Công an Hà Nội tập trung cao độ giải quyết ùn tắc trong giờ cao điểm dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô đang nỗ lực gồng mình chống ùn tắc, nhất là những khung giờ cao điểm, phục vụ hoạt động đi lại của nhân dân, phát triển của Thủ đô và cả nước.

Chủ động nhìn nhận nguyên nhân khách quan, Cảnh sát giao thông phối hợp cùng các đơn vị, lực lượng chức năng của CATP Hà Nội xây dựng những kế hoạch, giải pháp để xử lý hiệu quả nhất nguy cơ ùn ứ, ùn tắc giao thông những tháng cuối năm.

Cứ tai nạn là ... “tắc cứng”

Trong những ngày vừa qua, tình hình giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về người và phương tiện. Trong những ngày cuối tuần, mưa gió, hoạt động đi lại của người dân trở nên khó khăn hơn bởi lượng người và phương tiện gia tăng, nhất là phương tiện ô tô hoạt động rất lớn. Đáng chú ý, một số vụ tai nạn giao thông xảy ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Nhiều tuyến đường lâm vào cảnh ùn tắc, nguy cơ về tai nạn, ùn tắc vì thế tiếp tục “chồng” lên nhau.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày cuối tuần cuối tháng 10/2021, tình trạng ùn tắc tại một số tuyến đường thêm gia tăng. Cụ thể, tại tuyến đường vành đai 3 trên cao, vào chiều ngày 30/10, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 4 xe ô tô. Mặc dù không gây thiệt hại về người song vụ tai nạn này đã khiến cho huyết mạch giao thông trên đường vành đai 3 bị ùn tắc nghiêm trọng. Suốt quãng đường từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Mai Dịch, dòng phương tiện bị “đông cứng”. Toàn bộ chiều đường từ Hà Nội sang bên Long Biên đã bị tắc cứng. Quãng chiều dài gần 20km đường vành đai 3 trên cao bị ùn tắc nghiêm trọng.

Chỉ cần một vụ tai nạn giao thông trên đường vành đai 3 trên cao là tuyến đường này dễ dàng bị ùn tắc

Chỉ cần một vụ tai nạn giao thông trên đường vành đai 3 trên cao là tuyến đường này dễ dàng bị ùn tắc

Chỉ sau chừng 2 giờ đồng hồ, tại cầu Vĩnh Tuy cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn. Cũng giống như vụ tai nạn liên hoàn trên đường vành đai 3 trên cao, mặc dù không gây thiệt hại về người song dư chấn của vụ tai nạn cũng khiến cho các phương tiện đi lại trên cầu Vĩnh Tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều phương tiện đi lên đường dẫn trên cầu do không chịu nổi ùn tắc phía trước, đợi chờ quá lâu đã bất chấp nguy hiểm, tai nạn quay đầu xe đi ngược chiều. Thái độ và hành vi vi phạm này của các lái xe trên đã khiến không ít người tham gia giao thông bức xúc.

Nếu như ùn tắc do tai nạn là điều dễ hiểu, thì tại một số tuyến đường trong nội đô, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra. Ghi nhận tại một số tuyến đường như Trường Chinh, dù đã được xây dựng đường vành đai 2 trên cao một số đoạn song ở hai khung giờ cao điểm sáng và chiều, ùn tắc vẫn xảy ra. Tại những tuyến đường khác như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Lê Văn Lương, vành đai 3, ... tình trạng ùn ứ, mật độ phương tiện đông đúc trong các khung giờ cao điểm nhất là xảy ra ùn tắc khi có tai nạn giao thông cũng gây cho không lái xe, người tham gia giao thông mệt mỏi.

Nỗ lực cho "mạch máu" giao thông thông suốt

Hà Nội sau nhiều tháng giãn cách xã hội vì chống dịch Covid-19, hiện đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ và mật độ của người dân, phương tiện khi tham gia giao thông phản ánh sự "ấm lên" về các mặt kinh tế, xã hội. Nếu nhìn ùn ứ giao thông ở góc độ nào đó, thì điều này dễ dàng cảm thông, chia sẻ với lực lượng chức năng. Dẫu vậy, trách nhiệm của những người Cảnh sát giao thông Thủ đô là nỗ lực cố gắng hết mình, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nhất là bình yên của người tham gia giao thông.

