Con gái tôi sợ hãi, cự tuyệt anh - cha đẻ của nó

ANTĐ - Con gái tôi càng ngày càng khắt khe và nghiệt ngã với mẹ, khiến cho tôi bị tổn thương và buồn bã vô cùng. Đôi khi tôi giật mình bởi cảm giác có một khoảng trống nguy hiểm đang len vào và ngày một loang rộng ra giữa hai mẹ con tôi mà tôi không thể nào ngăn lại được. 

Tôi có một nỗi buồn sâu kín không giả tỏa nổi. Nhiều lúc không nghĩ thì thôi, càng nghĩ càng thấy buồn và tủi thân cho cuộc đời của mình. Tôi là người mẹ đơn thân. Nhiều lý do dẫn đến việc tôi không có được một gia đình bình thường như bao nhiêu gia đình khác. Bố tôi từ nhỏ bị bệnh tâm thần nhẹ. Đàn ông có bị bệnh tâm thần thì vẫn lấy được vợ, nhưng phụ nữ ở quê tôi mà có bị đui què, sứt sẹo thì mơ một tấm chồng, một gia đình hạnh phúc là vô cùng khó.

Bố tôi tâm thần nên khi đẻ ra mấy anh em tôi, có một anh đầu cũng bị bệnh tâm thần như bố. Gia cảnh của nhà tôi buồn hiu hắt. Hai anh trai kế tiếp của tôi phải bỏ xứ đi làm ăn xa rồi lập gia đình. Tôi là con gái út trong nhà, mang nghiệp chướng con gái của nhà có hai người điên nên 17, 18 tuổi vẫn không có ai ngỏ lời. Mẹ tôi khuyên tôi bỏ làng đi ra thành phố kiếm việc, giấu giếm thân phận may ra còn có người thương mà kiếm một tấm chồng.

Tôi từ quê khăn gói ra TP Vinh, Nghệ An xin vào làm công nhân ở Nhà máy Dệt kim. Không ai biết tôi là ai, thế nên con trai tán tỉnh và ngỏ lời với tôi cũng nhiều. Tôi yêu sâu sắc một người. Đến ngày ra mắt hai gia đình, tôi không thể giấu được thân phận. Trong lễ ra mắt, bên nhà người yêu tôi té ngửa biết nhà con dâu tương lai có bố bị tâm thần, anh trai bị tâm thần nên họ cáo lui một mạch. Tình yêu của người đàn ông tôi yêu không đủ lớn để vượt qua nỗi lo sợ di truyền giống nòi nên cũng lặng lẽ chia tay tôi. Mối tình đầu của tôi đã tước đoạt hết mọi niềm tin yêu và hạnh phúc của tôi.

Chán đời, tôi bỏ đi lên miền núi xin vào làm công nhân chè ở Thái Nguyên. Ở đó, đàn ông đến với tôi rất nhiều. Thậm chí ngay cả khi họ biết gia cảnh của tôi. Thế nhưng, trái tim yêu đã bị đâm nát không liền sẹo, tôi không mở lòng với bất kỳ ai cho đến khi tôi được một người đàn ông tử tế cho một đứa con làm của để dành. Anh là lái xe đường dài ở Hà Nội hay lên Thái Nguyên nhập chè của nông trường chè nơi tôi làm công nhân. Tôi trở thành người mẹ đơn thân, không chồng mà vẫn có con, sinh con và nuôi con một mình là vậy. Đời quả là buồn và tủi phận. Tôi sinh con năm 23 tuổi. Thời ấy, đàn bà con gái 23 tuổi coi như là quá thì.

