Con đường sống của tử tù mang tội giết bạn gái

ANTĐ - Lê Ngọc Quân (SN 1991), từng là tử tù trẻ tuổi nhất tại Trại tạm giam Nghi Kim (Nghệ An). Với hành động giết người yêu rồi tự sát trong phòng trọ khi bị từ chối tình cảm, Lê Ngọc Quân đã phải lãnh mức án tử hình. Trong thời gian chờ đợi ngày thi hành án, tử tù Lê Ngọc Quân đã được gia đình bị hại cũng như cả làng nơi mình sinh sống đồng loạt ký đơn tập thể gửi Chủ tịch nước xin cho một cơ hội được sống. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi Chủ tịch nước đã ký quyết định ân giảm cho Lê Ngọc Quân, từ án tử hình xuống chung thân. 
Con đường sống của tử tù mang tội giết bạn gái ảnh 1

Bản án tử hình 

Ngay sau khi có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước dành cho tử tù Lê Ngọc Quân, Thượng tá Trần Thăng Long, giám thị Trại tạm giam Nghi Kim đã gọi điện thông báo cho chúng tôi với một nỗi mừng vui khó tả. Đây là lần thứ hai kể từ khi nhận nhiệm vụ giám thị trại tạm giam, anh có nỗi vui mừng hết đỗi nhân văn này.

Trước đó, vào tháng 5-2011, là trường hợp của tử tù Nguyễn Đức Bảo (SN 1989), quê ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 2007, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Đức Bảo gây ra vụ bắt cóc cháu bé 7 tuổi con nhà hàng xóm, sau đó giết và giấu xác phi tang rồi lập kế hoạch tống tiền 50 triệu đồng. Sau vụ án, Nguyễn Đức Bảo Bảo bị tuyên án tử hình, sau 3 năm ở biệt giam, đã được ân giảm xuống chung thân. Trở lại với trường hợp của tử tù Lê Ngọc Quân, ngay sau khi giữ lại quyền được sống, Lê Ngọc Quân đã được chuyển đến thụ án tại Trại giam Đồng Sơn, tỉnh Quảng Bình, tia sáng cuối đường hầm đã mở, cơ hội để chuộc lại lỗi lầm trót gây ra trong quá khứ đã mở ra phía trước. 

Vụ án xảy ra vào tối ngày 20-1-2011, khi Lê Ngọc Quân đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Y khoa Vinh. Trước đó, Quân thầm thương nhớ trộm cô bạn cùng lớp, cùng dãy trọ và cùng tuổi, tên Thái Thị T., quê ở huyện Yên Thành nhưng không được đáp lại tình cảm. Dù vậy, hai người vẫn giữ được mối quan hệ thân thiết, kể cả khi T. chuyển phòng trọ, Quân vẫn đến chơi và nhiều hôm dùng cơm chung, điều này vô hình trung làm Quân ngộ nhận tình cảm của mình.

Tối 20-2, Quân đến phòng trọ của T. chơi, sau đó ở lại dùng cơm như thường lệ. Sau bữa cơm vui vẻ, lúc chỉ còn hai người, Quân lại bày tỏ tình cảm nhưng thêm một lần nữa T. từ chối. Chẳng hiểu nghĩ thế nào mà Quân đã chạy về phòng trọ của mình, lấy con dao Thái Lan dắt vào người rồi quay lại phòng trọ của T. với ý định sẽ dọa chết trước mặt người yêu để chứng minh tình yêu mãnh liệt của mình. Nhưng đến lúc T. to tiếng khẳng định chỉ coi Quân là bạn thì hai bên đã xảy ra cãi vã. Không kiềm chế được bản thân, Lê Ngọc Quân khóa cửa rồi rút dao ra với mục đích tự đâm vào mình T. đã hét lên.

Trong giây phút đó, Quân vội vàng lao đến ghì T. xuống rồi cầm dao cứa vào cổ nạn nhân, rồi đâm nhiều nhát vào người T. cho đến khi gục hẳn. Thấy nạn nhân bất tỉnh, gục xuống giữa vũng máu, Quân liền trở dao cắt vào cổ mình, tiếp tục cắt đứt động mạch ở tay trái và đâm vào bụng rồi cũng ngã xuống bên cạnh nạn nhân.

Mọi việc xảy ra quá nhanh, mọi người chạy đến, phá được cửa vào thì tình trạng đã hết sức nguy kịch. Cả hai nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cấp cứu, Quân may mắn thoát chết vì chỉ bị một vết cắt ở cổ, một vết cắt ở cổ tay và một vết đâm ở bụng, còn nạn nhân đã không qua khỏi bởi một vết cắt khá sâu và rộng ở cổ, trên mặt, hai tay và một số vết đâm tại ổ bụng. Kết quả khám nghiệm tử thi sau đó cho thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân là vết cắt sâu và dài 18cm ở vùng cổ. Phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Lê Ngọc Quân. Phiên phúc thẩm của TAND tối cao cũng đã giữ nguyên mức án mặc dù trong phiên tòa ấy, người mẹ khốn khổ của nạn nhân đã đứng ra xin được tha chết cho kẻ đã cướp đi mạng sống của con gái bà.

