Tinh thần khởi nghiệp trong những cuốn tự truyện của các doanh nhân nổi tiếng

ANTD.VN - Đối với những người bước chân vào con đường khởi nghiệp, tri thức và kinh nghiệm là những yếu tố vô cùng quan trọng để họ hướng tới mục tiêu thành công. Muốn sở hữu những yếu tố đó một cách hiệu quả, không có con đường nào ngắn hơn việc đọc những cuốn tự truyện được viết ra bởi chính những doanh nhân thành đạt, nổi tiếng thế giới. 

 

Câu chuyện vực dậy chuỗi cà phê toàn cầu Starbucks

Tinh thần khởi nghiệp trong những cuốn tự truyện của các doanh nhân nổi tiếng ảnh 2

Ngày nay, khi hàng tỷ người biết đến thương hiệu cà phê Starbucks nổi danh toàn cầu thì ít ai biết hết được những câu chuyện nghị lực vươn lên đằng sau nó. Trong cuốn “Onward”, tác giả nhớ lại trạng thái đối mặt với chuỗi ngày khó khăn, mà nếu như CEO hãng này thiếu mất tinh thần khởi nghiệp lần 2, thì không chắc Starbucks đã có được sự huy hoàng đến ngày nay. Sau khi phải từ chức Giám đốc điều hành thương hiệu Starbucks vào năm 2000, Howard Schultz đã có cú trở lại đầy ngoạn mục vào năm 2008, khi công ty này đã nỗ lực vượt qua một cuộc khủng hoảng tài chính. "Onward" là cuốn sách ghi lại chi tiết cách tỷ phú này vực dậy chuỗi cà phê toàn cầu.

Trong cuốn sách này, người đọc sẽ dễ dàng tìm thấy cách Schultz đưa ra những quyết định khó khăn - như tạm thời đóng cửa hơn 7.000 cửa hàng tại Mỹ - để giúp Starbucks tăng trưởng mà không bỏ qua các giá trị cốt lõi của mình thế nào. Đồng thời, cuốn sách cũng cho thấy một con người thật của Schultz với chiến lược kinh doanh độc đáo cùng những giai thoại về thời thơ ấu ở Brooklyn, New York. 

Có thể nói “Onward” là một cuốn tự truyện trung thực và đầy đam mê để truyền cảm hứng cho các doanh nhân cũng như nhiều người khác về tinh thần khởi nghiệp, về lòng dũng cảm đối mặt với nghịch cảnh và sẵn sàng xoay chuyển tình thế trong nghịch cảnh. 

Tỷ phú Richard Branson: Không bao giờ né tránh thử thách, thất bại

Nhà sáng lập Virgin Group - tỷ phú Richard Branson - thú nhận rằng, ông chưa bao giờ đọc một cuốn sách về lãnh đạo trong sự nghiệp gần nửa thế kỷ kinh doanh của mình. Nhưng điều đáng quý là trong cuốn sách "The Way Virgin”, tác giả Richard Branson đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu về việc xây dựng một doanh nghiệp, mà ở đó có câu chuyện Virgin Group của ông. Viết ra tác phẩm "The Way Virgin”, người sáng lập Virgin Group đã đưa ra nhiều bài học về quản lý và phương châm kinh doanh, bao gồm cả tầm quan trọng của việc lắng nghe người khác và lựa chọn nhân sự, thuê được đúng người cần tìm đáp ứng công việc của tập đoàn trong những giai đoạn khó khăn, trằm lắng hay thành công.

Tỷ phú Richard Branson thẳng thắn chia sẻ rất trung thực những thành công cũng như thất bại của ông trong cuốn sách, chẳng hạn như đánh giá thấp ảnh hưởng của Coke khi ông cố gắng cho ra sản phẩm Virgin Cola vào những năm 1990. Đáng quý, cuốn sách cho thấy một tầm nhìn khoáng đạt và rộng mở của một doanh nhân thú vị không bao giờ né tránh thử thách.

“Bloomberg by Bloomberg” - cuốn sách được xuất bản vào năm 1997, thời điểm trước khi Michael Bloomberg trở thành Thị trưởng của thành phố New York (Mỹ). Trong cuốn tự truyện này, tỷ phú Bloomberg đã viết chi tiết về hành trình xây dựng một đế chế truyền thông mang tên ông. Ông đã dẫn dắt độc giả cùng nhìn lại những mốc son trong sự nghiệp của mình, từ chuyện Bloomberg đã thành công tại Salomon Brothers ra sao. 

