Công chứng mua bán nhà đất đang bị lợi dụng

ANTĐ - Tin vào hợp đồng được công chứng, không ít người đã dốc tiền của cho đối tác trong những thương vụ mua bán, chuyển nhượng tài sản. Thế nhưng chỉ sau một thời gian, họ đành “ngậm đắng nuốt cay” vì “dính” phải cú lừa…     

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Được vạ, má sưng

Mới đây, chị Lê Thị Dung (trú ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên) đến dự phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại TAND TP Hà Nội trong tâm trạng đắng cay. Chị tự trách mình là cẩu thả, vội vàng. Sự đen đủi ấy một phần do sự tắc trách của những người liên quan. 

Cuối năm 2010, chị Dung mua mảnh đất 43m2 ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên với giá 600 triệu đồng. Tận mắt nhìn thấy tấm “sổ đỏ” gốc, chị và người bán cùng chủ đất đứng tên trên giấy tờ dẫn nhau tới một phòng công chứng làm thủ tục mua bán. Tiếp đến, chị còn được cơ quan chức năng cấp “sổ đỏ” trên phần diện tích đất đã mua. Thế nhưng cách đây chưa lâu, chị Dung “chết đứng” khi thấy mảnh đất của mình bị người khác xây nhà trên đó. Khi cơ quan công an vào cuộc, chị mới cay đắng nhận ra mình đã bị dính vào một vụ lừa đảo. Mảnh đất chị mua vốn được gia đình Nguyễn Văn Thước (SN 1974, đã bị kết án 13 năm tù giam về tội lừa đảo) bán cho chị Vũ Thị Quyên ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên và đã được cấp “sổ đỏ” từ năm 2005. Thế nhưng do những người có trách nhiệm “quên” không đối trừ phần đất gia đình Thước đã bán nên sau này, đối tượng khai mở di sản thừa kế và được cấp lại “sổ đỏ” mới gồm cả phần đất của chị Quyên. 

Thấy “cơ hội” đến, Thước tiếp tục bán phần diện tích đất của chị Quyên cho người thứ 3. Rồi người thứ 3 này lại bán cho chị Dung. Ra tòa,  người phụ nữ này chua chát: “Tôi mua bán rất ngay thẳng, thực hiện đầy đủ thủ tục công chứng và sang tên sổ đỏ, vậy mà vẫn phải nhận sự thua thiệt này”. Ở phiên tòa ấy, chị Dung được xác định là người liên quan nên tòa án đã tuyên buộc người bán đất phải hoàn trả 600 triệu đồng. Còn Nguyễn Văn Thước thì phải bồi thường tiền đối với người bán đất cho bị hại. Về lý là như vậy, song chị Dung thở dài ngán ngẩm: “Chẳng biết đến khi nào tôi mới đòi lại được tiền”.

Sống chết mặc bay

Nói về hoạt động công chứng mua bán, chuyển nhượng đất đai, bất động sản, một trưởng văn phòng công chứng ở quận Long Biên cho rằng “công chứng chỉ mang tính thủ tục”, bởi theo lý giải của vị này, mặc dù Luật Công chứng cùng các văn bản liên quan đã quy định trách nhiệm của văn phòng công chứng và công chứng viên, nhưng trên thực tế chẳng mấy khi phòng công chứng tìm hiểu kỹ về tính hợp pháp của tài sản. Mọi thông tin về nguồn gốc, tính hợp pháp của đối tượng đem ra mua bán đều phụ thuộc vào lời khai và cam đoan của đương sự.

Theo vị công chứng viên trên, ngoài trình độ hiểu biết pháp luật theo quy định, kỹ năng “soi” giấy tờ thì người làm công chứng còn phải dựa nhiều vào kinh nghiệm. Theo đó, nếu là các bên mua bán tài sản đàng hoàng thì ngoài các giấy tờ chứng minh về tài sản, họ còn có những động thái, biểu hiện rất đáng tin cậy kèm theo. Đó có thể là mục đích, lý do mua bán tài sản; khả năng mô tả hiện trạng tài sản; có địa chỉ cư trú rõ ràng hoặc các yếu tố khác đi kèm. Riêng về “thông lệ” mua bán quyền sử dụng đất đai, nhà ở, vị trưởng phòng công chứng vắn tắt, hai bên mang “sổ đỏ” cùng giấy tờ liên quan tới phòng công chứng để thể hiện ý chí giao dịch. Tiếp đến, phòng công chứng thảo hợp đồng, rồi giao cho các đương sự đọc lại kiểm tra nội dung. Khi các bên đồng ý thì ký tên, điểm chỉ vào hợp đồng và công chứng viên có lời chứng xác nhận vào văn bản. Sau cùng là giao hợp đồng cho đương sự và thu phí công chứng.

Nói về hoạt động công chứng, luật sư Nguyễn Văn Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định không phải ngẫu nhiên mà pháp luật bắt buộc các giao dịch về bất động sản, nhà đất hoặc những tài sản có giá trị lớn phải công chứng, bởi mục đích tối cao của hoạt động công chứng là giám sát, ghi nhận các giao dịch của các bên đương sự. Điều này đồng nghĩa với việc trách nhiệm liên đới của phòng công chứng và công chứng viên trong các giao dịch mà họ tham gia. Cụ thể đối với các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng về tài sản hoặc quyền về tài sản thì ngoài các cam đoan, cam kết của các bên đương sự thì bản thân phòng công chứng phải có nghĩa vụ xác minh, xác định tính hợp pháp của đối tượng cũng như chủ thể giao dịch. Chỉ khi nào giao dịch không có sự gian dối, ép buộc và các chủ thể tham gia đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì công chứng viên mới được phép chứng nhận giao kết đó. Về phía các cơ quan sở hữu, quản lý tài sản, trong đó có đất đai, nhà ở phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin cho phòng công chứng khi họ có yêu cầu.

Cũng theo luật sư Hà, trường hợp công chứng viên tham gia chứng nhận giao dịch, song đó lại là những giao dịch bất hợp pháp, gian dối, lừa đảo thì tùy theo mức độ, tính chất sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, có thể bị xử lý về hình sự theo các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái” hoặc tội danh khác. Tuy nhiên, nhìn nhận về hoạt động công chứng các giao dịch bất động sản, luật sư Hà cho rằng hiện nay có khá nhiều vụ án lừa đảo về đất đai mà ở đó bị hại thường rơi vào hai trường hợp, “sổ đỏ” thật, đất thật, nhưng lại bị chủ sở hữu cùng lúc bán cho nhiều người và “sổ đỏ” giả, đất cũng “ảo”, song vẫn được phòng công chứng xác nhận giao dịch. Điều lạ là trong các vụ án ấy, không phải phòng công chứng và công chứng viên nào cũng bị xử lý nghiêm trước pháp luật.