Con tàu chở ký ức tuổi thơ

ANTĐ - Một mùa Trung thu nữa sắp về, chúng tôi lại tìm đến ngôi nhà của “vua tàu thủy sắt”- nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng nằm sâu trong ngõ Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Đến nơi thấy anh đang ngồi bên lò than, mải mê gắn những quả thủy lôi vào hai bên từng chiếc tàu…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng giải thích cơ chế hoạt động của chiếc tàu

Mỗi năm bán được gần 1.000 tàu thủy

Thấy anh mải mê làm việc, chị Nguyễn Thị Thuyết, vợ anh sợ tôi chờ lâu nên bảo có hỏi gì thì tranh thủ hỏi để anh trả lời thì anh nói vọng ra: “Còn vài chiếc nữa thôi”. Nhưng kỳ thực “vài chiếc” của anh kéo dài khéo đến 20 phút vì sau khi gắn xong khoảng ba chục chiếc tàu, anh cẩn thận nhặt từng chiếc lên, ngắm nghía, kiểm tra lại một lượt xem có cái nào bị lỏng, hoặc gắn chưa đúng không. Chị Thuyết, cũng là một nghệ nhân làm tàu thủy sắt mấy chục năm nay cho biết: “Từ đời ông của bố chồng tôi đã làm tàu thủy sắt rồi. Hồi trước ở làng Khương Hạ này cũng nhiều gia đình làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Nhưng đến giờ còn mỗi tàu thủy sắt của gia đình tôi là trụ được”.

Cũng theo chị Thuyết, sản phẩm tàu thủy sắt của nhà chị chủ yếu được các cửa hàng lưu niệm trên phố cổ đặt hàng để giới thiệu cho khách du lịch nước ngoài về văn hóa truyền thống của Việt Nam. Công việc làm tàu thủy sắt diễn ra quanh năm, thu nhập đủ nuôi sống cả nhà. Mỗi năm, gia đình chị bán được xấp xỉ 1.000 chiếc tàu thủy, trong đó, riêng vào rằm tháng Tám tiêu thụ từ 500-600 chiếc. Mỗi dịp Trung thu, cả hai vợ chồng chị lại thay phiên nhau có mặt tại những Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào)… để giới thiệu về tàu thủy sắt, hay giảng giải cho những em nhỏ cách làm những chiếc tàu này vì gần như ngoài gia đình chị, thì không còn ai theo đuổi nghề này nữa. Theo anh Hùng, để làm được một chiếc hoàn chỉnh, đòi hỏi người thợ phải được đào tạo trong ít nhất 2 năm. Trước đây, trong gia đình anh, các anh chị cũng làm tàu thủy. Nhưng sau này cũng bỏ để đi làm việc khác, vì thu nhập ổn định hơn. Chỉ còn lại mình anh là con trai út trong nhà bám trụ với nghề. 

Dư vị Trung thu truyền thống

Tàu thủy sắt là món đồ chơi “công nghệ” gắn liền với ký ức nhiều thế hệ trước những năm 1990. Anh Hùng cho biết, vào thời của anh, làm gì có những đồ chơi hiện đại như bây giờ, nên có được những chiếc tàu thủy sắt mà chơi là “oách” lắm. Tàu sắt nhìn trông đơn giản thế, nhưng để làm ra được một chiếc tàu hoàn chỉnh rất phức tạp. Từ việc chọn mua sắt phế liệu về gò, uốn thành hình, cho đến sơn hoàn chỉnh, phải mất đến 2, 3 ngày.

Cũng theo anh Hùng, cái hay nhất ở tàu thủy sắt chính là có thể vừa chạy được trên nước, vừa phát ra âm thanh “phành phạch” y như tàu thật. Sau khi rót đầy nước vào trong thân tàu, chỉ cần nhỏ 4, 5 giọt dầu hỏa vào trong lỗ của chiếc nồi hơi và châm lửa vào đầu bấc, nhiệt truyền vào khiến nước nóng, tạo lực đẩy con tàu đi băng băng trên mặt nước. Mỗi lần “nạp” nhiên liệu, tàu có thể chạy được đến 20 phút. Tuy nhiên, thử thách nhất cho nghệ nhân ở đây chính là kỹ thuật làm chiếc nồi hơi và lá đồng bên trong nồi hơi, nếu không đạt được sự chuẩn xác tàu sẽ không chạy và cũng không phát ra tiếng kêu như mong muốn. Bởi sự dụng công đó mà một chiếc tàu cỡ nhỏ cũng có giá từ 300.000 đồng, cỡ lớn hơn là 500.000 đồng. Giá thành không hề rẻ nhưng theo anh Hùng, rất nhiều phụ huynh tìm đến tận nhà mua cho được một chiếc tàu để con mình có món đồ Trung thu truyền thống. Chiếc tàu thủy không chỉ là sản phẩm thủ công thuần Việt, mà còn dạy cho con trẻ biết về nguyên lý vật lý, lực đẩy của hơi nước, chắp cánh cho những ước mơ đi xa… Anh Hùng nói vui, tàu có thể chơi được 4-5 năm mà không hỏng, còn bền hơn so với nhiều thứ đồ chơi điện tử bây giờ. 

Nếu có một vòng quanh phố Hàng Mã - con phố tụ điểm của những món đồ chơi Trung thu, thi thoảng mới bắt gặp những chiếc tàu thủy sắt nằm khiêm tốn ở một sạp hàng nhỏ bé. Khi những thứ đồ chơi hiện đại tràn ngập thị trường với đủ loại mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt, những chiếc tàu thủy sắt - sẽ chỉ còn là “di sản” của một mùa Trung thu -  nếu không có tình yêu của những người “chuyên chở ước mơ“ như anh Hùng, chị Thuyết.