Hoạt động “bốc họ”, “rải họ” và những biến tướng “tín dụng đen” (1):

Công an Hà Nội đấu tranh, trấn áp mạnh tội phạm "tín dụng đen"

ANTD.VN - Len lỏi vào từng ngôi nhà thông qua những tờ rơi quảng cáo, mời chào qua điện thoại, thậm chí có chủ cho vay còn đưa tiền tận tay “mời” người dân vay... Cho vay tài chính ngày càng nhiều với diễn biến khó lường, dù lực lượng công an từ cấp cơ sở đến CATP Hà Nội đã có nhiều biện pháp quyết liệt. 

Bóc gỡ tờ rơi “quảng cáo” hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn

Thực tế hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh tài chính đã giảm đáng kể, nhưng chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, Cơ quan Thường trực thực hiện Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP nhận định, các cơ sở kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động phức tạp và ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Kiểm soát chặt các cơ sở kinh doanh tài chính

Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố đã dần được kiểm soát, đi vào khuôn khổ. Hoạt động vay, cho vay tại các cửa hàng kinh doanh tài chính đã được các cơ quan chức năng và các đơn vị địa phương thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất, không để hình thành những tụ điểm, địa điểm phức tạp về cầm đồ, hoặc kinh doanh các lĩnh vực khác liên quan đến tài chính. Nếu như thời gian trước, các vụ đổ chất bẩn xảy ra thường xuyên, thậm chí với tần suất cao thì hiện nay các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh tài chính đã giảm đáng kể.

Đối với các cơ sở kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động phức tạp, Công an các quận, huyện, thị xã đã giao cho Đội CSHS phân công trinh sát quản lý, theo dõi, nắm tình hình và đề xuất những phương án, biện pháp để chấn chỉnh, đồng thời tổ chức thu thập tài liệu về các biểu hiện hoạt động, tiếp xúc với những người đến giao dịch như “bốc họ”, “rải họ”, cầm đồ, phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật để tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm trước pháp luật.

“Nếu như những năm trước, hoạt động kinh doanh tài chính, đòi nợ thuê dẫn đến các vụ án nghiêm trọng thường xảy ra ở các quận nội thành thì trong thời gian vừa qua, hoạt động này còn có xu hướng xảy ra tại các huyện ngoại thành. Có vụ các đối tượng đòi nợ hoặc mâu thuẫn tranh giành địa bàn hoạt động kinh doanh tài chính dẫn đến  trọng án”.

Thượng tá Nguyễn Bình Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội 

“Nếu như những năm trước, hoạt động kinh doanh tài chính, đòi nợ thuê dẫn đến các vụ án nghiêm trọng thường xảy ra ở các quận nội thành thì trong thời gian vừa qua, hoạt động “tín dụng đen” dẫn đến trọng án còn có xu hướng xảy ra tại các huyện ngoại thành. Có vụ các đối tượng đòi nợ hoặc mâu thuẫn tranh giành địa bàn hoạt động kinh doanh tài chính dẫn đến các vụ trọng án” - chỉ huy Phòng CSHS thông tin. 

Điển hình, trong những ngày đầu năm 2018 đã xảy ra 3 vụ trọng án, thì có 2 vụ liên quan đến các đối tượng cầm đồ, trong đó có một vụ giết người xảy ra ngày 25-3, trên địa bàn huyện Phúc Thọ và một vụ cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người xảy ra ngày 23-3 trên địa bàn huyện Thạch Thất. 

Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng các đối tượng hoạt động kinh doanh tài chính trên nhiều địa bàn liên kết với nhau. Khi xảy ra mâu thuẫn, các đối tượng tụ tập rất nhanh mang theo hung khí như dao, kiếm tổ chức đánh nhau gây mất ANTT trên các địa bàn. Điển hình như các vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra đêm 25-7 trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai.

