Công an Hà Nội: Chống hàng giả, hàng lậu, chặn "mầm họa" cho cộng đồng

ANTD.VN - Cận Tết, tình trạng gian lận thương mại, tàng trữ, mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng giả ngày càng “nóng”. Đây cũng chính là thời điểm mà các lực lượng Công an Hà Nội cùng các đơn vị chức năng bước vào “cuộc chiến” hết sức gian nan, vất vả. 

Công an Hà Nội: Chống hàng giả, hàng lậu, chặn "mầm họa" cho cộng đồng ảnh 1

Lực lượng Công an Hà Nội phát hiện, xử lý vụ sản xuất hàng giả

“Bám đường đánh án”

Mới đây, CAH Gia Lâm phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế, CATP Hà Nội đã bắt gọn một dây chuyền làm hàng giả quy mô lớn với 3.000 lọ sa tế thành phẩm bị thu giữ. Xưởng sản xuất nằm ở vùng ven Hà Nội (thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm). Chủ cơ sở sản xuất “bê” nhãn hiệu sa tế Thuận Phát đang có chỗ đứng nhất định trên thị trường về... xưởng nhà mình. Tất nhiên chỉ là vỏ ngoài nhãn mác, còn bên trong thế nào, thì chỉ có đối tượng làm hàng giả biết.

Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị 

Từ những manh mối đơn lẻ trên thị trường, từ phản ánh của người dân, lực lượng Cảnh sát Kinh tế, CAH Gia Lâm cùng phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội đã lập tức vào cuộc. Dò tìm qua các đại lý, xác minh được đầu mối giao hàng, và cuối cùng lần được ra nơi sản xuất. Mỗi công đoạn ấy, không thể đo đếm hết được những vất vả của cán bộ trinh sát. Nhưng cuối cùng lực lượng chức năng đã chặn được “mầm họa” cho sức khỏe cộng đồng.

Từ trung tuần tháng 12-2018 đến nay, 613 vụ - 627 đối tượng vi phạm, phạm tội đã bị lực lượng Cảnh sát Kinh tế, CATP Hà Nội phát hiện, xử lý. 

“Bám đường đánh án” là hình ảnh mà nhiều trinh sát thuộc lực lượng Cảnh sát Kinh tế, CATP Hà Nội chia sẻ với chúng tôi. Và càng những ngày cuối năm, cận Tết, những ngày bám đường, những chuyến công tác xa nhà của lính trinh sát càng nhiều hơn. Cũng như tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm vi phạm về kinh tế không bao giờ giữ nguyên thủ đoạn, phương thức.

Tính chất mặt hàng, tính chất phạm tội càng nghiêm trọng thì thủ đoạn đối phó càng cao. Pháo là một trong những mặt hàng như vậy. Chỉ vài cuộc điện thoại đặt hàng, làm giá, rồi thuê dịch vụ vận chuyển bằng xe máy hoặc taxi công nghệ, đối tượng phạm tội ung dung kiếm tiền mà rất khó bị phát hiện. Tuy nhiên, với sự quyết liệt vào cuộc của các lực lượng chức năng CATP Hà Nội, ít nhất 2/8 số án mới bị khởi tố trong đợt cao điểm tấn công tội phạm, liên quan đến vận chuyển, mua bán pháo. 

Nhiều đối tượng vận chuyển, mua bán pháo đã bị xử lý

Vạch rõ tuyến, địa bàn trọng điểm để tập trung đấu tranh

Kiên quyết không để hình thành các “điểm nóng”, đường dây, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn trên địa bàn Thủ đô; đây là một trong những yêu cầu quan trọng mà Ban Giám đốc CATP xác định rõ đối với các đơn vị, địa bàn.

Song song với công tác phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, Công an Hà Nội chú trọng biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ công tác điều tra cơ bản tập trung vào các đối tượng, tuyến, địa bàn trọng điểm. Đó là ổ nhóm, đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả; các cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa kinh doanh hàng xuất khẩu để gian lận thương mại. 

Cận cảnh một dây chuyền sản xuất hàng giả bị phát hiện 

Đối với công tác xác định địa bàn, tuyến, tụ điểm, Công an Hà Nội phân loại rõ địa bàn nội thành, ngoại thành, tính chất đặc thù từng địa bàn, để có kế hoạch nắm bắt, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sự lành mạnh của thị trường. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 gần 2 tháng, toàn bộ các tuyến hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt, quốc lộ huyết mạch, đều đã được Công an Hà Nội lập dựng, lên phương án phòng ngừa đấu tranh.

Càng những ngày cuối năm, cận Tết, những buổi bám đường, những chuyến công tác xa nhà của lính trinh sát càng nhiều hơn. Cũng như tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm vi phạm về kinh tế không bao giờ giữ nguyên thủ đoạn, phương thức. Tính chất mặt hàng, tính chất phạm tội càng nghiêm trọng thì thủ đoạn đối phó càng cao.

