"Con voi chui lọt lỗ kim"

ANTD.VN - Quan lộ “thần tốc”, bổ nhiệm bất thường, bố đặc cách cho con… là lời miêu tả về những vụ tuyển dụng, bổ nhiệm gây xôn xao dư luận thời gian qua. 

Những chuyện khó tưởng tượng này thật lạ kỳ theo một cách nào đó lại diễn ra bất chấp những quy trình tưởng chừng vô cùng chặt chẽ thông qua nhiều cấp xét duyệt. Điều đáng nói là những vụ tuyển dụng như vậy lại diễn ra quá phổ biến khiến cho người dân ngao ngán.

Từ một nhân viên thường, chỉ trong thời gian rất ngắn, bà Trần Vũ Quỳnh Anh đã được Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng và liên tiếp bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại sở này. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2010-2015, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức phó phòng rồi trưởng phòng khi chưa đủ các tiêu chuẩn, không đúng quy định. Nếu không dính những lùm xùm, đường thăng tiến của bà Quỳnh Anh có lẽ cũng chưa dừng lại bởi vị trưởng phòng này còn nằm trong quy hoạch chức danh lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. 

Khi vụ việc liên quan tới bà Trần Vũ Quỳnh Anh chưa lắng xuống thì câu chuyện một lái xe trở thành Phó viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học tại một đơn vị thuộc Bộ Xây dựng lại khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi. Như một phản ứng dây chuyền, ngay sau đó từ việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 44/46 trường hợp làm lãnh đạo, cơ quan chức năng lại bất ngờ phát hiện việc Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Phạm Văn Tỏ đã ký quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp phòng cho con trai là ông Phạm Văn Kháng mà không qua thi tuyển công chức.

Thông thường việc bổ nhiệm phải trải qua đầy đủ các quy trình, trước hết người được dự kiến bổ nhiệm phải nằm trong quy hoạch, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, tập thể lãnh đạo cơ quan phải đề xuất phương án nhân sự, thảo luận lựa chọn nhân sự trên cơ sở nhận xét, đánh giá tín nhiệm của công chức, viên chức… Có thể nói, đây là những bước đi được quy định hết sức cụ thể và chặt chẽ, giúp chọn ra những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất. 

Vậy nhưng những sự việc chẳng khác nào “con voi chui lọt lỗ kim” nêu trên đã phớt lờ những quy trình chặt chẽ. Thông tin giải trình từ phía các cơ quan đến thời điểm này vẫn chưa đủ thỏa mãn yêu cầu được biết của nhân dân. Đó là có hay không những tiêu cực sau những vụ việc này, mức độ tiêu cực tới đâu? Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát đã thực sự công khai, minh bạch? Ngoài việc bố bổ nhiệm con thì có hay không người “chống lưng” giúp những nhân viên bình thường có thể được bổ nhiệm vào những chức danh lãnh đạo với những sai sót có tính hệ thống?

Các cơ quan chức năng cần trả lời một cách rõ ràng, minh mạch, không giấu giếm. Đây cũng là việc làm cần thiết để tránh lặp lại cách thức tuyển dụng, bổ nhiệm có nhiều sai phạm như những trường hợp nêu trên. 

Lâu nay, người ta vẫn thắc mắc vì sao những người tài thích làm việc ở nước ngoài hay những môi trường doanh nghiệp năng động thay vì lựa chọn làm việc trong các cơ quan Nhà nước dù có nhiều chính sách được xem là “trải thảm đỏ”. Và cách thức tuyển dụng bổ nhiệm lạ lùng trong những trường hợp nêu trên phần nào đã trả lời cho những thắc mắc này.

Qua những sự việc nêu trên cho thấy, việc áp dụng, thực hiện cơ chế cạnh tranh thi tuyển công khai, minh bạch với các tiêu chí, chuẩn mực rõ ràng đối với mỗi vị trí công chức, đặc biệt là việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo là hết sức cần thiết.