Thiếu tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội cho biết: Trong suốt thời gian Hà Nội giãn cách vì Covid-19, lực lượng Cảnh sát giao thông của đơn vị đi tăng cường làm nhiệm vụ kiểm soát phòng, chống dịch tại các chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô. Hết giãn cách, quân số tiếp tục được rút về bổ sung ngay vào những chốt, tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn quận Đống Đa như Láng, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng...

Trong các khung giờ cao điểm, khi thời tiết bất lợi và nhất là trong những ngày qua, cán bộ chiến sỹ của đơn vị ứng trực 100% quân số, nỗ lực phân luồng điều tiết giao thông giúp nhân dân đi lại an toàn.

Ùn tắc trên đường vành đai 3 trên cao khi nhiều vụ TNGT liên hoàn xảy ra

Ùn tắc trên đường vành đai 3 trên cao khi nhiều vụ TNGT liên hoàn xảy ra

Nhìn nhận áp lực giao thông đang dồn lên cầu Thanh Trì, là một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc và tai nạn giao thông, Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội chia sẻ: Mật độ phương tiện đi lại trên cầu Thanh Trì gấp tới gần 10 lần so với công suất thiết kế ban đầu. Toàn bộ tuyến đường vành đai 3 trên cao có ý nghĩa quan trọng về giao thông, tính kết nối giữa Hà Nội và các địa phương lân cận, kết nối vùng. Ngay cả trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này cũng chỉ giảm đôi chút, chứ chưa khi nào “đông cứng”.

Hiện nay, áp lực về giao thông tiếp tục dồn ép trên tuyến đường này nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vận chuyển, đi lại, buôn bán hàng hóa của người dân, doanh nghiệp đang gia tăng, bước vào giai đoạn nước rút.

Tuyến đường vành đai 3 trên cao với thiết kế “đi thẳng” rất ít điểm, lối lên xuống đã khiến cho tình trạng bị mắc kẹt của các phương tiện thêm nặng nề khi không may xảy ra tai nạn. Việc giải tỏa hiện trường đối với những vụ tai nạn này cũng không phải là điều dễ dàng và nhanh chóng, bởi phương tiện giải cứu thường mất khá nhiều thời gian mới tiếp cận được hiện trường.

CSGT nỗ lực phân luồng từ xa, kết nối giữa các trục, tuyến, vùng để giảm ùn ứ, phòng ngừa ùn tắc

CSGT nỗ lực phân luồng từ xa, kết nối giữa các trục, tuyến, vùng để giảm ùn ứ, phòng ngừa ùn tắc

Đối với cầu Thanh Trì, để chống ùn tắc, hiện Đội Cảnh sát giao thông số 14 đang tổ chức phối hợp chặt chẽ với Đội Cảnh sát giao thông số 5 và liên kết với Đội Cảnh sát giao thông số 6, 7, Phòng CSGT - CATP Hà Nội tổ chức điều tiết phương tiện từ xa, liên hoàn. Đặc biệt, tại khu vực hai đầu cầu Thanh Trì, lúc nào cũng có các tổ công tác thường trực, sẵn sàng điều hướng phương tiện đi theo các tuyến đường khác, thay vì dồn ứ lên cầu trong trường hợp tai nạn xảy ra dẫn tới tắc “cứng”.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội đánh giá: Câu chuyện ùn tắc, ùn ứ giao thông dịp cuối năm vẫn là bài toán nan giải đối với giao thông Thủ đô. Theo thông tin dự kiến, hiện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp sửa đưa vào sử dụng, hy vọng góp phần san bớt tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện cá nhân trên đường.

Tuy nhiên, trong điều kiện hạ tầng giao thông công cộng chưa có tính kết nối toàn diện, thuận tiện như hiện nay thì nhu cầu và việc sử dụng phương tiện cá nhân của người dân vẫn rất cao.

Khi phương tiện gia tăng hàng ngày, nhiều tuyến đường đang tiếp tục được rào chắn, thu hẹp vì xây dựng, càng khiến cho độ “nén” về áp lực giao thông đè nặng thêm lên Cảnh sát giao thông và các đơn vị, chức năng khác. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động xây dựng và triển khai phương án chống ùn tắc, đảm bảo các hoạt động giao thông được an toàn, tổng lực huy động lực lượng phân luồng, điều hướng giao thông từ xa, liên kết giao thông giữa các vùng, trục, tuyến xuyên tâm để dàn “mỏng” áp lực dẫn tới ùn ứ giao thông, nhất là giờ cao điểm.