Còn mãi “Cảm xúc tháng Mười”

ANTĐ - Sáng 30-5, tòa soạn Báo An ninh Thủ đô nhận được cuộc điện thoại của cháu gái nhà thơ Tạ Hữu Yên. Giọng đượm buồn, cô thông báo nhà thơ vừa qua đời. Biết nhà thơ tuổi cao, sức khỏe lại yếu đi nhiều do bệnh từ gần một năm qua, nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng thương tiếc. Cũng phải, bởi ông đã gắn bó với An ninh Thủ đô bao năm qua, ông coi An ninh Thủ đô như là gia đình mình vậy.
Còn mãi “Cảm xúc tháng Mười” ảnh 1
Tổng Biên tập Báo ANTĐ Đào Lê Bình trò chuyện với nhà thơ Tạ Hữu Yên (phải),
tại buổi gặp mặt CTV Báo ANTĐ năm 2009

Nhà thơ Tạ Hữu Yên qua đời tại Hà Nội ở tuổi 87. Trong cuộc đời sự nghiệp thơ văn của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc. Ngay từ lúc cắp sách đến trường, chúng tôi đã thuộc lòng những vần thơ đẹp, giàu cảm xúc của nhà thơ khi ông đánh “rớt xuống trang thơ tôi cánh hoa đào phớt đỏ” để rồi “Trang thơ tôi đằm lại. Giữa nhà tù Sơn La. Tô Hiệu ơi có phải. Anh về cùng mùa hoa?” (Anh về cùng mùa hoa). 

Nhà thơ sinh năm 1927, tại Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình. Ông là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng: Bài thơ chính nghĩa (1951), Tiếng ca xanh (1978), Bức chân dung (1985), Nỗi nhớ ngày thường (1987), Ngọn súng biên phòng (trường ca, 1983), Sấm dậy trưa hè (trường ca, 1984), Thung lũng lửa và hoa (trường ca, 1988), Bốn cánh hoa đồng (1996)... Đặc biệt, ông là nhà thơ có tác phẩm được phổ nhạc nhiều nhất ở Việt Nam với 160 bài thơ, trong đó nổi tiếng nhất là ca khúc “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với những ca từ đầy bi tráng nhưng vô cùng trìu mến: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im…”. 

Những năm cuối đời, tuy sức khỏe đã yếu, ông vẫn miệt mài viết và không năm nào, tác phẩm của ông không có mặt trên giai phẩm Tết của An ninh Thủ đô. Nằm trên giường bệnh, ông vẫn tiếp tục sáng tác. Ngay cả khi tay không còn cầm nổi cây bút, ông lại đọc ra cho con cháu ghi lại. Ông là cộng tác viên đã gắn bó với Báo An ninh Thủ đô từ mấy chục năm nay. Với An ninh Thủ đô, lúc nào ông cũng coi như “người trong nhà”, những phóng viên trẻ chúng tôi còn nhớ, cách đây 4 năm, trong lần gặp mặt cộng tác viên thân thiết của báo, Tổng Biên tập Đào Lê Bình vừa nắm chặt tay nhà thơ vừa đọc những câu thơ đã được phổ nhạc trong bài “Cảm xúc tháng Mười” của ông: “Không thể nói trời không xanh hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy. Nhịp trống rung 36 phố phường...”.

Yêu quý An ninh Thủ đô, có lần, ông còn có bài viết “Góp ý kiến với An ninh Thủ đô”. Nhà thơ đánh giá, trong đội ngũ báo chí Thủ đô, Báo An ninh Thủ đô là một tờ báo lớn. Sức thuyết phục của tờ báo nằm ở sự chín chắn về chính trị, sự đúng đắn về các mặt công tác của ngành công an, sự nóng hổi của cuộc sống ngày thường. “Là một tờ báo có “sức nặng”, tôi đề nghị báo cùng góp phần xứng đáng giữ lấy cái nguyên sơ chân chất của Thăng Long và cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an Thủ đô phấn đấu có nhiều người tốt, việc tốt, có nhiều tấm gương xuất sắc. Báo đã được bạn đọc tin cậy, giờ cần phấn đấu cho tờ báo có những bài viết hay, những tư liệu quý hơn nữa và tôi nghĩ rằng, Ban Biên tập còn phải cố gắng nhiều” - nhà thơ gửi gắm những tâm sự chân thành tới tờ báo mà ông yêu quý. 

Cuộc gặp mặt CTV Tết năm Giáp Ngọ tới sẽ vắng bóng ông - nhưng mọi người vẫn nhớ…