"Con tàu" Thủy Tạ bên hồ Gươm

ANTD.VN - Đứng bên bờ phía Đông của hồ Gươm nhìn nhà hàng Thủy Tạ giống như một con tàu. Những ngày mặt hồ có sóng lớn cảm giác “con tàu” Thủy Tạ đang chạy chậm. Còn những ngày mặt hồ tĩnh lặng “con tàu” này như  đang cập bến nghỉ ngơi. Dù Thủy Tạ chỉ là một công trình nhỏ, nhưng kiến trúc của nó đẹp và vô cùng  độc đáo khiến khu vực phía Bắc  của hồ sinh động hơn. 

Nhà Thủy Tạ qua ký họa của kiến trúc sư Đinh Hải

Lối xưa xe ngựa…

Trước khi xây nhà Thủy Tạ, vị trí này là quán Ngọc Hồ. Quán nhỏ thấp, có  tường gạch bao quanh, mái lợp ngói ta không có gì đặc biệt. Ngọc Hồ bán cà phê, trà… Quán  bày biện theo kiểu mới với bàn ghế bằng gỗ cao. Chủ quán là cô Thược, con gái nhà quan. Cô rất khéo trong việc tiếp khách, không làm mất lòng ai, cô biết cách đưa đẩy câu chuyện, khách loại nào cũng nhận được nụ cười và câu thăm hỏi.

Thập niên 30 thế kỷ trước, Ngọc Hồ trở thành chỗ ra vào của thanh niên, trí thức, quan lại và nghệ sĩ. Chính Ngọc Hồ đã châm ngòi cho cuộc bút chiến bằng thơ châm biếm giữa 2 tờ báo thị trường lúc đó là “Loa” và “Ngày nay”. Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ đã có bài “Nhất phiến Băng Tâm” trên báo “Ngày nay” khiến các nhà thơ bên kia đành hạ giọng.

Sau đó, Tòa Đốc lý thấy khu vực này đông đúc nhưng hơi nhếch nhác nên đã có ý xây lại ngôi nhà. Tuy nhiên, chính quyền lại không muốn bỏ kinh phí nên đã thông báo rộng rãi rằng, ai bỏ tiền xây dựng sẽ được sử dụng nơi này để kinh doanh trong 10 năm mà không phải đóng các loại thuế. Tòa Đốc lý cũng đưa ra điều kiện là, chỉ được xây một tầng và thiết kế phải do họ duyệt.

Nhà Thủy Tạ ngày nay

Nhiều người giàu có nộp đơn tham gia, nhưng trúng thầu là nhà thầu Hàn Ái ở phố Cầu Gỗ. Người thiết kế nhà Thủy Tạ là kiến trúc sư Võ Đức Diên (1906-1961). Ông Diên tốt nghiệp ngành kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thiết kế của kiến trúc sư Võ Đức Diên theo phong cách kiến trúc Đông Dương đang thịnh hành tại Hà Nội khi đó. Công trình uốn theo đường cong của bờ hồ và một phần sàn nằm trên mặt nước, từ xa trông như một con tàu.

Thiết kế được Tòa Đốc lý chấp nhận ngay sau lần trình duyệt đầu tiên. Chính ông Diên cũng là người thiết kế ngôi nhà của nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô ở 48 phố Hàng Ngang (nay là di tích lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập năm 1945). Thiết kế xong nhà Thủy Tạ, kiến trúc sư Võ Đức Diên bỏ nghề. Công trình hoàn thành năm 1939.

Nhà thầu Hàn Ái xây xong được quyền sử dụng theo hợp đồng với chính quyền thành phố đến năm 1949. Khi Pháp tái chiếm Hà Nội, chính quyền thành phố mời vợ chồng nhà thầu Hàn Ái  lên thông báo, nhẽ ra hợp đồng hết hạn vào năm 1949, nhưng vì lý do chiến tranh nên  hợp đồng sẽ kéo dài thêm 1 năm và sẽ hết hạn vào năm 1950. 

Điểm đến thu hút

Khi nhà Thủy Tạ đưa vào sử dụng, nơi đây trở thành quán bar sang trọng thu hút giới nhà giàu và dân chơi. Thủy Tạ còn là nơi người mẫu Trần Văn Chức (chuyên mặc trang phục của hiệu may Phan Đồng Giang ở phố Hàng Ngang để quảng cáo) ngồi uống cà phê và trình diễn vào ngày chủ nhật. Tài tử Ngọc Bảo từng chia sẻ, ông đã từng chạy theo mốt thời thượng khi đó bằng việc đến quán uống cà phê, hút thuốc lá thơm để các bóng hồng biết “ta không phải là thanh niên lạc hậu”. Năm 1948, tại đây xảy ra 1 vụ nổ nhỏ trên sàn nhảy nhưng không ai bị thương.

Nhà Thủy Tạ trở thành quán bar và vũ trường nổi tiếng Hà Nội trong thời gian Pháp tạm chiếm. Chơi  nhạc ở đây là các ban nhạc của Philippines, Nga… sau đó là ban nhạc Lúa Vàng của nhạc sỹ Hoàng Trọng. Hết hợp đồng với nhà thầu Hàn Ái, Thủy Tạ do chính quyền thành phố quản lý và nó tiếp tục là sàn nhảy.

Nhà Thủy Tạ thời bao cấp

Tháng 11-1954, tầng dưới của Thủy Tạ có cuộc triển lãm về chiến thắng Điện Biên Phủ còn sân thượng là trụ sở của Đài phát thanh Hà Nội. Gọi là Đài phát thanh nhưng lúc đó chỉ có 4 chiếc loa nón mắc quanh khu vực hồ Gươm. Sau này, các cơ quan thương thảo với nhau và sắp xếp lại, Sở Văn hóa bàn giao Thủy Tạ cho ngành Thương nghiệp làm cửa hàng giải khát. 

Thời kỳ bao cấp, Thủy Tạ chia làm 2 phần, phần phía Bắc bán cà phê còn phần phía Nam bán bia hơi. So với các cửa hàng bia khác thì điểm bán bia Thủy Tạ khá chật. Cửa hàng tràn cả ra vỉa hè và xây một bức tường gạch thấp để khách uống bia ngồi trong đó. Bên ngoài có vài hàng bán đậu rán, ốc luộc, mực nướng… Phần bán cà phê lúc nào cũng đông đúc, nhất là mùa hè vì ngồi bên ngoài lan can “thành tàu” sẽ đón được những cơn gió Nam mát rượi.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nơi đây cũng là chỗ hẹn hò của các đôi tình nhân. Có chàng trai đã hẹn người yêu như thách đố: “Anh đợi em ở chỗ H2O 100kg” (H2O là nước, âm Hán Việt là thủy. Còn 100kg quy đổi thành 1 tạ). Khoảng năm 2003, nhà Thủy Tạ cải tạo phần sân thượng thành phòng ăn và chưa khi nào nơi này thôi tấp nập thực khách ra vào.