bác đơn ân giảm đối với các trường hợp bị kết án tử hình kể từ khi nhận đơn. Cơ sở cho quy định này là việc ân giảm án tử hình là thẩm quyền tối cao, riêng có của Chủ tịch nước dựa trên việc đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện tính chất của vụ án, điều kiện, hoàn cảnh của người phạm tội, khả năng áp dụng hình phạt khác… để xem xét, quyết định. Do đó, việc quy định thời hạn Chủ tịch nước xem xét, bác đơn ân giảm là không phù hợp.

- Về bố trí kinh phí xây dựng và nâng cấp nhà tạm giữ, tạm giam của Công an cấp huyện, tránh tình trạng cơ sở giam, giữ không đủ điều kiện làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án hoặc bị can bỏ trốn: hằng năm, Bộ Công an giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng rà soát, tổng hợp, báo cáo, đề xuất danh sách, thứ tự ưu tiên để phân bổ kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở giam giữ. Mặt khác, do nguồn kinh phí được cấp còn hạn chế, nên Bộ Công an đã hướng dẫn Công an các địa phương báo cáo chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở giam giữ. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý giam giữ trong tình hình mới, Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng “Dự án tổng thể đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam thuộc Bộ Công an quản lý (giai đoạn 2021 - 2025)” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ xe gắn máy cho người chưa đủ 16 tuổi mượn xe - xử phạt thế nào?

Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô

Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô

Công dân Nguyễn Quang Thành hỏi: Tôi được biết, theo quy định thì người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp người chưa đủ 16 tuổi lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 mà không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, gây va chạm với phương tiện tham gia giao thông khác thì bị xử phạt như thế nào? Ngoài ra, chủ xe gắn máy cho người chưa đủ 16 tuổi mượn xe có bị xử phạt không?

Bộ Công an trả lời:

Điểm a, khoản 1, Điều 5 và khoản 3, Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Cảnh cáo được áp dụng… đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện… Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô.

Như vậy, trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 mà không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng gây va chạm với phương tiện tham gia giao thông khác như bạn đọc hỏi thì căn cứ vào các quy định trên bị xử phạt cảnh cáo bằng văn bản.

Đối với chủ phương tiện giao xe cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển, căn cứ vào điểm đ, khoản 5, Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng (nếu là cá nhân) và bị phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng (nếu là tổ chức).

Đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt có bị xử lý hình sự không?

Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản

Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản

Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Kiến nghị về việc đối tượng đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt cần phải được xử lý hình sự.

Bộ Công an trả lời:

Tại điểm a, khoản 1, Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản...”.

Như vậy, trong Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rất cụ thể việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt có thể bị xử lý hình sự với hình thức phạt tù cao nhất lên đến 3 năm.

Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuy nhiên, quá trình đấu tranh xử lý các vi phạm còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế, trong đó các hành vi vi phạm chủ yếu chỉ xử lý về hành chính, chưa xử lý hình sự, nguyên nhân là do các vi phạm chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, đối tượng vi phạm là người dân nghèo, người có thu nhập thấp; số lượng thủy sản bị thiệt hại có giá trị chưa cao, chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự. Thời gian tới, để tăng cường công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Công an sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập trung phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong công tác phát hiện, đấu tranh. Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ được phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tổ chức tập huấn chuyên sâu, quán triệt các quy định mới của pháp luật cho lực lượng Cảnh sát môi trường và các lực lượng có liên quan công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Nghiên cứu, đề xuất kiện toàn hệ thống tổ chức và biên chế cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về thủy sản; bổ sung kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về thủy sản.