- Không còn 'cò mồi, chèo kéo khách' tại lễ hội chùa Hương
- Đề phòng tội phạm trộm cắp, cướp giật tại lễ hội
Nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự
Những ngày đầu năm mới là thời điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, trong đó phải kể đến các địa điểm như phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, gò Đống Đa, chùa Hà… Để phục vụ tốt nhu cầu này, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) từ trước Tết Nguyên đán.
![]() |
Lực lượng chức năng đảm bảo ANTT ở đền Quán Thánh |
Tại phủ Tây Hồ, ngay từ trước Tết, đặc biệt là từ đêm giao thừa đến nay, lực lượng chức năng phường Quảng An (quận Tây Hồ) đã bố trí nhân lực, chốt trực sẵn sàng làm nhiệm vụ, xử lý các tình huống phát sinh về ANTT. Nắm và dự báo trước tình hình, CAP Quảng An và CAQ Tây Hồ đã chủ động phối hợp cùng Ban Quản lý phủ Tây Hồ tăng cường các biện pháp an ninh, trọng tâm là bảo đảm phân luồng giao thông từ xa, tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản, không tạo sơ hở cho kẻ gian có cơ hội phạm tội. Người dân hành lễ tại phủ Tây Hồ luôn có cảm giác yên tâm, an toàn khi ở khu vực nào cũng có màu áo xanh của các cán bộ, chiến sĩ công an. Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Trần Mạnh Hùng - Phó trưởng CAP Quảng An cho biết: “Chúng tôi đã đảm bảo ANTT, an toàn tuyệt đối khu vực bên trong cũng như ngoài phủ Tây Hồ, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn giao thông. Năm nay mọi người đi lễ rất thông thoáng, an toàn, thuận lợi, giảm tối đa ùn tắc”.
Bên trong phủ Tây Hồ, khu vực nội tự lúc nào cũng chật cứng người dân đi lễ. Những khu vực như thế này có thể là nơi tội phạm trộm cắp, móc túi trà trộn hành nghề. Do đó, lực lượng công an đã tăng cường các biện pháp giám sát. Ban Quản lý phủ Tây Hồ cũng lắp đặt hàng chục camera ở các điểm đông người và triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ANTT. Từ đầu năm mới đến nay, phủ Tây Hồ không ghi nhận trường hợp người dân trình báo bị mất trộm tài sản.
Cảnh giác với “đạo chích” đội lốt du khách
Chỉ huy CAQ Ba Đình cho biết, đầu năm là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo du khách thập phương. Tuy nhiên, tại nhiều đền, chùa, hòm công đức chưa được bảo vệ an toàn, cửa ra vào không chắc chắn, tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng gây án. Cùng với đó, lợi dụng lễ hội tập trung đông người, các nhóm “đạo chích” dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật, móc túi, cờ bạc bịp... thậm chí một số đối tượng còn lợi dụng hoạt động văn hóa, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Những ngày đầu năm, lượng du khách thập phương du xuân đến đền Quán Thánh hành lễ rất đông. Trung tá Nguyễn Quốc Huy - Trưởng CAP Quán Thánh cho biết: “Các đối tượng tội phạm hay xuất hiện trong các lễ hội thường là cướp giật (dây chuyền, túi xách, điện thoại) và trộm cắp tài sản (móc túi, trộm xe máy). Chúng thường đi theo nhóm, giả làm người đến tham gia lễ hội, có khi dẫn theo cả trẻ em và người già và lợi dụng tình trạng đông đúc, chen lấn, xô đẩy để ra tay. Để đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự an toàn giao thông, CAP Quán Thánh thường xuyên triển khai các tổ tuần tra lưu động, chốt trực”.
![]() |
CAH Mỹ Đức tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm tại khu vực suối Yến, chùa Hương |
Trong khi đó tại lễ hội chùa Hương lượng du khách lên tới hàng vạn người, công tác đảm bảo ANTT đã được CAH Mỹ Đức chuẩn bị từ sớm. Năm nay, du khách không còn bị làm phiền bởi đội ngũ “cò” đeo bám. Tất cả các lái đò đều được quản lý bằng mã QR, vé thắng cảnh và vé đi đò được tích hợp chung. Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang - Phó Trưởng CAH Mỹ Đức cho biết: “Công an huyện phối hợp các lực lượng chức năng tuần lưu dọc suối Yến để tuyên truyền nhắc nhở lái đò thực hiện đúng quy định. Chúng tôi cũng chủ động tuyên truyền, tập huấn cho người dân, chủ khách sạn, nhà hàng để không diễn ra tình trạng chặt chém, chèo kéo khách”.
![]() |
Người dân du xuân trong yên vui |
Bên cạnh đó, CAH Mỹ Đức huy động cán bộ, chiến sỹ và lực lượng cơ sở thành lập các chốt từ ngã tư Tế Tiêu đến di tích Hương Sơn nhằm đảm bảo ANTT và an toàn giao thông. Tuyến ngoài có tổ công tác từ ngã tư Đục Khê làm nhiệm vụ phân luồng; tổ công tác khu vực Đền Trình chống trộm cắp, móc túi. Tuyến trong từ núi Đổi Chèo vào đến động Hương Tích có 4 tổ công tác trực 24/24h và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Cùng với đó, CATP Hà Nội cũng huy động cán bộ, chiến sỹ phối hợp với CAH Mỹ Đức đảm bảo ANTT khu vực lễ hội. “Du khách đến với chùa Hương sẽ gửi xe tại 4 bãi trông giữ xe vòng ngoài và di chuyển bằng xe điện hoặc đi vào khu vực trung tâm suối Yến, đây cũng là điểm mới nổi bật của lễ hội chùa Hương 2025. Trên các tuyến đường, chúng tôi bố trí lực lượng ở các chốt, điểm phân luồng giao thông để không xảy ra ùn tắc” - Trung tá Nguyễn Anh Tú, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông trật tự - CAH Mỹ Đức chia sẻ thêm.
Cũng tại khu vực chùa Hương, nhiều năm trở lại đây, các gian hàng kinh doanh đều lùi sâu vào trong, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt tươi sống để quảng cáo, gây phản cảm. Ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương cho biết, đến nay lễ hội vẫn tuyệt đối an toàn. Trước các điểm di tích như đền Trình, chùa Thiên Trù, chùa Long Vân, chùa Bảo Đài… đều có người nhắc nhở du khách không xả rác bừa bãi, thực hiện quy định phòng chống dịch bệnh.