Cao điểm bảo vệ Tết trên mặt trận đấu tranh chống gian lận thương mại nói riêng, Công an Hà Nội chủ trương nhất quán, vừa chủ công, vừa tham mưu, “kéo” được sự vào cuộc của các ngành, chính quyền cơ sở. Đặc biệt thông qua công tác đấu tranh, phát hiện những sơ hở, thiếu sót về quản lý, từ đó chủ động tham mưu, kiến nghị các ngành các cấp để làm tốt công tác phòng ngừa.

Một nguyên tắc không đổi là địa bàn nào để xảy ra các vụ việc phức tạp, để tồn tại các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động công khai, trong thời gian dài mà không bị phát hiện, thì thủ trưởng đơn vị, cả cán bộ theo dõi, quản lý địa bàn, phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP Hà Nội. 

Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương vùng biên và nội địa

“Thực tiễn công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng cấm, gian  lận thương mại ở nhiều địa bàn lâu nay mới làm ở phần “ngọn”; có nghĩa, nhiều hiện tượng, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khi đã về đến địa bàn trung chuyển, hoặc về nơi tập kết, mới bị phát hiện, xử lý. Trong khi thực tế hàng ngày, hàng tháng, đặc biệt dịp cao điểm cuối năm, áp Tết, khó có thể thống kê đủ có bao nhiêu chuyến hàng, bao nhiêu mặt hàng vi phạm, gian lận, trà trộn từ các tỉnh biên giới về xuôi. 

Một địa bàn thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi gian lận thương mại không có nghĩa tất cả các địa bàn nội địa đều làm tốt, bởi hiển nhiên là hàng lậu, hàng cấm, hàng giả luôn hàng ngày hàng giờ tìm cách “về xuôi”. Điều này đòi hỏi, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại phải có sự phối kết hợp, thông tin thường xuyên, chặt chẽ giữa các tỉnh vùng biên và nội địa, giữa các tuyến đường được xác định “nóng” hàng lậu, gian lận thương mại. Vấn đề này không hoàn toàn mới, nhưng quan trọng là cần có sự đánh giá thực chất công tác triển khai thực hiện giữa các địa phương. Công tác phối hợp làm sao đừng để chỉ có hiệu lực... trên giấy”. 

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn (Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, CAQ Long Biên, Hà Nội)

Tăng cường kiểm tra trung tâm thương mại, chợ truyền thống

“Từ trung tuần tháng 12-2018, Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Một trong những yêu cầu quan trọng mà Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội xác định với các sở, ngành chức năng, các địa bàn, đó là công tác kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm; và mọi hành vi vi phạm của đối tượng đều phải được phát hiện, ngặn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.

Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã  tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các điểm kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về thương mại, phối hợp với ban quản lý các chợ truyền thống tuyên truyền, vận động các chủ kinh doanh, tiểu thương tăng cường văn minh thương mại, chú trọng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi cho rằng, nếu Ban chỉ đạo 389 cấp quận quán triệt và thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng lậu... sẽ giảm nhiều trước dịp Tết”.  

Ông Nguyễn Công San (Phó trưởng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội)

Ngăn ngừa hàng lậu, hàng giả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

“Đồn Công an Bắc Đuống phụ trách an ninh trật tự 7 xã của huyện Gia Lâm, trong đó có những địa bàn tiềm ẩn về hàng cấm, hàng lậu, như Ninh Hiệp, Đình Xuyên, đặc biệt trong đó, xã Ninh Hiệp với các chợ, trung tâm thương mại có quy mô phát triển thương mại lớn nhất nhì miền Bắc. Có thể thấy rằng, một vài năm trở lại đây, hiện tượng gian lận thương mại, buôn lậu ở Ninh Hiệp và khu vực giáp ranh đã giảm nhiều về tính chất phức tạp. Hàng hóa từ các tỉnh biên giới về nhiều, nhưng hầu như không còn những tụ điểm, điểm tập kết hàng lậu. Số lượng doanh nghiệp, công ty tăng nhiều so với trước kia, minh chứng cho nhận thức của các hộ kinh doanh đã chuyển biến rõ rệt: phát triển về quy mô, và sự “sòng phẳng” trong hoạt động kinh doanh. 

Tôi cho rằng, sự chuyển biến này được tạo bởi từ 2 yếu tố. Thứ nhất, là công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên của các lực lượng chức năng. Thứ hai, là riêng với Ninh Hiệp, sau nhiều năm, đã có được khu công nghiệp Ninh Hiệp quy tụ, tập trung hầu hết các công ty, tập đoàn. Công tác quản lý chặt chẽ hơn, cộng với hạ tầng tốt đã giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Lực lượng Công an có thêm nhiều thời gian chuyên tâm đảm bảo an ninh trật tự phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay vì tập trung “mặt trận” chống hàng lậu, hàng giả như trước”.

Trung tá Nguyễn Thanh Hải (Trưởng đồn Công an Bắc Đuống, huyện Gia Lâm, Hà Nội)