Tôi một mình nuôi con trước cạm bẫy và bủa vây của đàn ông thèm thuồng đàn bà không chồng. Tôi cắn răng chịu đựng để khỏi mang tiếng là loại đàn bà hư hỏng. Con gái tôi biết thân phận, cháu ít nói, ít hòa đồng với bạn bè. Từ bé đến lớn, cháu quanh quẩn bên mẹ, đến trường và chăm chỉ học hành. Cháu đã bù đắp cho tôi nỗi bất hạnh làm bà mẹ đơn thân bằng cách học rất giỏi. Thỉnh thoảng, người đàn ông lái xe đường dài ấy vẫn tạt qua thăm mẹ con tôi. Anh vẫn dành cho con gái chúng tôi những tình cảm đặc biệt.

Nhưng càng lớn, con gái tôi càng khó chịu bởi sự có mặt của người cha không danh chính ngôn thuận. Cháu tránh mặt bố mỗi khi anh lên chơi với mẹ con tôi. Sau những lần viếng thăm ấy, con gái tôi có tâm trạng buồn, ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của hai mẹ con và việc học tập của cháu. Từ đó, tôi nói với anh không nên qua lại thăm hai mẹ con nữa. Con gái đã lớn, đã có suy nghĩ và chính kiến riêng. Việc anh đã có vợ, có gia đình, có con rồi mà vẫn lén lút đi lại với mẹ con tôi, làm cho cháu cảm thấy bị tổn thương. Cháu không thích sự xuất hiện của ông bố ngoài giá thú.

Thỉnh thoảng tôi cũng dẫn cháu về thăm quê ngoại mỗi dịp hè. Bố tôi đã mất, còn mình mẹ tôi ở nuôi anh trai tôi vẫn còn bệnh. Mỗi lần về quê dành dụm món tiền giúp mẹ, con gái tôi đều không vui. Về quê, cháu ít nói, ngồi thu lu trong nhà. Cháu cũng ít nói chuyện với bà ngoại. Tôi luôn có cảm giác về quê ngoại cùng mẹ với cháu là một sự ép buộc.

Con gái tôi thi đỗ vào Đại học Sư phạm. Cháu bảo với tôi: "Mẹ xuống phố ở với con. Hà Nội thiếu gì việc để làm. Hai mẹ con mình thuê nhà, mẹ kiếm việc gì đó làm miễn là hai mẹ con được ở bên nhau". Tôi thấy có lý nên đồng ý về hưu non ở công ty, hưởng lương một cục rồi khăn gói cùng con xuống phố. Tôi yêu nghề chè nên tìm việc ở một công ty chuyên sao tẩm đóng gói chè Việt đi xuất khẩu. Lương tháng cũng khá, đủ tiền thuê nhà trọ và trang trải nuôi con ăn học. Làm việc ở Hà Nội được 2 năm, tôi quyết định bán nhà và trang trại ở Thái Nguyên, mua một căn tập thể cũ 20m2 ở khu Nam Thành Công để hai mẹ con ổn định. Con gái tôi đã bước vào năm thứ 2 đại học. Cháu vừa đi học, vừa nhận gia sư cho mấy đứa trẻ con trong khu tập thể nghèo kiếm thêm mỗi ngày 100 ngàn đồng phụ giúp tôi. Hai mẹ con vậy là cuộc sống tạm ổn.

Ảnh minh họa

Khi tôi cảm thấy cuộc sống ổn nhất, mọi việc đang trên đà suôn sẻ thì tôi cũng mơ hồ nhận ra một điều rằng, con gái tôi rất khắt khe với tôi. Cháu rất khó chịu mỗi khi tôi mua một món đồ gì cho riêng mình hay sắm sửa đôi dép, chiếc quần tấm áo mới. Cháu khó chịu mỗi khi thấy tôi điện thoại nói chuyện với bạn bè. Cháu khó chịu và tức giận nếu tôi ra khỏi nhà, đi ăn uống hay đi chơi với ai đó, ngay cả là phụ nữ. Ngay cả khi tôi đang ở nhà, nếu có điện thoại gọi đến, cháu giành lấy máy nghe và bảo luôn mẹ cháu đang bận, hoặc mẹ cháu không có nhà. Tôi mới bước qua tuổi 40, vẫn còn trẻ, con gái tôi đã 20 tuổi, cháu cũng xinh đẹp, vậy mà cháu rất khó tính và có phần nghiệt ngã với mẹ, với bản thân.

