Công chứng sai, hậu quả vô cùng nghiêm trọng

ANTĐ - Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội đưa ra thảo luận ở tổ chiều qua 1-11. Phóng viên ANTĐ đã trao đổi với ĐB Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, về một số vấn đề liên quan.

Công chứng sai, hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh 1
Cần ràng buộc pháp lý mạnh hơn đối với quá trình thực thi trách nhiệm của các công chứng viên 
(Ảnh minh họa)


- PV: Một số nơi đã xảy ra hiện tượng đối tượng sử dụng “sổ đỏ” giả để công chứng, rồi thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- ĐBQH Ngô Văn Minh: Phải xét về nhiều khía cạnh, nhưng chủ yếu là do bản thân đối tượng xấu đã lợi dụng sơ hở của pháp luật, thu thập những “sổ đỏ” giả nhằm phục vụ ý đồ bất chính. Trong khi đó, công chứng viên do bản lĩnh nghiệp vụ yếu, lại thực hiện sai quy trình kiểm tra, kiểm soát tài liệu, dẫn đến việc công chứng không đúng. Vấn đề thứ hai là đằng sau việc làm đó còn có mối liên hệ gì không, giữa người đến công chứng và công chứng viên. Ở đây có thể đặt vấn đề là giữa hai bên có sự thông đồng với nhau để làm bậy không và nếu đúng như vậy thì đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm.

- Pháp luật quy định trách nhiệm của công chứng như thế nào?

- Trách nhiệm của một công chứng viên đã được pháp luật quy định cụ thể là phải kiểm tra tính xác thực của văn bản tài liệu gốc, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ công chứng. Người công chứng viên phải có những động tác bắt buộc như kiểm tra, xác minh những thông tin liên quan đến tài liệu cần công chứng. 

- Ông đánh giá như thế nào về hậu quả gây ra cho xã hội, bắt nguồn từ việc công chứng sai?

- Tính chất, mức độ của việc công chứng sai là rất nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều cơ quan chức năng ở các địa phương để xảy ra hiện tượng công chứng sai đã vào cuộc điều tra, làm rõ các vụ việc để xử lý. Nếu như những vụ việc này không kịp thời được phát hiện, khởi tố điều tra, thì hậu quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và xã hội.

- Với chức năng giám sát, tới đây Quốc hội có những biện pháp gì để kiềm chế, ngăn ngừa có hiệu quả hành vi công chứng sai nhằm thực hiện những hoạt động vi phạm pháp luật?

- Sau khi có ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Chính phủ đã trình Dự luật Công chứng sửa đổi tại 2 kỳ họp Quốc hội. Trong đó quy định rõ những vấn đề nào tồn tại cần phải sửa đổi. Ví dụ: Việc tổ chức hành nghề công chứng phải được xác định như thế nào? Người hoạt động công chứng phải được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý hành nghề ra sao? Theo tôi, liên quan đến công chứng thì còn phải sửa đổi nhiều vấn đề.

Công chứng viên làm sai phải bồi thường

Chiều 1-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch tổng thể thủy điện. Cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết để ngăn chặn các tranh chấp pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong các giao dịch dân sự có giá trị lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của công chứng viên trong trường hợp có hành vi vi phạm.

ĐB Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Hà Nội) cho rằng, rất cần quy định về bộ quy tắc hành nghề của công chứng viên. “Nội dung này phải do Bộ Tư pháp soạn thảo, chứ không nên giao cho hiệp hội ngành nghề. Từ bộ quy tắc, sẽ có chế tài để xử lý các trường hợp công chứng viên vi phạm”. Cùng quan điểm, ĐB Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) cho rằng, cần quy định rõ, nếu công chứng viên có sai phạm, gây thiệt hại cho các bên liên quan trong giao dịch, thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có). Cùng với đó, cần làm rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phát triển hệ thống văn phòng công chứng.