Công chức chưa quen đi xe buýt

ANTĐ - Tại tờ trình Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, đến năm 2020, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải khách công cộng chủ đạo tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. 

Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải công cộng chính ở các đô thị lớn

Phải tăng tính kết nối

Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng hành khách sử dụng xe buýt sụt giảm nhẹ. Nguyên nhân được cho là hạ tầng đường sá chưa đáp ứng, thường xảy ra ùn tắc; tính kết nối chưa cao, nên người dân vẫn chọn sử dụng phương tiện cá nhân.

Dù Hà Nội, TP. HCM đang xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt trên cao phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhưng vận tải hành khách bằng xe buýt vẫn đóng vai trò chủ đạo trong 5 năm tới. Trong khi đó, vận tải xe buýt hiện mới đáp ứng được 7%-10% nhu cầu đi lại của người dân ở Hà Nội, TP.HCM. 

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhìn nhận, thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đều có các chính sách nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như trợ giá; hỗ trợ lãi vay; miễn, giảm thuế nhập khẩu, phí...

Tuy nhiên, hầu hết các chính sách này mới chỉ tập trung vào việc mở rộng mạng lưới và gia tăng số lượng phương tiện tham gia của vận tải hành khách công cộng. Trong đó, một trong những yếu tố then chốt nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt là nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…, một bộ phận khách hàng tiềm năng như công chức, viên chức, nhân viên văn phòng... vẫn chưa sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như phương thức đi lại hàng ngày do nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ, việc không đảm bảo thời gian, lượng hành khách trong giờ cao điểm quá lớn.

Xác định trong giai đoạn tới, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải công cộng chủ đạo, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, cần nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng tiện nghi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý, xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh, thân thiện. Cùng với đó, cần phát triển mạng lưới đồng bộ, có hạ tầng kết nối thuận tiện với các công trình đầu mối như nhà ga, sân bay, bến xe... và các loại hình vận tải công cộng, cá nhân khác như đường sắt đô thị, taxi, xe khách tuyến cố định...

Năm 2020 có vé điện tử 

Đối với Hà Nội và TP. HCM, đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ mạng lưới tuyến xe buýt tại khu vực trung tâm đạt 80%, khu vực ngoại thành đạt 50%. Đối với Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỷ lệ bao phủ mạng lưới tuyến xe buýt tại khu vực trung tâm đạt 60%, khu vực ngoại thành đạt 40%.

Bên cạnh đó, đề án cũng đưa ra, tại Hà Nội, đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 30-35% tổng nhu cầu đi lại khu vực đô thị trung tâm, trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm nhận 10-15%. Còn tại TP. HCM,  tỷ lệ này là 20-25%, trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đảm nhận 9-12%.

Với các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỷ lệ này ở mức 5-10% tổng nhu cầu đi lại… Để nâng cao tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt, Viện Chiến lược và phát triển GTVT đề xuất, tại TP. HCM và Hà Nội, tuổi đời bình quân của xe buýt không nên quá 8 năm. Đặc biệt, đi với các thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2020, cần đảm bảo 100% mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng vé điện tử và có hệ thống giám sát trực tuyến kết nối với hệ thống điểm dừng, nhà chờ, trạm trung chuyển.

Song, để đạt được những chỉ tiêu trên, Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố cần có cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển số lượng xe buýt, nguồn nhân lực cũng như chính sách để áp dụng khoa học công nghệ mới có thể tăng tỷ trọng vận tải khách bằng xe buýt.