Con rùa khổng lồ lại sẽ thoát ra ngoài sông Tích?

ANTĐ - Nước hồ Đồng Mô đang dâng rất cao, con rùa khổng lồ hoàn toàn có thể một lần nữa thoát ra ngoài sông Tích.

Khi nước hồ rút sát mực “chết”

Theo hồ sơ của công ty Thủy lợi Phù sa- đơn vị quản lý hồ Đồng Mô, thì hồ này được xây dựng năm 1969, đến năm 1974 thì bắt đầu đưa vào khai thác, chứa nước để phục vụ tưới tiêu cho 1.200 ha đất nông nghiệp của các huyện Thạch Thất, Quốc Oai nằm đôi bờ sông Tích.

Hồ nước trải dài trên địa bàn 3 xã: Kim Sơn, Sơn Đông và Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ban đầu chỉ là vùng thung lũng triền đồi, sau đó được tạo thành hồ bởi việc đắp đập ngăn 2 con sông Măng và Ngải Sơn.

Hồ Đồng Mô trong lần cạn khô lịch sử, bờ kè đá nhô ra lởm chởm

Con rùa khổng lồ hồ Đồng Mô (ảnh tư liệu)

Theo thiết kế ban đầu, hồ Đồng Mô có cao trình tới 24,5m, trữ khoảng 86 triệu m3 nước. Cho đến cuối năm 2005 thì Bộ NN&PTNT và tỉnh Hà Tây (cũ) có điều chỉnh để cao trình nước hồ gia cường (mức lớn nhất có thể trữ nước) là 22m; cao trình nước hồ trung bình là 20m (tương đương 45,4 triệu m3 nước) phục vụ thuỷ lợi cho 958 ha nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngày 2/4/2010, cao trình nước hồ chỉ còn ở mức 13,97m và hai hôm sau thì rút xuống chỉ còn vỏn vẹn 13,51m; lượng nước trong hồ chỉ còn 5,9 triệu m3. 

Ông Ngô Thanh Minh- Phó Phòng Quản lý nước và công trình (công ty Thuỷ lợi Phù Sa) khẳng định: “Nếu tính từ ngày đưa vào khai thác đến nay, thì mức 13,51 là mức khô cạn nhất trong lịch sử 36 năm của hồ Đồng Mô, với mức này chỉ còn 51cm nữa là xuống đến mực nước chết. Hồi năm 1998, nước hồ cũng từng rút xuống rất thấp, tuy nhiên vẫn chưa đến mức báo động như năm 2010”.

 

Ông Minh bên cọc tiêu đo mực nước (ảnh trái); ảnh phải cho thấy mức nước hồ đã rất thấp

Hồ cạn nước quá khiến các chuyên gia về rùa đâm lo. Dù rằng vẫn còn đến hàng triệu m3 nước trong lòng hồ và rất nhiều luồng lạch ngầm, song rõ ràng nước rút khiến nguy cơ rùa khổng lồ bị con người phát giác và đánh bắt trộm là rất cao. Vì thế vào thời điểm đó, công ty Thủy lợi sông Tích đã phải tiến hành xả nước tưới lúa theo phương pháp tiết kiệm nhất có thể; Sở NN&PTNN Hà Nội thậm chí còn hạ lệnh hạn chế tối đa việc lấy nước từ lòng hồ. Việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong lưu vực sẽ do các trạm bơm dã chiến đảm nhận. Chỉ trừ khi xảy ra hạn hán trên diện rộng thì mới được tiếp tục lấy nước hồ, nhằm đảm bảo môi trường sống cho con rùa khổng lồ.

Chưa hết, ông Minh còn lo lắng đến 2 vấn đề có thể gây hại cho sức khỏe của con vật: đầu tiên là việc nhiều chiếc thuyền du lịch vẫn đi lại trên hồ Đồng Mô, không có gì đảm bảo rằng chân vịt không va phải rùa; thứ nữa là việc những bờ cỏ xanh mướt ven hồ được tưới tiêu bằng hóa chất, chuyện hóa chất ngấm xuống đất rồi thẩm thấu vào nước hồ dù thật khó nhận biết bằng mắt thường, song đương nhiên là có hại cho môi trường thủy sinh nơi đây, trong đó có con rùa khổng lồ.

Nước nổi lại lo rùa thoát qua đập tràn

Những ngày gần đây nước hồ Đồng Mô lại dâng rất cao. Các chuyên gia về rùa lại một lần nữa có lý do để mà lo lắng. Không lo sao được khi cá thể rùa quý này hoàn toàn có thể bị dòng nước cuốn trôi qua đập tràn, thoát ra ngoài sông Tích như hồi cuối năm 2008. Khi đó có 2 trường hợp xảy ra: Hoặc là con rùa khổng lồ sẽ nương theo dòng sông, bò đi “mất tích” ở đâu đó; hoặc sẽ lại bị người dân vây bắt (mà nếu không được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời thì con vật cầm chắc cái chết)

Lưới tạm để ngăn rùa trôi qua đập tràn đã bị ngập (Ảnh: ATP)

Vì thế trung tuần tháng 8/2011, đại diện Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) đã có buổi làm việc với đại diện Ban quản lý dự án sửa chữa và nâng cấp đập hồ Đồng Mô tại trụ sở công ty Thủy lợi Phù Sa nhằm tìm ra cách bảo vệ con rùa khổng lồ.

Đầu tiên ATP cho đặt một tấm lưới chắn tạm thời, có kích thước: rộng 60m, sâu 7m ở trước con đập mới để ngăn ngừa tình trạng con rùa nặng 70kg này thoát ra lần nữa. Tuy nhiên hiện mực nước hồ Đồng Mô đã dâng cao đến 20m (sắp đến mực nước tràn), tấm lưới trên đã chìm nghỉm dưới mặt nước.

ATP lại phải hì hục cho người đóng đêm cọc tre và dựng thêm một lớp lưới thứ 2, nhưng nói chung là rất yếu vì lưới chỉ nhô lên khỏi mặt nước được chừng 20-30cm. Thêm nữa, nếu nước dâng lên mức 20,5m thì công ty Thủy lợi Phù Sa buộc phải mở 4 cửa xả của con đập- khi đó thì dòng nước sẽ cuốn phăng cả lưới lẫn rùa.

Đóng thêm cọc tre, dựng lớp lưới thứ 2 (Ảnh: ATP)

Về lâu dài, ATP đề xuất hai phương án. Một là xây một hàng rào chắc chắn với cột bê tông và lưới thép B40 để ngăn rùa ra khỏi hồ. Hai là sử dụng loại lưới chắc chắn hơn (giống như tấm lưới đã dùng để bắt cụ Rùa hồ Gươm lên chữa trị) đặt ở phía trước đập tràn hồ Đồng Mô.

Xem ra việc bảo tồn cho con rùa khổng lồ hồ Đồng Mô cũng lắm gian nan. Các cán bộ của ATP chỉ mong rằng, ở đâu đó trong lòng hồ, vẫn còn những cá thể rùa khổng lồ khác chưa được phát hiện. Có thể lắm, vì hồ Đồng Mô có chu vi đến 17km, nơi rộng nhất lên đến 4km.