- Khởi tố 13 bị can liên quan đến đốt pháo hoa trên Quốc lộ 1
- Đốt pháo hoa, nhảy múa trên đường quốc lộ, 13 người bị khởi tố | ATV ngày 20/1/2025
- Lên mạng đặt mua pháo nổ mang về quê "chơi" Tết
Những “phòng thí nghiệm” pháo nổ
Liên tiếp trong chiến dịch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm Tết Ất Tỵ 2025, các đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội chặn bắt nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo trái phép.
Công an quận Hà Đông vừa bắt giữ 2 đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ là: Nguyễn Xuân Trung sinh năm 2002, trú ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Nguyễn Đình Long sinh năm 2001, trú tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Tại cơ quan Công an, Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Đình Long đã nhận thức được hành vi vi phạm, đồng thời khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tháng 3/2024, qua tìm hiểu trên mạng xã hội, Nguyễn Xuân Trung nhận thấy nhiều người có nhu cầu mua pháo nổ. Trung đã lên mạng Internet tìm hiểu về cách thức chế tạo pháo nổ, sau đó tìm cách mua thuốc pháo, các chất bột hóa học và giấy để quấn pháo. Sau khi có các nguyên liệu, Trung trộn lẫn rồi mang đốt thử.
Sau vài lần “thí nghiệm” thành công, Trung bắt đầu việc sản xuất pháo. Để phục vụ việc quảng cáo và bán pháo cho khách, Trung lập trang Facebook cá nhân “Chuyên làm tràng cối hoa” và tài khoản Zalo “Chuyên làm tràng cối hoa”.
Liên tiếp những ngày qua, Công an Hà Nội bắt giữ các vụ buôn bán pháo trái phép |
Khoảng tháng 4/2024, Nguyễn Đình Long sử dụng tài khoản Zalo để trao đổi việc mua bán pháo với Trung, khi có khách hàng đặt mua pháo thì sẽ báo cho Trung để sản xuất. Tiếp đó, Long lập tài khoản Facebook “Cối Bình Đà”, đăng quảng cáo bán pháo nổ để tìm khách mua pháo. Qua kênh này, Long được một khách hàng nhắn tin đặt mua 5 dây pháo nổ, mỗi dây dài 2 mét với giá 11,5 triệu đồng. Trong khi thuê “xe ôm” công nghệ để vận chuyển pháo đi giao cho khách thì bị bắt giữ.
Trước đó, Công an huyện Gia Lâm mật phục, bắt quả tang hai vụ vận chuyển trái phép pháo nổ, bắt hai đối tượng, thu giữ gần 50kg pháo nổ.
Nhiều đối tượng tự sản xuất pháo tại nhà |
Ngay những ngày đầu năm mới 2025, Công an huyện Gia Lâm cũng đã bắt quả tang đối tượng Triệu Thành Công, trú tại tỉnh Hòa Bình, có hành vi vận chuyển 56 kg pháo nổ. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Công, cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ thêm 38 kg pháo nổ. Theo tài liệu điều tra, đối tượng Công còn có hành vi sản xuất pháo nổ để bán kiếm lời.
Theo Thiếu tá Phạm Thế Chương, Phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Gia Lâm, đối tượng Công khai nhận, pháo sản xuất ra sẽ bán theo cân, mỗi cân khoảng 500 nghìn đồng. Loại pháo sản xuất tự chế, lượng thuốc pháo nhồi vào rất lớn, sẽ gây tiếng nổ to; quy trình sản xuất không có quy chuẩn an toàn nên rất dễ cháy nổ.
Phát hiện từ sớm, từ xa
Theo cơ quan chức năng, càng gần đến Tết Nguyên đán, tình hình vi phạm pháp luật về pháo có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng chia nhỏ pháo lậu để vận chuyển qua nhiều người hoặc phương tiện khác nhau nhằm tránh bị phát hiện. Một số cá nhân tự chế pháo ở các khu vực xa khu dân cư, nhà riêng hoặc nơi vắng người, từ các vật liệu dễ mua trên thị trường, sau đó rao bán qua mạng xã hội hoặc bán trực tiếp.
Lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa để ngăn chặn hiệu quả các đối tượng mua bán pháo nổ. Trong đó, nhắm vào các đối tượng hoạt động ở các đường dây, ổ nhóm buôn bán trái phép các loại pháo, thuốc pháo; các đối tượng đã có tiền án, tiền sự về hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo.
Tết nguyên đán đang đến gần, Công an thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về pháo. Nhưng quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, không mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo, góp phần cùng lực lượng công an đảm bảo ANTT, bảo vệ Tết nguyên đán vui tươi và đầm ấm.
Công an thành phố Hà Nội lưu ý người dân, khi phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mỗi người hãy báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc gọi điện tới đường dây nóng của Công an Thành phố qua số điện thoại 113 để xử lý kịp thời theo pháp luật.
Phân biệt rõ pháo hoa (được phép sử dụng) và pháo hoa nổ (không được phép sử dụng)
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (Theo điểm b, khoản 1, điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (Theo điểm a, khoản 1, điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
Khi có nhu cầu mua pháo hoa phải mua tại các điểm bán được cơ quan Nhà nước cấp phép; Nghiêm cấm các hoạt động mua đi, bán lại sản phẩm pháo hoa khi chưa được cấp phép theo quy định.