Công bố sớm đề minh họa lớp 10 để chống dạy thêm, học thêm

ANTD.VN - Phương án thi 6 môn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm 2019 khiến nhiều người lo lắng về việc nảy sinh tình trạng dạy thêm học thêm ồ ạt.

Công khai đề minh họa từ tháng 9

Việc chuyển từ 2 môn thi Toán và Văn sang 6 môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội từ năm 2019 khiến phụ huynh, học sinh lo ngại quá tải về dạy thêm, học thêm.

Chiều 10/4, giải đáp về vấn đề này ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện tượng dạy thêm học thêm đã được tính đến trước khi đề xuất phương án thi mới. “Áp lực dạy thêm bắt nguồn từ dạng đề thi, cách thức thi. Như chúng ta đã thấy, tuyển sinh ĐH thay đổi theo hướng khách quan, minh bạch thì việc luyện thi ồ ạt trước đây đã chấm dứt. Do vậy kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội cũng sẽ đặc biệt chú trọng đến dạng đề thi để không gây sức ép cho học sinh dẫn tới học thêm tràn làn” – ông Dũng khẳng định.

Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến công khai đề thi minh họa trong tháng 9 tới để ngay từ đầu năm học, giáo viên, học sinh đã được định hướng về kỳ thi này. “Đề thi sẽ được ra phù hợp với yêu cầu học sinh chuyên cần, chăm chỉ nắm bắt kiến thức trên lớp, học sinh không phải luyện thêm, không bị đánh đố” – ông Dũng cho biết.

Học sinh Hà Nội sẽ thi 6 môn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019

Với cách thi này, 2 môn Toán, văn vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có đổi mới, trong việc đưa ra câu hỏi khó. “Học sinh bị sức ép về điểm tuyệt đối, chính vì câu hỏi khó trong đề thi mà phải học thêm. Việc này cần được thay đổi để giảm tải cho học sinh, để dành thời gian học tập toàn diện với các môn học khác” – ông Dũng chia sẻ.

Bài thi tổ hợp đòi hỏi kiến thức toàn diện

Một trong những thắc mắc của nhiều phụ huynh, học sinh với phương án thi mới của Sở GD-ĐT Hà Nội năm 2019 là vì sao cả hai bài thi tổ hợp đều có cả môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thay vì tách riêng các môn này như kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, việc chọn bài thi tổ hợp nào không thuộc quyền quyết định của học sinh mà do Sở chọn ra và sẽ chỉ công bố vào tháng 3-2019.

Về vấn đề này ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho hay:

“Có thể thấy như kỳ thi THPT quốc gia đã áp dụng hình thức này một vài năm nay và đã diễn ra thành công với các bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp Sở GD-ĐT Hà Nội không do thí sinh chọn như THPT quốc gia. Bởi thi THPT quốc gia ngoài xét tốt nghiệp THPT còn xét tuyển ĐH, CĐ, tức học sinh còn đào tạo ngành nghề theo sở thích của mình. Còn bài thi tổ hợp của Sở vẫn nhằm mục đích chủ yếu nhằm kiểm tra đánh giá năng lực học sinh ở bậc THCS và với mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện. Khi đưa ra các phương án này chúng tôi cũng đã dự kiến việc lúc nào công bố đề thi minh họa, hướng dấn các đơn vị về công tác dạy học sao cho phù hợp”

Về cơ sở để lựa chọn môn thi trong bài thi tổ hợp, ông Toản cho biết, cả 2 bài thi tổ hợp đều có môn thi Ngoại ngữ nhằm mục đích nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh Thủ đô. Trong mỗi bài thi tổ hợp có cả môn thi tự nhiên lồng ghép môn thi xã hội nhằm đảm bảo sự khách quan, công bằng với mọi học sinh.

Thực tế, học sinh sẽ có em có năng khiếu về môn tự nhiên, có em lại thiên về môn xã hội. Nếu bài thi tổ hợp chỉ nghiêng về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội thì sẽ thiệt thòi với những học sinh không giỏi về môn nay hay môn kia. Bên cạnh đó, yêu cầu của kỳ tuyển sinh lớp 10 là nhằm đánh giá năng lực toàn diện của học sinh THCS thay vì định hướng ngành nghề đào tạo để xét tuyển đại học như kỳ thi THPT quốc gia, do vậy, các môn thi vẫn phải bao quát chương trình và hướng tới đánh giá toàn diện học sinh.