Công an Hà Nội với những 'liệu pháp' mạnh đánh chặn 'tín dụng đen'

ANTD.VN - Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, đặc biệt tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" luôn được Giám đốc Công an thành phố (CATP) Hà Nội quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị trong toàn lực lượng CATP nghiêm túc thực hiện. Kết quả, nhiều loại tội phạm đã giảm một cách rõ rệt, tình hình an ninh trật tự (ANTT) được đảm bảo.

Công an Hà Nội thu giữ hung khí là công cụ các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sử dụng đi xiết nợ bằng "luật rừng"

“Xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma tuý và tệ nạn xã hội, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị nghiệp vụ khác thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 231/KH-CAHN-PV11 (Điều tra cơ bản công tác quản lý về ANTT và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính trên địa bàn Thành phố), nhằm nâng cao hiệu quả công tác của Công an các cấp trong quản lý Nhà nước về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, tạo thế chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng hình thức kinh doanh dịch vụ này để hoạt động vi phạm pháp luật” - Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết.

Biện pháp bài bản, căn cơ

Quá trình tổ chức điều tra cơ bản, thống kê danh sách các cơ sở, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, Công an thành phố Hà Nội đã dựng được bức tranh toàn cảnh về hoạt động tội phạm này, cũng như các khu vực tập trung số lượng lớn các hiệu cầm đồ, kinh doanh tài chính, qua đó đề ra những biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm giải quyết ngay những vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT.

Công an Hà Nội tăng cường kiểm tra các hiệu cầm đồ, nhắc nhở chủ sơ sở không vi phạm pháp luật

Theo số liệu thống kê của Phòng CSHS - CATP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.247 cơ sở cầm đồ, 669 cơ sở kinh doanh tài chính, cùng với đó là gần 600 cá nhân hoạt động cho vay được đưa vào danh sách quản lý. Hầu như tất các các cơ sở, cá nhân nêu trên đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính.

Từ kết quả điều tra cơ bản, Phòng CSHS và các đơn vị của CATP Hà Nội đã kịp thời tổ chức phân công, phân cấp quản lý, tập trung vào các cơ sở kinh doanh, cá nhân, ổ nhóm có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặc đối tượng cầm đầu có nhiều tiền án, tiền sự.

Tổng số cơ sở kinh doanh tài chính đã được mở hồ sơ đưa vào quản lý là 1.695 cơ sở (chiếm 88,4% tổng số cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố). Đối với 221 cơ sở chưa có biểu hiện phức tạp (chiếm 11,6% tổng số cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố), các đơn vị đang quản lý hành chính theo quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với các cơ sở cầm đồ “kinh doanh tài chính” không phép, có biểu hiện hoạt động phức tạp đều được Công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng CSHS các Đồn, Đội, Trạm mở hồ sơ quản lý, và áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý phù hợp.

Đánh trúng nhiều ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen”

Theo đánh giá của chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, “tín dụng đen” về bản chất là hoạt động vay mượn giữa các cá nhân với nhau, không thông qua các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép hoạt động. Sự tồn tại của “tín dụng đen” là bởi, nó cung cấp tài chính nhanh chóng đến người có nhu cầu mà không cần nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, so với các tổ chức tín dụng hợp pháp.

Tuy nhiên, cũng chính vì thủ tục vay mượn đơn giản, không bị ràng buộc về pháp luật, dễ dẫn đến các vụ phạm pháp hình sự như cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, đổ chất bẩn đe dọa, khủng bố tinh thần... và đặc biệt đã xảy ra một số vụ án giết người có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động “tín dụng đen”, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ khi triển khai thực hiện Kế hoạch 231 (tháng 8-2016 đến nay), các đơn vị trong toàn lực lượng CATP Hà Nội đã phát hiện, điều tra khám phá, khởi tố 129 vụ án hình sự, khởi tố điều tra 298 bị can trong đó có 20 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, với 96 đối tượng bị bắt giữ, xử lý (6 vụ giết người, 33 vụ cướp tài sản, 14 vụ cưỡng đoạt tài sản, 10 vụ bắt giữ người trái pháp luật, 30 vụ cố ý gây thương tích, 3 vụ gây rối TTCC, 7 vụ hủy hoại tài sản, 4 vụ tổ chức đánh bạc, 3 vụ cho vay lãi nặng, 1 vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và 18 vụ về các hành vi khác…).

Nhiều băng nhóm tội phạm chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn các quận, huyện Đông Anh, Quốc Oai, Cầu Giấy… do các đối tượng hình sự "nổi" như Hải “bay”, Duyên “lùn”, Tiến “trắng” cầm đầu đã bị CATP Hà Nội xử lý nghiêm.

Hoạt động “tín dụng đen” rất phức tạp và các đối tượng tham gia đều thực hiện hành vi rất manh động, liều lĩnh. Vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra đêm 25-7-2018 là minh chứng rõ nét với hàng chục đối tượng mang theo dao kiếm, đi qua nhiều tuyến phố lớn trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai để tìm nhóm đối tượng khác giải quyết mâu thuẫn trong vay nợ tiền bạc. Trong vụ án này, Phòng CSHS - CATP đã tổ chức điều tra, khởi tố, bắt tạm giam gần 40 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Lời khai của các đối tượng cho thấy, đa phần đều tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải thật sự quan tâm, tâm huyết, đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng; từ khâu rà dựng, phát hiện, đưa ra các biện pháp, đối sách thu thập tài liệu, tổ chức đấu tranh triệt phá đều phải có sự chỉ đạo sát sao của người lãnh đạo. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm, tuyệt đối không dung túng đối với số cán bộ chiến sỹ có hành vi tham gia, bảo kê, móc ngoặc với các đối tượng, ổ nhóm kinh doanh tài chính, làm ngơ cho tội phạm hoạt động.

Thường xuyên, liên tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm “tín dụng đen”, những hậu quả khôn lường của hoạt động tội phạm này bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng; phát huy tối đa ưu thế của các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin nội bộ và vai trò của các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội trong tuyên truyền giáo dục, vận động người dân tham gia, phát hiện tố giác đối với các hoạt động phạm tội.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ với phương châm: “Phòng ngừa phải đi đôi với đấu tranh trấn áp; Công tác nghiệp vụ cơ bản được coi trọng là cơ sở để thực hiện biện pháp phòng ngừa, điều tra khám phá các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

Chủ động trong công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện những băng nhóm tội phạm hoạt động tín dụng đen” mới nhen nhóm, manh nha hình thành để có đối sách, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sát hợp để phòng ngừa, triệt phá hoặc làm tan rã băng nhóm.

Tập trung các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá nhanh các vụ việc liên quan đến các băng nhóm, đối tượng hoạt động kinh doanh “tín dụng đen”, kiên quyết không để hoạt động công khai, lộng hành.

Đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng giữa các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố... Tuyệt đối không để các ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” hoạt động trên nhiều địa bàn mà không được quản lý và tổ chức đấu tranh triệt xóa.

(Thượng tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự)