Cơn sốt lấy vợ Việt và lỗ hổng pháp lý

ANTĐ - Gần đây, dư luận trong nước lại rộ lên việc đàn ông Malaysia cũng muốn lấy vợ Việt Nam. Như vậy là trong suốt một thập kỷ qua, việc tìm kiếm cô dâu Việt đã trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Singapore… Theo Bộ Tư pháp, tính từ năm 1998 đến cuối năm 2010, đã có gần 300.000 phụ  nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên điều đáng nói là có không ít cô dâu Việt bị rơi vào hoàn cảnh bi đát, bất hạnh.

Cơn sốt lấy vợ Việt Nam

Tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều chàng trai không tìm được bạn gái ở Trung Quốc. Theo thống kê có đến 37% đàn ông Trung Quốc từ 21-30 tuổi là công nhân đang ở vào độ tuổi kết hôn. Hạn chế nghề nghiệp cùng với mức lương thấp đẩy các chàng trai vào hoàn cảnh khó tìm bạn đời. Vì vậy không ít chàng trai Trung Quốc đã hướng đến các nước như Việt Nam, Mianmar, Indonesia. Nhiều người cho rằng các cô gái nước ngoài vì sống trong điều kiện kinh tế khó khăn nên tính cách hiền hòa ngoan ngoãn, không kiêu kì như các cô gái Trung Quốc, nên hứa hẹn sẽ là những người vợ lý tưởng. Và thực tế, có không ít chàng trai Trung Quốc đã làm hộ chiếu và lặn lội sang Việt Nam với hy vọng tìm được ý trung nhân cho mình.

Còn tại Hàn Quốc, theo số liệu của Cục thống kê Hàn Quốc cũng cho thấy, có hơn 5.000 nghìn cô gái Việt Nam đã kết hôn với đàn ông nước này trong thời gian qua. Chú rể đa số là những người không có cơ hội lấy vợ cùng quốc tịch do nghèo, do khiếm khuyết hình thể. Tại Hàn Quốc có khoảng 2.000 công ty môi giới hôn nhân hoạt động. Lợi dụng tình trạng có nhiều người Hàn Quốc không lấy được vợ trong nước, nhiều công ty môi giới hôn nhân đã lao vào lĩnh vực đi tìm vợ ở các nước châu Á lân cận cho số người này. Vì hám lợi, các công ty này sẵn sàng che giấu tình trạng sức khỏe của những người Hàn Quốc muốn lấy vợ nước ngoài, và đánh lừa các cô dâu tương lai thường đến từ những nước nghèo hơn như Trung Quốc, Campuchia hay Việt Nam. Cô dâu Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người ngoại quốc lấy chồng Hàn. Theo số liệu thống kê chính thức, trong năm 2009, 47% cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc đến từ Việt Nam, 26% đến từ Trung Quốc và 10% từ Campuchia.

Xu hướng lấy vợ Việt Nam cũng đang bùng nổ tại Malaysia khi ngày càng có nhiều chàng trai độc thân ở nước này đăng ký tìm kiếm các cô gái Việt để tiến tới hôn nhân. Lý do phổ biến được đưa ra là: áp lực gia đình khi những người đàn ông đã đến tuổi kết hôn, bị các cô gái địa phương chê là không đủ hấp dẫn, thông minh hay quá già. Thậm chí, một số người quá nhút nhát để có thể chinh phục trái tim những cô gái xung quanh. Đồng thời khi phụ nữ Malaysia ngày càng lấy chồng muộn hoặc thậm chí ở vậy, nam giới nước này quay sang nước láng giềng tìm bạn đời. Các website môi giới hôn nhân quốc tế ở Malaysia xuất hiện đầy những dòng chữ như: “Phụ nữ Việt Nam mảnh dẻ và dịu dàng”, “Họ không bao giờ ly dị”.

Số phận đau thương của cô dâu Việt

Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong những năm qua, có không ít các trường hợp cô dâu Việt bị ngược đãi, hành hạ, thậm chí phải tìm đến cái chết. Cô dâu Việt Phan Thị Kim Thanh (29 tuổi) cư trú ở ấp Định Khánh, xã Định Ngôn, huyện Thới Lai, Cần Thơ là một ví dụ. Lấy chồng “ngoại” chưa được bao lâu, Thanh bị chồng ngược đãi phải gọi điện khẩn cấp về Việt Nam nhờ cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ. Trước đó vào tháng 4-2009, Phan Thị Kim Thanh được bạn bè rủ lên TP.HCM kiếm chồng nước ngoài. Qua mai mối, cô tìm được chồng là người Đài Loan tên Chung Yung Hua. Sau khi cưới, Thanh và chồng làm thủ tục đăng ký kết hôn, đến tháng 2-2010 thì xuất cảnh đi Đài Loan. Từ đó đến nay, Thanh chỉ gọi điện thoại về nhà vài lần và không nhắc gì đến cuộc sống riêng. Tối 3-12, Thanh nhờ người gọi điện thoại báo tin cho gia đình là không được gia đình chồng cho ra ngoài, thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ, mong gia đình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải thoát về nước.

Mới đây, cô dâu Hoàng Thị Nam, TP.HCM cũng bị chồng là người Hàn Quốc sát hại. Nam kết hôn với người chồng Hàn Quốc vào tháng 4-2010, chỉ sau ba tháng quen biết thông qua một người bạn. Sang Hàn Quốc chưa đầy một năm, vừa sinh cháu bé 19 ngày thì vì mâu thuẫn với mẹ chồng, Nam bị sát hại đến chết. Khám nghiệm tử thi của cảnh sát huyện Jeongto cho biết cô đã bị chồng đâm tổng cộng 53 nhát dao và chết ngay tại nhà ở. Trước đó, tại Hàn Quốc đã xảy ra vụ tự tử của cô dâu Việt Nam Thạch Thị Hoàng Ngọc hồi tháng 7-2010. Sau vụ tử nạn của cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường kiểm tra các đơn vị môi giới hôn nhân quốc tế bằng cách kiểm tra sức khỏe cũng như lý lịch và thân nhân của chú rể Hàn trước khi kết hôn. Tính đến nay đã có 4 trường hợp cô dâu Việt tử vong tại Hàn Quốc.

Tại ChangWon, phía nam Hàn Quốc còn có một nhà tạm lánh dành cho các cô dâu nước ngoài bị ngược đãi. Đó là một ngôi nhà nằm sâu giữa chốn rừng núi heo hút. Phần lớn các cô dâu tới đây nương nhờ có quốc tịch Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Philippines… và đều là những người gặp phải ông chồng không tốt, họ thường xuyên bị đánh đập. Nguyễn Thị Hồng, SN 1990, quê ở Bà Rịa Vũng Tàu qua công ty môi giới, Hồng kết hôn với một người chồng Hàn gần gấp đôi tuổi mình, tính tình không bình thường. Mới sang được vài tháng, bụng mang dạ chửa nhưng cô thường xuyên bị mẹ chồng chửi mắng, làm nhục bằng những hình phạt quái dị. Có lần do không hiểu tiếng nên em không làm đúng ý mẹ chồng, bà ấy bắt em quỳ gối, hai tay nâng ghế thức suốt đêm. Hay lần khác do xích mích, mẹ chồng xé hết áo quần trên người em rồi đuổi ra ngoài. Sau bốn tháng làm dâu xứ người, không chịu được những hình phạt, những cơn nhục mạ của gia đình chồng, Lan đành bỏ trốn rồi tìm đến trung tâm tạm lánh để nương nhờ.

 Trên thực tế, nhiều cô dâu Việt đã không chịu được cảnh bạo lực tình dục, những trò quái đản trong quan hệ vợ chồng và những khác biệt về văn hóa phòng the... Một cô dâu tại thành phố Busan tâm sự: “Đa số những ông chồng Hàn Quốc sang tìm vợ Việt Nam là những người thu nhập thấp, có khiếm khuyết, không đủ tiêu chuẩn lấy vợ bản xứ nên mới cưới con gái Việt Nam”. Khác biệt về văn hóa, tuổi tác, xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu, vỡ mộng do không tìm được điểm chung trong hôn nhân... nên nhiều cuộc tình Hàn - Việt sớm tan vỡ. Với luật pháp và tập quán Hàn Quốc, phần lớn sau khi ly dị con cái đều do chồng nuôi. Vì vậy người may mắn thì được tạm trú hợp pháp để thăm nom con, người không may mắn thì phải về nước hoặc chấp nhận cuộc sống bất hợp pháp may rủi nơi xứ người. Mộng đã vỡ, tương lai mù mịt, con thì nhà chồng nuôi giữ, những cô dâu xứ lạ chỉ còn lại hai bàn tay trắng và vết thương lòng nơi xứ người...