Cháu không ăn diện, ít bạn bè và không mở lòng với người ngoài. Tôi đi làm ở chỗ mới, gặp nhiều bạn bè, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ, con gái tôi rất khó chịu. Tôi đã ngoài 40 tuổi, đã từng trải cuộc sống, thế nên tôi bắt nhịp với đời sống thành phố nhanh hơn. Tôi vẫn lặng lẽ giấu cháu giữ liên lạc với người đàn ông là bố cháu. Gia cảnh của anh cũng buồn, vợ mất mấy năm nay vì ung thư. Hai con trai đã trưởng thành, đã lập gia đình riêng. Anh sống một mình. Anh bàn với tôi về ở với anh cho con gái tôi có bố mẹ và cuộc sống thêm ấm áp. Nhưng tôi thật khó để chia sẻ với con gái tôi mong ước ấy.

Tôi đã quen sống một mình từ ngày tôi bỏ làng ra đi. Tôi chấp nhận hoàn cảnh và chấp nhận số phận. Thế nên tôi cũng chẳng có nhu cầu gì cho cuộc sống riêng tư. Điều mà tôi nghĩ nhiều nhất là con gái tôi. Cháu cần có một gia đình danh chính ngôn thuận, để sau này lấy chồng còn đàng hoàng với bên nhà chồng. Nếu tôi về ở với bố cháu thì cũng thuận lợi cho cuộc sống của mẹ con tôi. Anh có nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống cũng không vướng bận gì cả. Thế nhưng, khi tôi dẫn anh về nhà chơi và để cho con gái có được cảm giác con chưa bao giờ bị bố bỏ rơi thì cháu tỏ thái độ vô cùng lạnh lùng. Cả cuộc gặp gỡ với hai mẹ con, cháu không hé răng nói một lời. Đến bữa cơm, cháu kêu bận đi gia sư thêm nên không ăn cơm ở nhà. Tôi đủ nhạy cảm để hiểu vì sao cháu lại như vậy. Cuộc gặp gỡ đó, cả tôi và bố cháu đều rất buồn. Anh ấy và tôi đều hiểu cháu cự tuyệt tình cha con cho dù vì bất cứ lý do gì.

Sau buổi gặp gỡ hôm ấy, tối cháu không về nhà. Tôi đi tìm con suốt đêm trong tột cùng hoang mang và lo sợ. Cuối cùng tôi tìm thấy cháu ngồi nơi góc tối cầu thang trong khu tập thể cũ. Đưa cháu về nhà, lần đầu tiên, tôi đã tát cháu. Lần đầu tiên bị mẹ đánh, con gái tôi khóc nức nở. Cháu nói với tôi cháu sẽ bỏ học, sẽ bỏ nhà ra đi nếu tôi còn dẫn người đàn ông ấy về nhà. Con gái tôi nói, mẹ đừng phá vỡ cuộc sống của hai mẹ con, cháu sẽ không chịu nổi. Tôi thực rất buồn lòng. Tôi đã không có ý định lấy chồng từ lúc còn trẻ. Tôi đã ở vậy nuôi cháu đến chừng ấy năm trời, tôi đâu có định lấy chồng hay làm lại cuộc sống...