Một số đối tượng có hành vi phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen” bị lực lượng Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ

Triệt phá 12 ổ nhóm tội phạm, bắt 48 đối tượng

Theo Thượng tá Nguyễn Bình, quá trình quản lý, đấu tranh với các cơ sở, cá nhân kinh doanh tài chính dưới hình thức “tín dụng đen”, các đơn vị trong CATP đã kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới trong lĩnh vực này và chủ động tham mưu với lãnh đạo cấp trên, đề xuất các biện pháp, giải pháp sát thực tế, nên đã đấu tranh, triệt phá được nhiều ổ nhóm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, đã phát hiện, triệt phá được 12 ổ nhóm tội phạm, bắt 48 đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh tài chính hoạt động phạm tội.

Hầu hết các đơn vị đã trao đổi thông tin trong quá trình điều tra cơ bản, rà soát, thống kê, lên danh sách đầy đủ các cơ sở, cá nhân hoạt động kinh doanh tài chính không phép trên địa bàn. Một số đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đối sách cụ thể như tổ chức kiểm tra, thu hồi giấy phép các cơ sở kinh doanh không phép. 

Qua rà soát của Phòng CSHS cho thấy, số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính và các cá nhân hoạt động “rải họ”, “bốc họ”... trên địa bàn thành phố hiện nay không hề nhỏ. Trong khi đó, lực lượng công an cơ sở còn phải giải quyết nhiều công việc khác, nên chưa bố trí đủ lực lượng và thời gian để chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các cơ sở kinh doanh, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là số đối tượng “anh chị” đứng sau các ổ nhóm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

“Các đối tượng hoạt động không có địa bàn cụ thể, chỉ khi gây ra một số vụ án nghiêm trọng, bị lực lượng CSHS điều tra làm rõ, bắt giữ xử lý thì mới xác định được các nhóm đối tượng này” - chỉ huy Phòng CSHS nhìn nhận.

Một khó khăn khác của lực lượng công an khi đấu tranh với các đối tượng kinh doanh tài chính, cầm đồ là chưa có chế tài cụ thể để xử lý các đối tượng hoạt động trong các ổ nhóm kinh doanh tài chính. Trong khi đó, kinh doanh tài chính lại chưa được quản lý như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và chính vì vậy công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đối tượng dạng này gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc phát hiện các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” do các ổ nhóm tội phạm gây ra cũng gặp nhiều khó khăn, do ban đầu các bên có sự thỏa thuận dân sự tự nguyện. Khi người vay không có khả năng chi trả và bị các đối tượng bắt giữ, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, đổ chất bẩn, chất thải... cũng không dám trình báo vì bị các đối tượng đe dọa, khống chế. 

(Còn nữa)

Tránh sập bẫy “tín dụng đen”

“Khó khăn hiện nay của lực lượng công an là các cơ sở cầm đồ không phép thường rơi vào những cửa hàng kinh doanh nhiều ngành nghề, treo biển hoặc không treo biển cầm đồ, gây khó khăn cho công tác quản lý của lực lượng công an.

Cùng với đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh tài chính của các đối tượng lưu động còn gặp nhiều khó khăn vì các đối tượng không có địa điểm cố định. Việc xác định người cho vay thường dựa trên các thông tin số điện thoại dán ở các địa điểm công cộng như cột điện, bến xe hoặc thông tin trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook... Vì vậy, việc xác định đối tượng cho vay, “tay chân” đi “rải họ” gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với Công an cấp cơ sở.

Dự báo từ nay đến cuối năm, tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” còn nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, CAQ Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP Hà Nội, sử dụng đồng bộ giải pháp, biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Thực tế trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhóm người vay của các đối tượng cho vay nặng lãi thường là thanh thiếu niên sống dựa vào gia đình, vay tiền ăn chơi, không có khả năng chi trả dẫn tới lãi mẹ đẻ lãi con thành món nợ khổng lồ thì mới cầu cứu gia đình trả nợ hộ. Vì thế, chúng tôi cũng đã tuyên truyền để các gia đình quản lý con em mình chặt chẽ, tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”.

Trung tá Tống Đăng Công (Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Hoàn Kiếm)