Điều kỳ diệu trong chốn biệt giam

Sau phiên tòa phúc thẩm, cơ hội sống đối với tử Lê Ngọc Quân gần như không còn nữa. Tuy vậy, với tình yêu con mãnh liệt, mẹ của Quân, bà Nguyễn Thị Sơn (SN 1969), trú ở xóm Đào Nguyên, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vẫn làm tất cả những gì trong khả năng và sức lực chỉ với một mong muốn được giữ lại mạng sống cho con trai mình. Một mặt, bà động viên con không được bi quan ở chốn lao tù, mà phải lạc quan, viết đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước; mặt khác bà cùng chồng mỗi tháng một lần thay nhau xuống trại tạm giam thăm, động viên để con gắng sống những ngày cuối đời trong hy vọng, dù rất nhỏ nhoi.

Trước đó, ngay khi vụ án xảy ra, người mẹ khốn khổ này đã tìm đến nhà nạn nhân, thay mặt con trai để cầu xin sự tha thứ dù bà biết điều đó gần như là không thể. Thế nhưng, chính tấm lòng ấy của người mẹ có con gây nên trọng tội đã làm lay động bố mẹ nạn nhân, họ không những chỉ tha thứ cho kẻ thủ ác mà còn hứa sẽ đứng ra nói lời xin giảm tội cho Quân trước tòa. Cũng bởi vậy mà đã lâu lắm rồi, những người cầm cân nảy mực tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mới được chứng kiến cảnh tượng hết sức cảm động, khi phiên tòa kết thúc, người thân của bị cáo và người thân của nạn nhân, hai bà mẹ cứ ôm lấy nhau khóc nức nở.  

Cũng trong thời gian Lê Ngọc Quân ngồi chốn biệt giam, 155 người dân xóm Đào Nguyên, nơi gia đình tử tù sinh sống, đã đồng loạt ký vào lá đơn gửi Chủ tịch nước xin cho Quân một cơ hội được sống để làm lại cuộc đời và tạ lỗi với gia đình nạn nhân. Và như một phép màu kỳ diệu, tử tù Lê Ngọc Quân đã khước từ được chuyến đò về âm phủ. Cảm xúc của Lê Ngọc Quân ngày biết mình được sống là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng không thể gọi tên, đó là lần thứ hai trong đời, Quân được khai sinh. “Những ngày ở chốn biệt giam lạnh lẽo đợi đến thời khắc đi thi hành án, em đã cảm nhận được cái chết đến với mình rất gần. Em đã mơ thấy T., người con gái ấy mặc bộ quần áo dài trinh trắng đứng trước cổng trường vẫy chào em trong những giấc ngủ ma mị, chập chờn.

Ân hận, nuối tiếc đã dày vò em suốt nhiều năm, nên em đã chuẩn bị tâm lý cho ngày “ra đi”, để được gặp cô ấy dưới suối vàng mà đền tội. Nhưng giờ đây, biết mình được sống, em như muốn vỡ òa vì sung sướng. Chắc hẳn, con đường về lại xã hội sẽ rất dài, nhưng em sẽ cố gắng từng giây, quý trọng từng phút để không hoài phí thêm một tích tắc thời gian nào. Em sẽ về để tạ tội với bố mẹ em và bố mẹ nạn nhân, về để trả ơn làng Đào Nguyên đã cứu vớt em, và cả những cán bộ quản giáo tận tâm đã động viên em trong suốt 3 năm ở chốn biệt giam”. Đó là những dòng ngắn ngủi mà tử tù Lê Ngọc Quân kịp nhắn gửi trước khi vào thụ án tại Trại giam Đồng Sơn. Chúng tôi cũng đã liên hệ qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Sơn, mẹ của Lê Ngọc Quân đang ở quê nhà.

Thêm một lần nữa bà Sơn nghẹn ngào, đã khóc vì sung sướng khi nhắc lại thời khắc con trai mình có cơ hội được sống. Chúng tôi tin với tình yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho con của mình, bà sẽ cố phải sống để chờ đón Quân về lại bên bà và gia đình. Dù bà biết, ngày đó còn xa, song chẳng sá gì, bởi ngay cả việc kéo con từ chuyến đò âm phủ trở về, người mẹ ấy còn làm được, thì chẳng có vật cản nào có thể ngăn nổi tình mẫu tử thiêng liêng ấy.