Công bố những nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long

ANTĐ - Ngày 6-1, Viện Khảo cổ học đã tổ chức tọa đàm, công bố những kết quả nghiên cứu mới về Kinh thành Thăng Long qua tư liệu khảo cổ học và lịch sử.

Nhiều năm sau cuộc khai quật di chỉ Hoàng thành, hiện đã có những nhận thức mới về kiến trúc thời Lý tại đây. TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành đã đưa ra bằng chứng về nhiều loại hình kiến trúc tại di chỉ khảo cổ này, trong đó đặc biệt là hệ thống kiến trúc cột dương (cột dựng trên các tảng đá), cột âm xung quanh các hàng hiên.

Đây là phát hiện mới có giá trị, cho thấy từ thời Đại La, kiến trúc cột âm đã được phổ biến, và đến thời Lý thì loại hình kiến trúc này được phát triển lên một tầm mức mới. Phát hiện này được đánh giá khá quan trọng, phản ánh sự phong phú, đa dạng trong quy hoạch đô thị và tính độc đáo của nghệ thuật kiến trúc thời Lý so với các kinh thành châu Á, đồng thời phản ánh tính chất đặc biệt của khu di tích đó là các công trình kiến trúc bát giác và lục giác.

Bằng chứng khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu còn cho thấy, các công trình kiến trúc thời Đại La từng được xây dựng quy mô, kiên cố và có lịch sử phát triển liên tục trong suốt gần 2 thế kỷ. Sự xuất hiện kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi có quy mô lớn và kiên cố cùng những bước tiến trong quy hoạch mặt bằng với sự quy chuẩn về phương vị, thước đo hoặc việc sáng chế ra những loại ngói và phù điêu trang trí trên mái cung điện mang sắc thái độc đáo, riêng biệt của kiến trúc Việt Nam, phản ánh sự cống hiến quan trọng cho nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam dưới Vương triều Lý.

 Tiến sỹ Momoki Shiro, Đại học Quốc gia Osaka (Nhật Bản), chuyên gia lịch sử Việt Nam thời Lý-Trần, cho biết,  kinh đô Thăng Long từ thời Lý đã có nhiều chức năng chính trị-hành chính, quân sự, tôn giáo... Song việc xác định vị trí và quy mô các cung điện, cơ quan hành chính, trung tâm tôn giáo... lại là một việc làm khó. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra những chứng cứ cụ thể  về tính liên tục và riêng biệt của kinh đô Thăng Long trong các giai đoạn Lý, Trần, Lê.