Câu chuyện thú vị ở chỗ, chính ông Bloomberg kể chuyện mình đã bị sa thải khỏi Salomon Brothers thế nào vào năm 1981. Bất ngờ hơn, Bloomberg kể lại cách ông sử dụng một phần phụ cấp thôi việc ở Salomon Brothers, để tạo ra công ty mà bây giờ là Bloomberg LP. Cuốn sách này chứa đầy các giá trị, những hiểu biết trung thực về lãnh đạo và quản lý, tất cả đều dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tỷ phú Bloomberg. 

Tỷ phú Ted Turner kể chuyện từng bị trục xuất khỏi trường đại học

Tinh thần khởi nghiệp trong những cuốn tự truyện của các doanh nhân nổi tiếng ảnh 4

Tỷ phú Ted Turner được biết đến với rất nhiều dự án kinh doanh khác nhau nhưng có lẽ ông được nhắc đến nhiều nhất với vai trò là người sáng lập Kênh tin tức cáp 24 giờ đầu tiên của Mỹ - CNN cũng như là chủ sở hữu cũ của Atlanta Braves. Cho đến giờ, CNN trở thành hãng tin tức truyền thông nổi tiếng khắp thế giới.

Trong cuốn tự truyện “Call me Ted” của mình, tỷ phú Ted Turner vạch ra con đường độc đáo không giống ai đã dẫn ông đến thành công. Ted kể lại chuyện mình bị trục xuất khỏi trường Đại học Brown thế nào, rồi chuyện ông điều hành công ty biển quảng cáo của cha ông ra sao. Cũng từ đấy, với tinh thần khởi nghiệp không ngừng nghỉ, Ted kể lại quá trình biến một trạm tin tức nhỏ thành một tổ hợp truyền thông, đế chế truyền thông.

Ngoài ra, cuốn sách còn chia sẻ những câu chuyện cá nhân về mối quan hệ của Ted Turner với cha ông và nữ diễn viên Jane Fonda, tất cả đều vẽ nên một bức tranh đầy đủ về tỷ phú năng động này. Mỗi con người đều có một đời sống riêng và một câu chuyện riêng, nhưng ý chí vươn lên, tính cách của Ted được thể hiện rất sinh động và sâu sắc trong cuốn sách “Call me Ted”.

Cô gái tỷ đô Trần Uyên Phương kể chuyện cùng cha vươn ra biển lớn

Và điều thú vị là ở Việt Nam, cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr. Thanh” do nữ doanh nhân Trần Uyên Phương chấp bút được ra mắt đúng dịp Ngày của Cha và Ngày gia đình Việt Nam 28-6-2017. Với  hàng vạn bản in đầu tiên đã bán hết, cuốn sách được đánh giá là một trong những hiện tượng của ngành xuất bản khi chỉ một năm sau đã được tái bản lần thứ hai với sự hào hứng đón nhận của độc giả. 

Tác giả cuốn sách: Cô gái tỷ đô Trần Uyên Phương - con gái cả của gia đình ông Trần Quí Thanh, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát - đã chia sẻ không chỉ câu chuyện của một gia tộc doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam, mà còn khắc họa thú vị về người thuyền trưởng chèo lái con tàu Tân Hiệp Phát từ một phân xưởng sản xuất bia nhỏ bé hồi những năm 90 của thế kỷ trước, trở thành một tập đoàn nước giải khát hàng đầu quốc gia và vươn tầm quốc tế, xuất khẩu đến 20 nước trên thế giới, có thể vượt lên cả những “người khổng lồ” ở những thị trường địa phương như hiện nay. 

Trong câu chuyện thành công của gia tộc họ Trần, điều ý nghĩa và có hậu nhất là vị thuyền trưởng Tân Hiệp Phát có một người vợ cảm thông, hy sinh và gánh vác trọng trách “xây tổ ấm” một cách xuất sắc, đồng thời ông có những người con giàu tố chất để cùng cha xây dựng tập đoàn. Nữ tác giả Trần Uyên Phương đã viết rằng, trong muôn vàn sóng gió mà cha cô gặp phải, ông thản nhiên đón nhận và vượt qua, chỉ đơn giản với tư duy “Không Gì Là Không Thể”.