Lỗ hổng từ… pháp lý

Huyện Bình Minh (Vĩnh Long) vẫn được biết đến là một trong những địa phương có số cô gái lấy chồng ngoại nhiều nhất thì có đến 1/3 đã ly hôn. Nhiều người trong số này còn bị khủng hoảng tinh thần, thậm chí bị bệnh tâm thần. Chị Nguyễn Thu Hương, huyện Bình Minh là một trong những người nếm tủi nhục ê chề với ảo tưởng đổi đời khi làm dâu xứ người. Thông qua mai mối, một người đàn ông Hàn Quốc đã “chấm” chị làm vợ.“Tôi nghĩ mình sẽ đổi đời ở xứ kim chi, sẽ có cuộc sống lãng mạn với người chồng khá đẹp trai cùng tôi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi đặt chân lên đất Hàn Quốc thì mọi chuyện khác hẳn. Người đàn ông mà tôi đã trao thân nói rằng chồng tôi là em trai ông ta, một người bị câm điếc”.  Mẹ chồng còn bắt chị phải ngủ với con rể bà để sinh cho bà đứa cháu. Từ đây, cuộc sống của chị Hương như bị đẩy xuống một tầng địa ngục khác với sự tủi nhục không thể diễn tả hết. Mỗi lần chị Hương cự tuyệt làm nô lệ tình dục cho gia đình này thì bị mẹ chồng đánh đập không thương tiếc. Và một lần chị bị hư thai cũng do những trận đòn và do chấn thương tâm lý.

Một lần lợi dụng gia đình chồng đi lễ nhà thờ, chị Hương trốn được ra đường và tìm đến nhờ cảnh sát hướng dẫn tới Cơ quan quản lý người Việt ở Hàn Quốc kêu cứu. Cuối cùng chị Hương đã thoát khỏi địa ngục gia đình chồng để về Việt Nam với đúng 100.000 đồng trong túi để bắt đầu cuộc sống mới. “Có cho một đống kim cương tôi cũng không dám lấy chồng ngoại nữa. Quá sợ rồi!” - chị Hương tâm sự.

Mặc dù những bi kịch, những thân phận đau đớn cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc liên tục xảy ra nhưng hiện nay, đây vẫn là xu hướng của nhiều cô gái Việt. Với ước mơ đổi đời, có thể gửi tiền trợ giúp gia đình đã khiến không ít cô gái “nhắm mắt đưa chân”. Có những trường hợp dù được cảnh báo trước là đối tượng bị nghiện ma túy, có thành tích ngược đãi vợ con nhưng các cô vẫn chấp nhận. Đó cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều trường hợp ra tòa xin ly hôn ngay sau đó hoặc bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, sống trong đau đớn, tủi nhục. Vì vậy mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập tổ công tác liên ngành để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự kỷ cương trong việc kết hôn với người nước ngoài. Song để giúp các cô dâu có được “vốn liếng” cần thiết, Nhà nước cần xây dựng mạng lưới và đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm tư vấn kết hôn. Các Trung tâm này phải hướng dẫn cho các cô dâu cách đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra, những địa chỉ để liên lạc khi cần…

Một số chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, pháp luật cần quy định rõ những người chuẩn bị kết hôn với người nước ngoài phải có trình độ ngôn ngữ, hoặc hiểu biết nhất định về luật pháp, văn hóa, phong tục của đất nước có người mang quốc tịch mà mình định kết hôn. Ngoài ra, hệ thống pháp luật cũng cần được hoàn thiện theo hướng với những nước có nhiều cô dâu Việt, Nhà nước ký thỏa thuận hợp tác, hiệp định tương trợ tư pháp để tạo lập cơ chế hữu hiệu cho việc bảo hộ công dân Việt Nam kết hôn và sinh sống tại nước ngoài; có quy định về xác lập thông tin về tình hình sinh sống của công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài... để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra.