Công cụ phải “sắc bén”

ANTĐ - Luật Giá có hiệu lực từ 1-1-2013, được kỳ vọng là “vũ khí” sắc bén để xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, thao túng và lũng đoạn giá cả hàng hóa trên thị trường. Thế nhưng, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, từng được lấy ý kiến đóng góp từ tháng 10-2012, đến nay vẫn chưa được ban hành. Cùng với sự chậm trễ ban hành Luật Giá, các “chiêu trò” né tránh kiểm soát càng được dịp sử dụng trong những đợt tăng giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất tới Luật Giá chính là nội dung “bình ổn giá” nhằm hạn chế việc tăng giá bất thường của các mặt hàng thiết yếu. Trong những trường hợp nào thì thực hiện bình ổn giá? Đó là khi giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý so với mức tăng hoặc giảm giá do tác động của các yếu tố hình thành giá được tính theo quy chế tính giá do cơ quan nhà nước ban hành.

Trong trường hợp giá tăng hoặc giảm giá bất hợp lý khi xảy ra thiên tai hoặc khủng hoảng kinh tế, do mất cân đối cung - cầu tạm thời. Trường hợp thứ 3 là giá tăng hoặc giảm bất hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lạm dụng vị thế độc quyền, liên kết độc quyền về giá theo quy định của Luật Cạnh tranh. Nghịch lý về giá cả đã diễn ra từ lâu, ngay cả khi Luật Giá có hiệu lực, thì một biểu hiện rõ nhất là mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi tuy được xếp vào danh mục “hàng bình ổn giá”, song trên thị trường đã có nhiều sản phẩm sữa “nổi sóng” tăng giá vô tội vạ, thậm chí tăng hơn 10%. Mọi “đợt sóng” này đều vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng với “chiêu thức” đổi tên sản phẩm sữa thành thực phẩm bổ sung hoặc sản phẩm dinh dưỡng. Vậy là, mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi mặc nhiên được loại ra khỏi diện bình ổn giá và thả sức tăng giá.

Theo Luật Giá, Quỹ bình ổn giá không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá và để tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại doanh nghiệp. Quỹ này được lập ra đối với sản phẩm điện, xăng dầu thành phẩm, thóc gạo tẻ thường. Nguồn lập quỹ được trích từ giá hàng hóa, dịch vụ và mức trích không vượt quá 0,5% mức bán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời được tính trong giá bán hoặc hoạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, đến gần hết tháng 2-2013 số dư Quỹ bình ổn giá vẫn còn tới 728 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu cuối tháng 3 vừa qua, Quỹ này đã chuyển sang trạng thái “âm”. Nguyên nhân được giải thích là do các doanh nghiệp sử dụng quỹ “quá tay”. 

Nên nhớ rằng, cho đến thời điểm này mới có Quỹ bình ổn giá xăng dầu đi vào hoạt động, song hiệu quả hoạt động của Quỹ đang gây nhiều nghi hoặc vì thiếu minh bạch về thực trạng quỹ. Suy rộng ra, dư luận không thể không đặt câu hỏi về tính thiếu hiệu lực của các công cụ kiểm soát giá và bình ổn giá ngay cả khi Luật Giá còn chưa được hướng dẫn thực hiện chi tiết.