"Cơn gió ngược" trong toàn cầu hóa

ANTD.VN - Xu thế toàn cầu hóa đang tiếp tục gặp trở ngại khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng tăng cường thuế chống bán phá giá như một biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào hàng hóa nhập khẩu tại thị trường nội địa. 

"Cơn gió ngược" trong toàn cầu hóa ảnh 1Thép Trung Quốc đang là mục tiêu áp đặt thuế chống bán phá giá của EU 

Theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, EU hiện nay có thể “rộng đường” thúc đẩy việc thông qua những quy định về thuế chống bán phá giá vì từ nhiều năm nay, Anh vẫn cho rằng việc áp đặt thuế chống bán phá giá nhằm vào hàng hóa nhập khẩu là không cần thiết và hoàn toàn mang tính bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, hôm 11-11, Hà Lan và Áo - cùng nhóm với Anh, đã phát đi thông điệp rằng họ sẽ quay sang ủng hộ biện pháp áp thuế chống bán phá giá. Điều này sẽ giúp đa số các nước thành viên EU có được lợi thế áp đảo khi tiến hành bỏ phiếu vào cuối năm nay. 

Động thái mới của EU xuất phát từ cáo buộc là Trung Quốc phá giá sản phẩm thép trên thị trường châu Âu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. EU cho rằng hiện Mỹ đã áp mức thuế chống bán phá giá 266% nhằm vào một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi mức thuế của EU đối với các sản phẩm tương tự mới chỉ là 21%.

Hệ quả là thép Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu, khiến sức ép đối với các nhà sản xuất nội địa gia tăng và việc làm giảm mạnh. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, việc làm trong ngành sản xuất thép châu Âu đã giảm 20%. Sự bức xúc ngày một gia tăng, đến mức Bộ trưởng Kinh tế Slovakia P. Ziga tức giận tuyên bố: “Châu Âu không thể cứ mãi khờ khạo và cần phải bảo vệ lợi ích của mình”.

Với sự hậu thuẫn của Pháp và Đức, Ủy ban châu Âu (EC) đang thúc đẩy việc tăng thuế chống bán phá giá để bảo vệ ngành thép châu Âu. Nếu được thông qua, các quy định về việc áp thuế chống bán phá giá sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách mậu dịch của EU, không chỉ liên quan đến ngành thép. Những quy định này sẽ cho phép EU tăng mức thuế chống bán phá giá nhằm vào hàng hóa nhập khẩu bất cứ khi nào nhận thấy có dấu hiệu định giá không công bằng. 

Thực tế, EU không chỉ tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Trước đây, quan hệ EU - Argentina cũng từng căng thẳng khi Argentina yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phân giải việc EU áp thuế chống bán phá giá đối với dầu diesel sinh học nhập từ Argentina, gây thiệt hại lớn cho quốc gia Nam Mỹ này. Hay như việc EU cáo buộc Nga áp mức thuế cao đối với nông sản và hàng chế tạo xuất khẩu của EU.

Chính vì thế, các nhà kinh tế lo ngại động thái mới của EU sẽ khiến xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng, chẳng khác nào như “cơn gió ngược” trong xu thế toàn cầu hóa. Theo ông P. Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong bối cảnh hậu quả của khủng hoảng kinh tế còn chưa hết, bảo hộ mậu dịch giống như chất béo gây xơ cứng động mạch (cholesterol) với cơ thể nền kinh tế toàn cầu.

Quyết định của EU nếu được thông qua cũng có thể tác động đến Việt Nam mà trực tiếp là ngành thép. Hiện nay, Bộ Thương mại Mỹ đang tiến hành điều tra mặt hàng thép cán nguội của Việt Nam. Một số doanh nghiệp của Mỹ cho rằng, Việt Nam nhập thép cán nóng từ Trung Quốc, sau đó “tút tát” không đáng kể thành thép cán nguội, mạ thành thép mạ để xuất sang Mỹ. Bằng chứng là kể từ tháng 5 vừa qua, khi Mỹ chính thức áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép mạ của Trung Quốc, lượng thép từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm hẳn, nhưng lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam lại tăng cao. Nếu như EU có quy định mới, khối này có thể gây khó dễ cho thép của Việt Nam nhập vào thị trường EU.