Điều cốt yếu là tôi muốn con gái tôi mở lòng với mẹ và sống một đời sống bình thường. Không về ở với bố nhưng cũng nên nhận bố và cho bố được đi lại thăm hai mẹ con. Nhưng con gái tôi càng ngày càng khắt khe và nghiệt ngã với mẹ, khiến cho tôi bị tổn thương và buồn bã vô cùng. Đôi khi tôi giật mình bởi cảm giác có một khoảng trống nguy hiểm đang len vào và ngày một loang rộng ra giữa hai mẹ con tôi mà tôi không thể nào ngăn lại được. Tôi thực sự cảm thấy rất buồn lòng.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Bạn thật là một người phụ nữ chịu quá nhiều thiệt thòi và đã hy sinh tất cả cho con gái. Trong cuộc sống hiện nay, thực tế là có rất nhiều người đàn bà lỡ thì, chỉ mong có một đứa con. Và họ "xin" một người đàn ông nào đó đã có gia đình cho mình hạnh phúc được làm mẹ. Đáng lẽ con gái bạn phải hiểu điều đó và thương yêu mẹ đã cô đơn nuôi mình khôn lớn. Nhưng không may là cháu quá cứng cỏi, quá mặc cảm. Tôi hiểu là bọn trẻ bây giờ, mỗi đứa một cá tính, và thật khó nói để chúng hiểu được ta. Tôi chỉ hy vọng là cháu sẽ yêu và lúc đó sẽ ít khắt khe với mẹ, sẽ thông cảm và hiểu mẹ hơn. Từ nay đến đó, tôi nghĩ chị cũng nên sống cho mình, tức là vẫn gặp bố của cháu, chỉ để ý cho cháu ít gặp anh mà thôi. Thậm chí, nếu cháu gặp anh, chị hãy nói để cháu hiểu là có anh thì mới có cháu.

Tôi nghĩ "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" - Có thể vì từ khi cháu còn bé chị đã không nói dần dần cho cháu hiểu hoàn cảnh của chị, của cháu. Bây giờ, chị mất công tìm xem cháu thân với bạn nào, thường trò chuyện với ai, chị hãy tìm gặp và tâm sự với họ, nhờ họ nói để cháu chấp nhận cha của mình. Tôi tin là nếu chị nói rõ chuyện ông ngoại và bác của cháu bị tâm thần ra sao và chị đã tha thiết muốn có cháu rồi vất vả như thế nào để nuôi cháu, thì cháu sẽ thông cảm và xót xa thương mẹ.

Con gái chị, nếu không cẩn thận, tôi sợ là cháu cũng có một chút... tâm thần. Trong hoàn cảnh này, chị hãy dành cho cháu sự chăm sóc chu đáo, nhưng hãy cứ bạn bè, chuyện trò, điện thoại... nói để cháu hiểu là cháu không có quyền ngăn cản mẹ có bạn bè. Chị đã nuôi cháu đến 20 tuổi, cháu đã học xong sư phạm. Coi như chị đã hoàn thành nhiệm vụ với con. Hãy động viên cháu mời bạn bè đến nhà chơi, kể cả bạn trai, hãy kể chuyện vui, hai mẹ con cùng xem tivi, cùng trò chuyện... tóm lại là làm sao để cháu gần và hiểu mẹ hơn.

Tôi cũng một mình nuôi con vì chồng bị bạo bệnh mất sớm. Chép tặng chị và con gái bài thơ tôi viết khi con 15 tuổi. Hy vọng cháu tìm thấy một chút tình mẹ con trong bài thơ này và sẽ thương quý chị hơn. Mong chị sẽ có phần cuối cuộc đời hạnh phúc: có chồng và có con biết yêu thương bố mẹ.

Con Mười Lăm Tuổi

Mùa xuân vui năm nay

Con tròn mười lăm tuổi

Với đôi má hây hồng

Và đôi môi hay nói

Chợ nhớ ngày còn bé

Con lên sởi, sốt, ho...

Và buổi đầu đến lớp

Con khóc đầy âu lo

Đã bao nhiêu ngày tháng

Mẹ một mình nuôi con

Bố mất rồi đâu biết

Bé mười lăm tuổi tròn

Trong vòng tay của mẹ

Một vầng trăng sáng xinh

Trên bầu trời của mẹ

Một mặt trời lung linh

Con chăm làm chăm học

Hay cãi và hay cười

Cái trán dô bướng bỉnh

Mắt trong ngời sướng vui

Chính là nhờ có bé

Mẹ như hiền ngoan hơn

Chính là nhờ có bé

Mẹ đã dần lớn khôn