"Cơn gió" cải cách ở Iran?

ANTĐ - “Cơn gió” cải cách ở Iran đang ngày càng mạnh thêm, khi kết quả kiểm phiếu mới nhất cho thấy những người thuộc phe cải cách và ôn hòa đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử quốc hội, tổ chức hôm 26-2 vừa qua.

"Cơn gió" cải cách ở Iran? ảnh 1Phe cải cách ở Iran biểu dương lực lượng trong bầu cử

Theo các hãng tin bán chính thức Fars và Mehr, lực lượng cải cách đang hướng đến một sự hiện diện mạnh mẽ nhất tại Quốc hội Iran kể từ năm 2004, trong khi những người theo đường lối cứng rắn chịu thất bại thảm hại. Tổng thống H. Rouhani, người theo đường lối cải cách tuyên bố: “Cuộc cạnh tranh đã kết thúc. Đã đến lúc mở ra một chương mới trong quá trình phát triển kinh tế của Iran dựa vào những nguồn lực nội tại và các cơ hội quốc tế”.

Lâu nay, chính trường Iran luôn là “đấu trường” tranh giành quyền lực gay gắt giữa hai lực lượng bảo thủ và cải cách. Trong khi phe cải cách cho rằng cần phải có những thay đổi nhằm thoát khỏi các biện pháp cấm vận của phương Tây, dần cải thiện mối quan hệ với thế giới để phát triển kinh tế, thì lực lượng bảo thủ lại tỏ ra khá dè dặt. Vốn xem đạo Hồi là tư tưởng nền móng cho những quyết định về chính trị - xã hội, phe bảo thủ lo “làn gió” cải cách theo thời gian có thể sẽ biến thành “cơn bão” phá vỡ thành trì quyền lực của họ.

Với kết quả bầu cử quốc hội, dư luận cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống H. Rouhani có thể sẽ được làm việc với một nghị viện thân thiện hơn để theo đuổi chương trình nghị sự của mình. Mục tiêu mà ông H. Rouhani đặt ra là tiến hành các cải cách về kinh tế theo hướng mở rộng hợp tác với bên ngoài, tìm cách thu hút thêm đầu tư giúp tạo ra nhiều việc làm mới. Ông H. Rouhani cho rằng, thị trường với 80 triệu dân của Iran có sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài nếu như Iran có chính sách phù hợp để thoát khỏi cấm vận. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu quyền lực ở Iran thì dự đoán này xem ra còn khá sớm. Kể từ thắng lợi của cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, tại Iran đã xuất hiện thể chế chính trị khá đặc biệt là mô hình giao thoa quyền lực giữa thần quyền và dân chủ. Mặc dù Iran là nước theo chế độ Cộng hòa do Tổng thống đứng đầu, nhưng thực tế quyền lực cao nhất lại nằm trong tay Hội đồng giám hộ do Đại giáo chủ trực tiếp bổ nhiệm. Mặc dù Tổng thống và Quốc hội được bầu lên thông qua phổ thông đầu phiếu nhưng lại phải chịu sự kiểm soát của Hội đồng này.

Trong khi đó, Đại giáo chủ hiện nay - ông A. Ahamenei lại là người luôn phản đối chính sách mở cửa. Hồi đầu năm, ông này đã từng gây chấn động dư luận khi tuyên bố mở cửa là một ảo tưởng và Cộng hòa Hồi giáo Iran không nên đặt niềm tin của mình vào Mỹ bởi đó vẫn là kẻ thù ý thức hệ. Trong khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) được coi là bước ngoặt lịch sử gắn với  tên tuổi của Tổng thống H. Rouhani vì nó giúp Iran thoát khỏi cấm vận của phương Tây, ông A. Ahamenei lại cho rằng các thỏa thuận hạt nhân không phải là mãi mãi mà chỉ là tạm thời. 

Có lẽ nắm được đặc thù này mà ngay sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, phe bảo thủ, do cựu Chủ tịch Quốc hội H. Adel đứng đầu, đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ có thể đạt được nếu tập trung vào sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước theo một mô hình “kinh tế tự cung tự cấp”, phù hợp với những ý tưởng của cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Chính vì thế mà nhiều nhà nhà quan sát nhận định kết quả bầu cử Quốc hội Iran lần này có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chính sách đối nội, đối ngoại của Iran, bởi vì chính sách này đã được định hình từ trước, dù lực lượng bảo thủ hay cải cách lên thì cũng không thể đảo ngược. Thêm nữa, ở Iran, dù có Quốc hội hay Hội đồng chuyên gia được bầu lên thì quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay Đại giáo chủ, người quyết định cuối cùng đường lối đối ngoại, đối nội của nước này.