Công bố kết quả điều tra vụ tung tin giả dịch bệnh Ebola tràn vào Việt Nam

ANTĐ - Chiều 14-8, Phòng CSHS - CATP Hà Nội tổ chức thông báo kết quả điều tra vụ đưa tin sai sự thật về dịch Ebola trên mạng internet; Sáng 14-8, Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật Nghĩa vụ quân sự; Tiền hành khách MH370 bốc hơi… là những tin chính trong bản tin.
Bản tin phát thanh ngày 14-8 do báo An ninh Thủ đô sản xuất

Thủ phạm tung tin đồn nhảm về dịch Ebola là cặp vợ chồng
Chiều 14-8, Phòng CSHS - CATP Hà Nội tổ chức thông báo kết quả điều tra vụ đưa tin sai sự thật về dịch Ebola trên mạng internet. Thủ phạm gây ra vụ việc đang gây xôn xao dư luận thời gian qua được xác định là vợ chồng Đỗ Thùy Linh, SN 1985 và Vương Bá Huy, SN 1983, trú tại phố Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa (Hà Nội).
Công bố kết quả điều tra vụ tung tin giả dịch bệnh Ebola tràn vào Việt Nam ảnh 1
Thông tin Ebola vào Việt Nam chỉ là thông tin giả


Trước đó ngày 12-8, một số báo điện tử và trang mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến trên mạng internet lan truyền thông tin: “Việt Nam đã có bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên, đang điều trị tại bệnh viện B.M”. Thông tin này đã gây “sốc”, tạo tâm lý hoang mang trong nhân dân. Trước sự việc trên, lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy - UBND và Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ CATP tập trung điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Cơ quan điều tra đã làm rõ trên thực tế, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Ebola.

Cử nhân đại học có thể được gọi nhập ngũ

Sáng 14-8, Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng trình bày tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình quá rộng, gồm: học sinh, sinh viên đang học tập tại trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân phát triển rất đa dạng, số công dân tham gia học tập ngày càng tăng. Vì thế số người được tạm hoãn gọi nhập ngũ chiếm tỷ lệ lớn, so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt. Công dân tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học vào phục vụ trong quân đội hiện không nhiều. 

Chính vì vậy, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Công dân học đại học được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến sau khi tốt nghiệp, nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công dân đang học tập tại các trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để tiếp tục học tập sau khi hoàn thành nghĩa vụ.

Tiền hành khách MH370 bốc hơi

Phó Giám đốc Cục Điều tra Tội phạm Thương mại Kuala Lumpur, Malaysia Izany Abdul Ghany cho hay số tiền lên tới 111.000 ringgit (34.758 USD) đã bị rút qua các thẻ ATM.

Ngân hàng có liên quan lần đầu phát giác ra sự việc bất thường trên vào ngày 18-7 nhưng mới báo với cảnh sát vào ngày 2-8 sau khi đã tiến hành điều tra nội bộ.

Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích một cách bí ẩn 

Theo luật pháp Malaysia, những hành vị phạm tội như trên sẽ bị phạt 150.000 ringgit hoặc bỏ tù tối đa 10 năm hoặc cả hai hình thức phạt trên.

Phía cảnh sát cũng không loại trừ khả năng nhân viên trong nội bộ ngân hàng đứng đằng sau việc rút tiền này và đang xem xét vụ việc dưới nhiều góc độ. Dữ liệu từ hệ thống camera an ninh của ngân hàng cũng đã được thu thập để tìm ra nghi phạm.

Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích một cách bí ẩn vào ngày 8-3, khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Năm tháng đã trôi qua nhưng số phận 239 người trên máy bay vẫn là dấu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.