"Cơn lốc" hàng giả Trung Quốc hoành hành khắp phương Tây

ANTĐ - Nước Mỹ đang yếu thế trong cuộc chiến chống hàng giả khi mà các nhà điều tra biến chất ở Trung Quốc tiếp tay cho những kẻ làm hàng nhái. Tuy nhiên, tình trạng này  không chỉ xảy ra ở Mỹ  mà còn diễn ra khắp phương Tây.

"Cơn lốc" hàng giả Trung Quốc hoành hành khắp phương Tây ảnh 1

Nhân viên hải quan Mỹ kiểm tra thùng hàng chứa túi giả hiệu Louis Vuitton

Hiểm họa từ đồ nhái kém chất lượng

Theo ông Stephen Long - một quan chức thuộc văn phòng Cơ quan bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ tại cảng New York, việc tịch thu hàng giả, bao gồm phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, kem đánh răng… đang ngày càng tăng tần suất, nhưng cùng với đó chất lượng hàng giả cũng tinh vi hơn.

Tình trạng làm giả phụ tùng ô tô là mối quan tâm đặc biệt của chính quyền Mỹ. Việc thu giữ những linh kiện giả này tại Mỹ đã tăng 83% trong năm tài khóa 2014, theo số liệu của hải quan Mỹ. Trong hơn 585.000 phụ tùng nhái bị thu giữ trong 5 năm qua có những chiếc phanh nhái nhãn hiệu Honda, BMW và túi khí nhái thương hiệu Toyota, sản xuất tại Trung Quốc. Những túi khí giả này không bật mở khi xe bị va chạm và có thể bốc cháy hay vỡ thành nhiều mảnh bắn về phía lái xe. “Mọi thứ trong một chiếc ô tô đều có thể bị làm giả” - Bruce Foucart, Giám đốc Trung tâm điều phối quyền sở hữu trí tuệ quốc gia Mỹ, cho biết. “Chúng tôi đã phát hiện kính chắn gió và lốp xe giả, dây đai an toàn lỏng lẻo dễ bung mở hay những túi khí tự nổ khi mà chiếc phanh kém chất lượng không hoạt động... Điều này khiến người dân gặp nguy hiểm” - ông Foucart nói.

Một sản phẩm khác là chiếc ván trượt Hoverboard - món quà “sốt” trong kỳ nghỉ Giáng Sinh, nhưng hải quan Mỹ đã phải chặn các lô hàng sản xuất chứa pin giả làm từ Trung Quốc, bởi loại pin này chưa được kiểm tra, chúng có thể bị quá nóng hoặc gây nổ. Ngày 18-12, hải quan đã thông báo về việc thu giữ 445 chiếc Hoverboard trị giá 170.000USD tại cảng Norfolk ở bang Virginia. Những ván trượt này chứa pin giả thương hiệu Samsung.

Theo ông Stephen Long, một ngày trung bình hải quan Mỹ thu giữ được 10% hàng hóa giả và hơn 90% số này đến từ Trung Quốc.

Gian nan cuộc chiến chống gian lận

Một nguyên nhân khiến việc phát hiện hàng nhái của hải quan Mỹ và các nước châu Âu gặp khó khăn bắt đầu từ Trung Quốc. Nhà điều tra ở nước này có thể để lộ chi tiết quan trọng của thương hiệu sản phẩm, giúp kẻ sản xuất hàng giả trốn tránh trách nhiệm pháp lý và gia công sản phẩm nhái một cách tinh vi.

Theo kết luận của phóng viên hãng tin AP cùng các luật sư, quan chức thực phi pháp luật và những nhà điều tra tư nhân, nhiều biện pháp chống hàng giả của công ty phương Tây đang tạo điều kiện cho gian lận hoành hành.  Nằm trong nhóm nhân viên điều tra và pháp lý trên, ông Alex Theil - người đang giúp những công ty phương Tây chống lại “cơn lốc” hàng giả Trung Quốc trong 2 thập niên qua - đã dành nhiều năm nhằm thay đổi cách tiếp cận mà một số công ty phương Tây đang áp dụng để xử lý hàng nhái. 

Một báo cáo điều tra của hãng AP công bố đầu tháng 12 đã phát hiện gian lận hệ thống trong ngành công nghiệp chống hàng giả của Trung Quốc. Các công ty lớn ở nước ngoài, không nắm sát tình hình thực địa, vô tình trả tiền cho những nhà điều tra chống hàng giả ở Trung Quốc mà không biết rằng rất có thể chính điều tra viên này đã sản xuất, bán hàng rởm hoặc câu kết với những kẻ làm hàng nhái để giả vờ bị lật tẩy.

Thời gian làm việc tại văn phòng thám tử Pinkerton ở Mỹ và tại văn phòng điều tra khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng General Motors (GM), ông Alex Theil đã tận mắt chứng kiến các bức ảnh chụp những quan chức tham nhũng, kẻ làm hàng giả và nhà điều tra tha hóa nâng cốc chúc tụng nhau tại một bữa tiệc xa xỉ. 

Năm 2008, ông quyết định rời GM và thành lập công ty điều tra riêng tên là Harvest Moon. Theo ông Alex Theil, hầu hết các công ty phương Tây thuê nhóm điều tra chống hàng giả và trả tiền theo khối lượng công việc. Càng phát hiện nhiều trường hợp làm giả thì càng nhiều thù lao, điều này dễ tạo ra tình trạng gian lận trong môi trường thiếu giám sát. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận, điều tra mạng lưới làm hàng giả của ông Theil tốn nhiều tiền hơn, thậm chí tốn đến vài trăm nghìn đô la một năm và việc đâm đơn kiện có thể đẩy chi phí lên tới hàng triệu đô la.

Đây là nguyên nhân khiến một số công ty phương Tây vẫn mù quáng trả tiền cho những điều tra viên biến chất để phát hiện các ổ sản xuất hàng giả tại Trung Quốc. Ông Beat Weibel – người đứng đầu bộ phận tư vấn sở hữu trí tuệ của Siemens cho rằng, hành động này đang nuôi dưỡng gian lận trong cuộc chiến chống hàng giả.