Công chức làm sai thì phải bồi hoàn

ANTD.VN -Trình bày dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, về trách nhiệm bồi hoàn trong dự luật này được xây dựng trên nguyên tắc là công chức gây thiệt hại thì phải bồi hoàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến vào dự thảo luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn khi cho rằng tuy dự thảo luật đã kế thừa nhưng chưa phù hợp với Hiến pháp 2013. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần xác định lại phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong dự thảo Luật để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, luật này cần phải xác định từng bước; mở rộng dần dần để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động. Bởi nếu quy định quá “hẹp” sẽ ảnh hưởng quyền công dân, ngược lại quá “rộng” sẽ dẫn tới việc lạm dụng, làm “chùn tay” các cơ quan tố tụng trong đấu tranh chống tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng chỉ ra rằng, trong báo cáo giám sát oan sai cho thấy mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn phân tán, thiếu khách quan, giải quyết còn chậm trễ... dẫn đến trường hợp oan lớn trong một thời gian dài nhưng lại chỉ xin lỗi công khai trong vài phút, khiến dư luận và người dân cho rằng làm hình thức, chiếu lệ. 

Dẫn lại vụ việc đền bù oan sai cho trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề, liệu luật ra đời có giải quyết được tình trạng các trình tự thủ tục và các yêu cầu đặt ra quá chặt chẽ. “Đi tù mấy chục năm thì việc thăm nuôi lấy đâu ra hóa đơn, chứng từ? Luật có giải quyết được không hay cứ khi xảy ra vụ việc lại đòi chứng từ?” – bà Nga đặt câu.

Giải trình một số ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh nguyên tắc công chức gây thiệt hại thì phải bồi hoàn. “Ở đây thiết kế đảm bảo sự phù hợp và hợp lý để người ta bỏ khoản tiền bồi thường do thiệt hại chính mình gây ra, nhưng không đến mức quá kinh khủng để người ta không dám làm gì”.