Con đường ước mơ

ANTĐ - “Mới chỉ 4 tháng trước, con đường này còn trơn như đổ mỡ mỗi lúc trời mưa. Lắm hôm các em tới lớp, khúc quanh chỉ chưa đầy 200m ấy đã khiến những bộ quần áo mới bê bết bùn đất. Bây giờ thì đỡ rồi. Chúng tôi không còn phải lo ngay ngáy khi các em đi học” - thầy Nguyễn Mạnh Cường, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nói khi dẫn chúng tôi ra “thị sát” con đường bê tông mới khánh thành. 

Đại diện Báo ANTĐ tặng quà học sinh trường Tiểu học Sủng Cháng

Nhớ ngôi trường ấy

Đầu năm 2013 trong một chuyến công tác mang quần áo rét và lương thực lên tặng bà con các dân tộc của huyện Mèo Vạc, tình cờ chúng tôi tới Khâu Vai. Không giống như câu chuyện vốn nổi tiếng trong tình sử Việt, cuộc sống của các em nhỏ nơi núi đá tai mèo xa xôi này rất cơ cực, thiếu thốn trăm bề. Không hẳn bị lãng quên, nhưng cái khổ, cái rét vẫn là nỗi lo thường trực. Ngày ấy nhận chuyến xe chở quà, quần áo, chăn ấm… trị giá 90 triệu đồng, thầy và trò của trường Tiểu học và THCS Khâu Vai cứ ngỡ nằm mơ. Một trong số những giấc mơ đó là có con đường bê tông nhỏ cho các em học sinh đi từ khu nội trú lên tới sân trường. Chúng tôi về, quyết biến những giấc mơ đó thành hiện thực.

Sau 4 tháng quay lại, con đường ước mơ đó đã làm xong bằng số tiền quyên góp bởi ni sư các chùa Vân Hồ, Quan Hoa, Trung Kính và chùa Bộc. Chính những vị tu hành đã cùng cán bộ chiến sỹ Báo An ninh Thủ đô và một số phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội, UBND phường Bạch Mai, nhà hàng Sen và gia đình ông bà Dung Phát đã quyên góp số tiền 180 triệu đồng để gửi tới các em học sinh miền núi. Ngoài số tiền làm đường, món quà mà đoàn công tác gửi tới lần này cho Khâu Vai còn là 500 bộ quần áo đồng phục học sinh trị giá 50 triệu đồng cùng những thùng mì, bao gạo và nhu yếu phẩm trị giá hơn 40 triệu đồng. Thay mặt nhà trường nhận những món quà này, thầy Nguyễn Mạnh Cường xúc động: “Khâu Vai có trường đã lâu, nhưng đường thì bây giờ mới có. Con đường ấy tuy nhỏ nhưng là cả sự mơ ước suốt bao năm của cả thầy và trò chúng tôi. Mùa mưa năm nay, chắc sẽ không còn em nào bị ngã trên con đường cheo leo từ khu nội trú xuống lớp nữa”. 

Chúng tôi theo thầy Cường ra thăm khu nội trú, con đường đất vốn dốc ngược mà bình thường 2 con ngựa đi còn phải nhường lối cho nhau nay đã thay bằng bê tông rộng 2m. Thầy Cường bảo: “Ngày mưa, lũ trẻ cứ bấu vào vai nhau lần từng bước vì trơn. Lắm bận phải rạp cả người xuống để túm lấy từng bụi cỏ cho khỏi ngã. Bây giờ thì ổn rồi”. 

Con đường ước mơ ảnh 2
Đại diện Báo ANTĐ và các ni sư thăm con đường mới làm cho trường THCS và Tiểu học Khâu Vai

Nghĩa tình đồng chí

Cũng như Khâu Vai, điểm đến thứ 2 trong chuyến thăm Hà Giang lần này của chúng tôi là trường Tiểu học xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh. Đây là ngôi trường khó khăn nhất nhì trong huyện. Khi đoàn công tác tới thăm và tặng quà, Chủ tịch xã Giàng Mý Thứ đích thân dẫn chúng tôi tới từng lớp học giới thiệu. Ông Thứ kể: “Đấy, mang tiếng là trường nhưng cái sân cho lũ trẻ chỉ nhỏ bằng nửa dãy lớp vì đầu bên kia là dốc đứng rồi. Trường nằm chênh vênh trên ngọn đồi, chỉ sơ sảy đùa nghịch một chút là học sinh lăn xuống dốc. Cũng mấy lần xã định làm cho học sinh cái sân gạch, cái lan can cứng nhưng kinh phí chưa biết trông vào nguồn nào”.

Món quà mà đoàn công tác chúng tôi gửi tới học sinh Sủng Cháng là những thùng mì, bao gạo, quần áo… trị giá hơn 40 triệu đồng. Thầy Lê Hải Trung, Hiệu trưởng trường Tiểu học xúc động chỉ biết lóng ngóng hai câu: cảm ơn, và nhìn lũ học sinh của mình cười.

Cũng ở Sủng Cháng đoàn công tác còn ghé thăm gia đình chiến sỹ công an viên Sùng Mí Hồ. Hồ mới ngoài 30 tuổi nhưng anh đã hy sinh cách đây 1 năm khi truy bắt đối tượng vượt biên trái phép vào Việt Nam, để lại vợ cùng 2 con nhỏ và bố mẹ già đã gần 80 tuổi. Vợ anh Hồ - chị Vàng Thị Chính cứ ngơ ngác khi được hỏi thăm về gia cảnh khiến ông Chủ tịch Giàng Mý Thứ phải phiên dịch thay: “Nhà nó bây giờ nghèo lắm. Bây giờ nó phải nuôi 4 người ăn theo. Sức đàn bà con gái không kham nổi. Nhà dột nát sắp sập cũng không biết đằng nào sửa”. Dù chuyến ghé thăm ngoài dự kiến, nhưng ngay lập tức số tiền 13 triệu đồng đã được đoàn công tác gửi tới UBND xã Sủng Cháng để góp thêm chút nghĩa tình giúp chị Chính có thêm kinh phí dựng lại ngôi nhà. Số tiền dù nhỏ nhưng với chúng tôi, chuyến đi này chính là thể hiện nỗ lực thi đua lập thành tích, phát huy lời kêu gọi thi đua ái quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát động.