Công an Hà Nội phát huy hiệu quả các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật

ANTD.VN - Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là quan trọng, cần thiết, là một trong những biện pháp phòng ngừa xã hội rất hiệu quả, nhằm nâng cao ý thức “thượng tôn pháp luật”, khơi dậy trách nhiệm công dân, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong nhân dân, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống.

Việc thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật của Công an Thủ đô luôn bám sát nhiệm vụ chính trị gắn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với việc thực hiện các phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc, các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,“Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”.

Công an Hà Nội tuyên truyền tác hại về ma túy; quy định cơ bản của Luật giao thông đường bộ đến các em học sinh

Hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm, Công an Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, bền vững trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của CBCS, với khẩu hiệu:“Lực lượng Công an Thủ đô tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;“Tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô”...

Công an Thành phố cũng tập trung tuyên truyền, phổ biến các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; chú trọng giáo dục ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật; ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Tổ quốc gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tác động của chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự; quyền, nghĩa vũ cơ bản của công dân; nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc mới có hiệu lực liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND và chủ trương, quan điểm, chính sách của các dự thảo văn bản pháp luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; nội dung chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, cụ thể về một số lĩnh vực trọng tâm: bảo vệ an ninh quốc gia; xử lý vi phạm hành chính; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý cư trú, căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trật tự an toàn giao thông; phòng, chống mua bán người, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; hình sự; tố tụng hình sự; thi hành án hình sự; tạm giữ, tạm giam; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm.

Chi hội Luật gia Công an Thành phố phối hợp với các Chi hội trực thuộc hội Luật gia Thành phố: Viện kiểm sát – Tòa án – Sở Tư pháp – Đoàn Luật sư – Văn phòng hội Luật gia tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động cho cán bộ, nhân dân một số xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên

Tuyên truyền, phổ biến về kết quả công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; chủ trương, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; hỗ trợ khởi nghiệp; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; những nội dung của các hiệp định về phòng, chống tội phạm, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án, tương trợ tư pháp về hình sự và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến người dân, doanh nghiệp… Tăng cường phổ biến thực tiễn thi hành, áp dụng pháp luật, gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Thực tiễn triển khai đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo có               hiệu quả. Đơn cử như Công an Thành phố tham mưu cho UBND Thành phố ký Kế hoạch phối hợp của UBND Thành phố Hà Nội với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh, trật tự cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2018; và Quy chế phối hợp giữa Công an thành phố với Sở GD&ĐT, về đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố...

Theo thống kê hiện nay, thành phố Hà Nội có trên 800.000 sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng; có trên 1.262.008 học sinh đang theo học tại 1.568 trường THPT, THCS, Tiểu học. Thông qua môn học giáo dục công dân, sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như giải bóng đá học sinh Trung học phổ thông Hà Nội do Báo An ninh Thủ đô tổ chức, các hoạt động mít tinh kỷ niệm, tranh cổ động, panô, áp phích... đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia bài trừ các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh-trật tự học đường.

Hay như Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì tuyên truyền trên 14 màn hình LED và 01 Tivi tại trụ sở 14 đơn vị; lắp loa tuyên truyền tại 55 nút giao thông trọng điểm trong Thành phố (trong đó có 45 cụm loa tuyên truyền đường bộ; 10 cụm loa tuyên truyền đường sắt), phát tất cả các ngày trong tuần. Xây dựng các bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Tổ chức tuyên truyền vận động các tổ dân phố, các gia đình, các hộ kinh doanh, cá nhân không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là hành lang vỉa hè và chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Mỗi phương pháp, cách làm của từng đơn vị thuộc Công an thành phố đã giúp nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn Thủ đô.