“Cơn lốc” dầu ăn bẩn tràn vào Đài Loan

ANTĐ - Người dân Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chưa hết “sốc” khi những ngày gần đây nhà chức trách phát hiện hàng trăm tấn dầu ăn bẩn làm từ sản phẩm thải loại được bán ra thị trường. Đây được cho là vụ bê bối an toàn thực phẩm lớn nhất Đài Loan từ trước tới nay và là vụ bê bối thực phẩm thứ 2 xảy ra tại đây trong vòng chưa đầy một năm qua.

Cơ quan chức năng niêm phong nhà xưởng của Chang Guann

Gần 1.000 doanh nghiệp liên quan

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Giang Nghi Hoa, người đứng đầu cơ quan hành chính Đài Loan đã tuyên bố, những sản phẩm được chế biến từ loại dầu ăn “siêu” bẩn sẽ bị dỡ xuống khỏi các kệ hàng từ ngày 8-9. Trong khi đó, giới điều tra Đài Loan cho biết, mức phạt cao nhất sẽ là 50 triệu Đài tệ đối với doanh nghiệp dù biết rõ nguồn gốc nhưng vẫn mua dầu bẩn.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Đài Loan chấn động trước vụ việc Công ty Chang Guann từ tháng 6 đến 8-2014 đã mua 243 tấn dầu ăn bẩn làm từ sản phẩm thải loại của nhà bếp, lò mổ, phụ phẩm da giày của một xưởng “chui” để pha chế với mỡ lợn, tạo thành 782 tấn dầu ăn dán nhãn mác công ty. Chang Guann là doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu thực phẩm nổi tiếng ở Đài Loan, là đối tác kinh doanh của hàng trăm công ty chế biến thực phẩm, nhà hàng và trường học. Thông tin từ Cơ quan Giáo dục Đài Loan cho biết, 100 trường học trong khu vực thường sử dụng dầu ăn của công ty này. Một “ông lớn” khác trong ngành sản xuất thực phẩm - Công ty Vị Toàn cũng thừa nhận dùng sản phẩm của Chang Guann từ tháng 4 năm nay để sản xuất 12 sản phẩm ruốc và pa-tê. Đến chiều 8-9, giới chức Đài Loan thông báo đã có 971 doanh nghiệp bán dầu ăn bẩn hoặc chế biến sản phẩm bằng dầu ăn bẩn. Con số này vượt xa so với 235 doanh nghiệp có liên quan được công bố trước đó hai ngày. 

Theo thông tin trên trang mạng của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (FDA), vụ bê bối an toàn thực phẩm này có sự “góp mặt” của rất nhiều hãng sản xuất có tên tuổi khắp Đài Loan. Những sản phẩm dầu ăn có vấn đề này còn được tuồn ra vô số quán nhỏ, sạp ăn vặt ven đường. Được biết, Đài Loan hiện có khoảng 100.000 nhà sản xuất thực phẩm và đồ hộp, như vậy để kiểm tra hết số cơ sở này, nhà chức trách cần đến... 30 tháng. 

Sự hoang mang của người tiêu dùng ngày càng lan rộng, khi nhà chức trách Macau thông báo phát hiện hơn 20 xưởng sản xuất dính líu đến loại dầu ăn bẩn này. Tại Hồng Kông, 3 công ty nhập khẩu và một số cửa hàng có thương hiệu nổi tiếng như Starbucks, Cafe Express, chuỗi siêu thị 7-Eleven… cũng bị cuốn vào “cơn lốc dầu ăn bẩn”. Trung Quốc đại lục cũng không tránh được “lốc” dầu bẩn vì ít nhất 10 công ty thực phẩm của Đài Loan có chi nhánh hoặc phân phối sản phẩm ở đây. Các chuyên gia ước tính, trong vụ bê bối về an toàn thực phẩm lần này, ít nhất một nửa trong số 23 triệu dân Đài Loan là nạn nhân.

Người tiêu dùng Đài Loan hoang mang vì dầu kém chất lượng

Lợi nhuận khủng

Ngày 6-9, cảnh sát Đài Loan đã bắt giữ Quách Liệt Thành, 32 tuổi, chủ cơ sở thu mua và sản xuất dầu ăn bất hợp pháp ở huyện Bình Đông, phía Nam Đài Loan - nguồn cung chủ yếu cho Chang Guann. Theo hồ sơ của cảnh sát, Quách Liệt Thành từng có tiền án tiền sự về tội lừa đảo, làm giả văn bản giấy tờ... Trước đây, đối tượng này làm nghề thu mua dầu mỡ thực phẩm và bán lại, nhưng do lãi ít nên đã chuyển sang chế biến dầu ăn bẩn. Quá trình điều tra phát hiện, 1 năm Quách kiếm được hơn 4 triệu Đài tệ từ việc làm phi pháp.

Trước bê bối dầu ăn bẩn, ông Diệp Văn Tường – Tổng Giám đốc Công ty Chang Guann đã xin lỗi người tiêu dùng và khẳng định ban lãnh đạo công ty không biết sản phẩm thu mua từ xưởng của Quách là dầu bẩn. Tuy nhiên, phía cơ quan điều tra phát hiện, Phó Giám đốc của Chang Guann đã nhiều lần liên hệ với Quách Liệt Thành để ép giá do biết dầu ăn chất lượng kém và cơ sở của Quách không có giấy phép.

Lĩnh án tử vì sản xuất dầu ăn bẩn

Tại Đài Loan, hòn đảo nằm phía đông nam Trung Quốc đại lục, vụ bê bối an toàn thực phẩm lần này được nhận định là lớn nhất từ trước tới nay và là vụ bê bối thực phẩm thứ 2 xảy ra trong vòng chưa đầy một năm qua. Còn tại Trung Quốc đại lục, các vụ án liên quan đến thực phẩm bẩn không hiếm. Từ tháng 6-2013 đến nay, Bộ Công an Trung Quốc bắt giữ hơn 8.200 nghi phạm về an toàn thực phẩm. Cảnh sát Trung Quốc đã phát hiện hơn 4.500 trường hợp có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, đóng cửa khoảng 6.300 xưởng, các chợ chuyên sản xuất và buôn bán những mặt hàng kém chất lượng, tịch thu hơn 150.000 sản phẩm trái phép bao gồm: dầu ăn giả, thịt, gia vị, thực phẩm chức năng, đồ uống có cồn, nước ngọt và phụ gia bất hợp pháp.

Gần đây nhất, đầu năm 2014, tòa án ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã tuyên án tử hình hoãn 2 năm đối với bị cáo Châu Truyền Phong vì tội “chế” dầu ăn từ nước cống. Đây là mức án cao nhất dành cho hành vi sản xuất và buôn bán thực phẩm bẩn ở Trung Quốc. Từ năm 2006, nhóm tội phạm này đã sử dụng dầu thải được gạn lọc từ thùng rác hoặc hố nước thải của các nhà hàng để sản xuất dầu ăn và đem bán cho 17 đại lý ở Sơn Đông, Sơn Tây và thu về 52,4 triệu NDT.