Dù nếm trải qua bao sóng gió dồn dập, người đọc sẽ được truyền cảm hứng bởi câu nói nghe tưởng như ngạo mạn: “Không Gì Là Không Thể”. Và, ở tuổi 65 ông Trần Quí Thanh vẫn giàu nhiệt huyết, bừng bừng tâm thế của một nhà doanh nhân muốn tiếp tục vươn ra biển lớn, tiếp tục chinh phục. Lối tư duy ngắn gọn “Không Gì Là Không Thể” này buộc chính bản thân người dẫn đầu phải liên tục thay đổi, làm mới mình để nỗ lực hơn và đạt được những cột mốc mới. Nếu người làm start-up không có tinh thần và tư duy như vậy, thì thật khó để nói tới câu chuyện thành công!

Qua cuốn sách, hiểu được tư duy vươn ra biển lớn 

Có lẽ, dù không “dán nhãn” là cuốn sách có giá trị dành cho người khởi nghiệp, nhưng “Chuyện nhà Dr. Thanh” cũng đã thu hút số đông độc giả là những chủ dự án start-up, những người quan tâm tới kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới, với mong muốn tìm hiểu những bí quyết thành công của một gia tộc doanh nhân vượt qua sóng gió đi tới thành công. 

Tinh thần khởi nghiệp trong những cuốn tự truyện của các doanh nhân nổi tiếng ảnh 7

Hai cha con doanh nhân: Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương

Trong lần tái bản này, chương mới “Trò chuyện với Dr. Thanh” (trùng tên một chuyên mục “ăn khách” trên trang web tranquithanh.com) và những lời nhận xét của độc giả, mang đến sự thú vị. Thông qua chương mới, độc giả như được trò chuyện trực diện với nhân vật trung tâm của cuốn sách, và qua đó, lĩnh hội thêm những quan điểm, tư duy giá trị về kinh doanh.

Chương “Trò chuyện với Dr.Thanh” được chắp bút bởi Nhà biên kịch Lê Chí Trung. Đây là những mẩu chuyện ngắn thuật lại cuộc trò chuyện giữa Nhà biên kịch Lê Chí Trung và người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, được kể lại đầy chân thật, đơn giản dưới dạng bút ký, nhưng qua đó bộc lộ nhiều nét thú vị về tính cách của Dr. Thanh. Hình ảnh một doanh nhân dưới con mắt của một nghệ sĩ được thể hiện dung dị và sâu sắc. Đấy chính là yếu tố bất ngờ và thú vị mà cuốn sách “Chuyện nhà Dr.Thanh” phiên bản mới gửi đến độc giả.

Ông Trần Ngọc Anh - Chủ tịch Tập đoàn Anh Group - đã chia sẻ rằng: “Qua cuốn sách này, tôi hiểu được cách chèo lái một con thuyền doanh nghiệp, từ nhỏ trở thành một tập đoàn lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam và vươn ra toàn cầu”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lại bày tỏ: “Đây là một quyển sách rất ấn tượng về một doanh nhân, nỗ lực để xây dựng và phát triển một doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cùng thương hiệu của mình”.

Tinh thần khởi nghiệp trong những cuốn tự truyện của các doanh nhân nổi tiếng ảnh 8

Nhận xét của bạn đọc có trong "Chuyện nhà Dr. Thanh" tái bản lần 2

Những lời nhận xét từ các doanh nhân và chuyên gia kinh tế đó giúp cho chúng ta hiểu về những giá trị mà “Chuyện nhà Dr. Thanh” mang tới. Một tập đoàn Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng trên sân chơi toàn cầu hóa. Đấy luôn là điều được những người khởi nghiệp tò mò khám phá và học hỏi. Việc tái bản cuốn sách này còn hứa hẹn sẽ có nhiều điều thú vị chờ đợi những người yêu kinh doanh. Điều thú vị đó có thể là sẽ có một cuốn sách mới nữa, với những giá trị tư duy về kinh tế và chia sẻ sâu sắc hơn nữa về kinh doanh… 

Trung Hiếu