Công bố 15 luật mới

ANTĐ - Ngày 18-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước về một số luật, nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua trong kỳ họp thứ 10.

Công bố 15 luật mới ảnh 1Các loại phí, lệ phí sẽ được công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch

Các luật được công bố gồm: Luật An toàn thông tin mạng, Luật Phí và lệ phí, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Kế toán, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Thống kê, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, Luật Thi hành tạm giữ tạm giam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và một số nghị quyết quan trọng.

Nhằm thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017 quy định rõ nguyên tắc xác định mức thu phí. Theo đó, mức thu phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo luật này, các đối tượng thuộc diện miễn giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, người khuyết tật, người có công với cách mạng… Để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong danh mục phí, lệ phí hiện hành được chuyển sang cơ chế giá.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm, trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân góp phần tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ và những điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp và thực hành dân chủ, thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhằm phòng chống nguy cơ mất an toàn thông tin mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng, Luật An toàn thông tin mạng đã được thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2016. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần độc hại, nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, thu thập và sử dụng thông tin cá nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm an toàn thông tin mạng.

Thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính

Nhằm đảm bảo sự ổn định, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật dân sự, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 bổ sung nhiều quy định về bảo vệ, đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực dân sự. Bộ luật quy định, Tòa án không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đặc biệt, BLDS hoàn thiện các quy định về quyền nhân thân của cá nhân, nhất là trong việc công nhận và bảo vệ quyền về họ tên, dân tộc, quốc tịch, hình ảnh, tính mạng, sức khỏe, danh dự, ghi nhận cá nhân được chuyển đổi giới tính theo quy định. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017.

Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) sửa đổi tiếp tục khẳng định tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, đổi mới mô hình TTDS theo hướng kết hợp giữa thủ tục tố tụng thẩm vấn và thủ tục tố tụng tranh tụng. Bộ luật cũng thể chế hóa định hướng cải cách tư pháp về áp dụng thủ tục rút gọn với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, quy định cơ chế, phương thức công nhận hòa giải thành. 

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có những điểm mới cơ bản: Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường; Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình; Hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi.

So với Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) 2003, Bộ luật TTHS 2015 đã hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của TTHS, quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng, đảm bảo quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, quy định chặt chẽ các biện pháp hạn chế quyền con người, chống bức cung, dùng nhục hình…

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều tra, tổ chức bộ máy và bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự… Luật Thi hành tạm giữ tạm giam được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế bất cập, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý giam giữ, phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án nhằm đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam.

Có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017, Bộ luật Tố tụng Hành chính (TTHC)  bổ sung các quy định để cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, việc thi hành án hành chính, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác trong TTHC, thẩm quyền của từng cấp tòa án…